Giáo dục toàn diện cho học sinh dân tộc thiểu số

Cập nhật, 06:51, Thứ Hai, 15/02/2021 (GMT+7)

 

Việc dạy và học tiếng dân tộc đã góp phần gìn giữ nét văn hóa cho các em học sinh.
Việc dạy và học tiếng dân tộc đã góp phần gìn giữ nét văn hóa cho các em học sinh.

(VLO) Vĩnh Long vừa tổng kết 5 năm đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2025” và 10 năm thực hiện Nghị định số 82/2010/NĐ- CP của Thủ tướng Chính phủ quy định dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Qua đó, không ngừng nâng cao năng lực học tập cho trẻ dân tộc thiểu số, khuyến khích giao tiếp để phát triển toàn diện…

Nhiều kết quả quan trọng

Theo Sở GD- ĐT, đề án trên đã tạo tiền đề cho trẻ vùng dân tộc thiểu số học tập, tiếp thu kiến thức tốt hơn ở các cấp học tiếp theo. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của giáo viên, phụ huynh; cơ sở vật chất ở các trường cũng được quan tâm đầu tư tốt hơn.

Theo đó, các phòng GD- ĐT đều có kế hoạch triển khai chuẩn bị tiếng Việt và tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số.

Các hoạt động giáo dục, các trò chơi và các phương tiện hỗ trợ kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đều nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ dễ hiểu và đạt hiệu quả hơn.

Đồng thời, khảo sát trẻ ngay từ đầu năm để phân công giáo viên rèn cho trẻ các kỹ năng chưa thạo. Riêng trẻ 5 tuổi được trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng, đảm bảo yêu cầu chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ vào lớp 1.

Kết quả đánh giá, theo dõi sự phát triển của trẻ nói chung và trẻ dân tộc thiểu số nói riêng cuối mỗi độ tuổi đạt từ 90% trở lên, trẻ có nhiều tiến bộ và phát triển cả 5 lĩnh vực: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ và tình cảm kỹ năng xã hội.

Theo bà Trương Thanh Nhuận- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT, qua đánh giá đề án, chất lượng giáo dục đối với trẻ em nói chung và trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng có sự phát triển rõ rệt.

Trẻ người dân tộc có nhiều cơ hội được thực hành, khám phá, trải nghiệm, được khuyến khích giao tiếp, trao đổi, thảo luận, bày tỏ ý kiến cá nhân, được rèn luyện kỹ năng trong học tập lẫn vui chơi, đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống, dần hình thành tính mạnh dạn, linh hoạt, tự tin, hoạt bát hơn trong giao tiếp giữa trẻ với nhau, giữa cô và trẻ, giữa trẻ với người xung quanh, từ đó trẻ được phát triển ngôn ngữ, biết cách sử dụng từ ngữ, diễn đạt rõ ràng, mạch lạc.

“Việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non tại các vùng có trẻ dân tộc ngày càng có chất lượng, phù hợp với điều kiện của từng vùng.

Tích cực thực hiện việc xây dựng môi trường giáo dục tiếng Việt trong và ngoài lớp học phù hợp với điều kiện của từng trường, đáp ứng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục để giúp trẻ hình thành tiếng Việt, phát triển toàn diện theo các lĩnh vực”- bà Trương Thanh Nhuận chia sẻ.

Song song đó, sau 10 năm thực hiện dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, Vĩnh Long cũng đã đạt nhiều kết quả tích cực đáng ghi nhận.

Năm 2005, Sở GD- ĐT đã chỉ đạo triển khai dạy tiếng Khmer trong trường tiểu học, và đến năm 2014, trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị định 82 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc dạy tiếng Khmer trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Đến nay, toàn tỉnh có 6 trường tiểu học và 2 trường THCS tổ chức dạy tiếng Khmer cho các em học sinh, tập trung ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình và TX Bình Minh.

Theo Phòng Giáo dục Mầm non- Tiểu học (Sở GD- ĐT), sau 10 năm thực hiện, số trường- lớp- học sinh tiếng Khmer ổn định và phát triển.

Nội dung chương trình phù hợp với học sinh. Đến cuối cấp, học sinh cơ bản đọc và viết đạt yêu cầu theo quy định về chuẩn kiến thức- kỹ năng; giáo viên dạy tiếng Khmer là người dân tộc Khmer, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Cơ sở vật chất các trường được đầu tư, xây dựng đạt chuẩn quốc gia.

Ông Lê Như Xuyên- Phó Vụ trưởng Vụ GD- ĐT đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác thực hiện dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số. Ngành giáo dục Vĩnh Long đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện tốt tại các trường.

Giáo dục toàn diện cho học sinh

Cơ sở vật chất tốt đáp ứng nhu cầu học tập của các em, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Cơ sở vật chất tốt đáp ứng nhu cầu học tập của các em, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Theo Sở GD- ĐT, đối với giáo dục dân tộc tại vùng đồng bào dân tộc Khmer, trong thời gian qua, ngành đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ góp phần nâng chất lượng GD-ĐT. Ngành đã tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường học.

Qua đó hầu hết các trường mầm non, phổ thông thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, bổ sung trang thiết bị dạy học.

Ngành giáo dục cũng đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, học sinh người dân tộc, giáo dục tinh thần đoàn kết dân tộc, giao lưu văn hóa dân tộc để duy trì và phát huy truyền thống dân tộc.

Việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường ở các địa phương có đông người dân tộc sinh sống cũng đã và đang góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Trường Tiểu học Thạch Thia (xã Loan Mỹ- Tam Bình) được đầu tư khang trang đã đáp ứng được nhu cầu học tập của các em học sinh, nơi có trên 76% học sinh dân tộc Khmer. Việc học 2 buổi/ngày góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cũng như hạn chế tình trạng bỏ học của học sinh người dân tộc.

Thầy Trần Ngọc Bảy- giáo viên phụ trách công tác giáo dục phổ cập xã Loan Mỹ- cho biết, hiện nay tỷ lệ huy động học sinh đến trường đúng độ tuổi luôn đạt cao, tỷ lệ xóa mù chữ từng bước được nâng cao.

Theo thầy Thạch Sơn- giáo viên Trường Tiểu học Phù Ly (TX Bình Minh), cơ sở vật chất tốt đã góp phần không nhỏ đối với công tác giáo dục cũng như vận động các em đến trường. 

“Những năm qua, tình trạng bỏ học của học sinh người dân tộc Khmer không còn. Ngoài ra, học lực, hạnh kiểm của các em ngày càng nâng cao. Cơ sở rộng rãi cũng giúp nhà trường triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa, giúp các em học sinh Khmer mạnh dạn trong học tập, nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các em”- thầy Thạch Sơn vui vẻ cho biết.l

Theo Sở GD- ĐT, đối với tỉnh Vĩnh Long, ngoài người Kinh, các dân tộc khác chiếm khoảng 2,7% dân số, trong đó nhiều nhất là dân tộc Khmer. Hiện tổng số học sinh Khmer các cấp được huy động đến trường đạt 98%.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY