Đột phá nguồn nhân lực cho Vĩnh Long tiến xa

Cập nhật, 12:16, Chủ Nhật, 14/02/2021 (GMT+7)

 

Đầu năm 2020, chính thức ra mắt phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh tại Vĩnh Long.
Đầu năm 2020, chính thức ra mắt phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh tại Vĩnh Long.

(VLO) Đầu tư cho giáo dục chính là chìa khóa để phát triển kinh tế, xã hội. Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng cao trong bối cảnh toàn tỉnh cũng như cả nước đang huy động nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa- hiện đại hóa.

Giáo dục- đào tạo phải đi trước

Nguồn nhân lực tay nghề cao có vai trò đặc biệt quan trọng trong phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, do đó, Vĩnh Long đã chú trọng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực.

Vĩnh Long hiện đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL về số lượng trường ĐH, CĐ với 3 trường ĐH, 1 phân hiệu ĐH và 3 trường CĐ. Các trường được đầu tư xây dựng khang trang, thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu “học đi đôi với hành”. Đây là điều kiện thuận lợi để đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

TS. Lê Hoàng Anh- Trưởng Khoa Cơ khí, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- cho biết: “Thiết bị giảng dạy trong trường hiện đại và tương đối mới so với các doanh nghiệp bên ngoài. Qua đó, thúc đẩy phong trào dạy học cũng như nghiên cứu khoa học trong giảng viên, sinh viên.

Góp phần giúp các em say mê học tập, có được những kỹ năng tốt khi ra trường, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp”.

Cùng với khuyến khích phát triển giáo dục ĐH, Vĩnh Long còn chú trọng công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS; hỗ trợ chi phí và đầu tư thiết bị, máy móc để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Bản thân trường nghề cũng tranh thủ và liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu lao động hiện nay.

Từ đó hơn 90% sinh viên ra trường tìm được việc làm. Có những ngành nghề cung không đủ theo đặt hàng của doanh nghiệp.

Ông Trần Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long cho rằng: “Tỉnh đã hỗ trợ nguồn kinh phí để đào tạo học sinh, sinh viên rất kịp thời và đầy đủ. Lãnh đạo tỉnh cũng rất quan tâm đến nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng giảng viên của trường về nghiệp vụ sư phạm, nâng cao kỹ năng tay nghề, rồi các nghiệp vụ quản lý trong nhà trường, giúp cho năng lực quản trị cũng như chất lượng giảng dạy của giảng viên ngày càng nâng cao”.

Nói về điều kiện thực hành tại trường, sinh viên Huỳnh Thanh Nhã cho biết: “Ở xưởng có một không gian rất rộng và các trang thiết bị hiện đại, kèm theo đó trường đã tổ chức cho sinh viên nhiều chuyến thực tập ở các xí nghiệp và công ty lớn, giúp các em thực hành trải nghiệm và có thêm nhiều kiến thức sát với thực tế”.

Nâng chất lượng nhân lực để phát triển địa phương

Trong kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần XI năm 2020 với sự tham gia của 474 thí sinh, dự thi 34 nghề, đoàn của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long có 22 sinh viên đại diện cho tỉnh Vĩnh Long dự thi 15 nghề. Kết quả, trường có 4 sinh viên đạt Huy chương vàng, 1 sinh viên đạt Huy chương bạc, 5 sinh viên đạt Huy chương đồng và 5 sinh viên đạt chứng nhận Kỹ năng nghề xuất sắc.

Là 1 trong 4 sinh viên đạt huy chương vàng, Trương Thành Khang- sinh viên năm 3 ngành công nghệ thông tin- cho rằng: “Tham gia cuộc thi có rất nhiều bạn ở các trường ĐH lớn, nhưng nhờ được thầy cô hướng dẫn tận tình và nhà trường đầu tư trang thiết bị hiện đại, tạo điều kiện cho em hoàn thành tốt phần thi của mình”.

Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ở Vĩnh Long trên 90%.
Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ở Vĩnh Long trên 90%.

Cuối tháng 11/2020, đề tài của 2 sinh viên Trường ĐH Cửu Long là Lưu Vĩnh Mến và Tạ Linh Phụng- Khoa Kỹ thuật công nghệ- đã đạt giải nhất giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020”.

Với đề tài “Thiết kế, chế tạo máy ép đĩa mo cau và khắc hoa văn cho sản phẩm”, 2 sinh viên đã ghi lại dấu ấn của mình trong cuộc thi không chỉ bởi tài năng mà còn bởi sự hiếm hoi của sinh viên ĐBSCL tham gia cuộc thi này.

Chia sẻ những thành công, em Lưu Vĩnh Mến cho hay: “Trường ĐH Cửu Long và thầy Cao Văn Thi đã hỗ trợ tụi em rất nhiều trong quá trình thực hiện đề án. Lúc đầu tham gia, em rất lo lắng vì mình là sinh viên ở tỉnh nhưng sau đó thì em tự tin hơn. Em nghĩ nếu mình cố gắng thì sáng tạo sẽ không có ranh giới”.

Giáo dục và đào tạo là yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực. Chất lượng giáo dục- đào tạo tốt sẽ tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội khác.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- cho biết: “Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, xem phát triển nguồn nhân lực là một trong những khâu đột phá. Trước mắt là sẽ xây dựng kế hoạch để điều chỉnh cũng như bổ sung phát triển nguồn nhân lực với số lượng, chất lượng đảm bảo cơ cấu.

Sinh viên ngày càng có trình độ và kỹ năng tốt hơn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Sinh viên ngày càng có trình độ và kỹ năng tốt hơn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Trong đó, chú trọng đào tạo những ngành nghề phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội cũng như nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. 

Đồng thời, có những chương trình kế hoạch dài hạn để nâng cao chất lượng và hoàn thiện các cơ chế chính sách để hỗ trợ. Đặc biệt quan tâm đến dự báo nhu cầu của thị trường, có chiến lược cũng như lộ trình thay đổi về cơ cấu của thành phần kinh tế để đáp ứng công tác đào tạo”.

Hiện nay, Vĩnh Long đạt 225 sinh viên/vạn dân; hơn 82% sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh ra trường có việc làm; 100% sinh viên tốt nghiệp có trình độ B ngoại ngữ trở lên. Giai đoạn 2020- 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm.


Bài, ảnh: CAO HUYỀN