Trường học hạnh phúc- mỗi ngày đến trường là một niềm vui

Cập nhật, 09:05, Thứ Tư, 16/12/2020 (GMT+7)

 

Vườn rau thủy canh của Trường THPT Vĩnh Long nơi các em cùng trải nghiệm và biết cách sẻ chia với các bạn khó khăn hơn.
Vườn rau thủy canh của Trường THPT Vĩnh Long nơi các em cùng trải nghiệm và biết cách sẻ chia với các bạn khó khăn hơn.

Một trường học không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo,... là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, để “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” là mục tiêu nhiều trường phổ thông trong tỉnh đang thực hiện.

“Mình thương học trò, học trò thương mình”

Trường học hạnh phúc là nơi không chỉ lưu tâm truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh mà còn chú trọng giáo dục cảm xúc cho các em. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò được tôn trọng, chứ không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn, lạc hậu.

Cô Đỗ Thị Kim Loan- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long, ngôi trường có gần 2.000 học sinh trong năm học 2020- 2021 này cho biết: “Hướng tới chương trình giáo dục phổ thông 2018, có sự thay đổi lớn ngoài môn học còn cho học sinh trải nghiệm”. Tùy vào môn học mà Trường THPT Vĩnh Long có những hoạt động khác nhau. Ví dụ môn Sinh có vườn sinh học, nhà lưới trồng rau thủy canh; môn Lịch sử sẽ cho học sinh đến những địa điểm lịch sử để học tại chỗ; môn Hóa học thì có làm xi rô, cơm rượu.

Cô Kim Loan quan niệm, dùng tình yêu thương để cảm hóa học trò, do đó những tiết sinh hoạt dưới cờ thật nhẹ nhàng “chủ yếu là khen thưởng”. Cô cũng đề nghị giáo viên trong trường quan tâm và khích lệ học sinh khi các em có sự tiến bộ dù rất nhỏ. Cô Kim Loan cho rằng: “Mình yêu thương học trò, quan tâm và thật lòng chia sẻ với các em thì sẽ được các em đáp lại. Lãnh đạo trường cố gắng hết sức làm nhiệm vụ của mình chứ không áp lực vì áp lực đó sẽ làm giáo viên áp lực và khi giáo viên áp lực thì học sinh cũng sẽ áp lực theo, giờ học sẽ nặng nề”.

Giáo viên gần gũi, chia sẻ không gây áp lực sẽ giúp học trò học tốt hơn.
Giáo viên gần gũi, chia sẻ không gây áp lực sẽ giúp học trò học tốt hơn.

Vào tuần trước, vườn rau thủy canh của Trường THPT Vĩnh Long do các lớp luân phiên nhau chăm sóc vừa thu hoạch và gây quỹ đạt gần 4 triệu đồng. Cô Loan cho biết: “Chúng tôi bán rau cho phụ huynh và giáo viên. Tùy vào lòng hảo tâm của mọi người, muốn trả bao nhiêu cũng được, số tiền đó để hỗ trợ học sinh khó khăn”.

Qua hoạt động này, cô Loan và các thầy cô trong trường muốn cho học sinh học cách làm việc nhóm, yêu thiên nhiên, biết quý công sức lao động của mình để yêu thương cha mẹ nhiều hơn và biết sẻ chia với các bạn khó khăn hơn. Cùng tham gia các hoạt động còn giúp thầy trò và tình cảm bạn bè trong lớp gắn chặt hơn, yêu thương nhau hơn để các em có “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.

Em Phạm Khánh Như - học sinh lớp 12T2, Trường THPT Vĩnh Long- khoe: “Đó là cây cóc em trồng, đã có trái con rồi đó. Cùng các bạn chăm sóc cây vui lắm, nhờ vậy tụi em cũng gần gũi yêu thương nhau hơn. Như đợt xà lách rồi, em thu hoạch và cũng ủng hộ đó”.

Xây dựng trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Thiện- Trường THPT Trà Ôn- cho rằng: “Để xây dựng trường học hạnh phúc đúng với các tiêu chí của nó, cán bộ quản lý, thầy cô giáo và học sinh trong nhà trường phải nỗ lực không ngừng, với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực”.

Để xây dựng trường học hạnh phúc, Trường THPT Trà Ôn xác định 4 khía cạnh là: Các điều kiện ở trường học, mối quan hệ xã hội ở trường, cách thức hoàn thiện bản thân ở trường học và tình trạng sức khỏe ở trường học.

Kết quả bước đầu tại trường này, quan hệ giữa học sinh với đoàn trường, tổ chuyên môn và các tổ chức trong nhà trường ngày càng gần gũi, gắn bó và có sự quan tâm sâu sát.

Thầy Minh Thiện nói: “Trong mỗi ngày học đã có những biểu hiện của một môi trường học tập hạnh phúc, là nơi các em cảm thấy sự an toàn, sự tôn trọng; là nơi tuyệt vời để trải nghiệm- được sai và được sửa sai. Học sinh cảm thấy không bị bắt nạt ở trường học; hòa thuận với bạn học; giáo viên quan tâm đến cảm xúc của học sinh. Học sinh biết quan tâm đến cảm xúc của bạn, biết quản lý cảm xúc bản thân”.

Cụ thể, các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp tự quản đều do học sinh tự quản, tự điều khiển. Các giờ học văn hóa trên lớp không còn là mớ lý thuyết khô khan khó nhớ mà được biến hóa thành những bài học dễ dàng ghi nhớ lâu thông qua những trò chơi, những trải nghiệm mới lạ. Học sinh luôn thấy “học mà vui, vui mà học”.

Thông qua những hoạt động trải nghiệm không chỉ nằm trong khuôn khổ lớp học mà còn được tổ chức ngoài khuôn viên để học sinh có cảm nhận thực tế sâu sắc về thế giới tự nhiên.

Hoạt động thể thao cũng là cách để phát triển kỹ năng, sức khỏe cho học sinh.
Hoạt động thể thao cũng là cách để phát triển kỹ năng, sức khỏe cho học sinh.

Hạnh phúc đến trường đôi khi đơn giản là được các thầy cô, bạn bè quan tâm, chia sẻ. Cô Bùi Lê Xuân Trang- giáo viên chủ nhiệm lớp 11A1, Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn)- được các học trò xem là người mẹ thứ hai của mình. Cô Xuân Trang chia sẻ: “Tôi không hỏi thăm về hoàn cảnh, tính cách của học sinh với các giáo viên khác vì như vậy sẽ áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình lên học sinh khi chưa tiếp cận và biết rõ hoàn cảnh các em”.

Ngay tuần lễ sinh hoạt đầu năm, cô Xuân Trang đã cho các em học sinh viết sơ yếu lý lịch cụ thể để cô hiểu rõ từng hoàn cảnh học sinh. Khi xác định những hoàn cảnh khó khăn, cô trực tiếp nói chuyện với các em và đến tận nhà thăm hỏi.

Nguyễn Thị Diễm Huỳnh- học sinh lớp 11A1- nói về cô chủ nhiệm: “Cô hiểu chúng em cần gì, cô không gây áp lực nhưng tạo cho chúng em hứng thú học tập và học tốt nhất, cô không chỉ hiểu rõ hoàn cảnh mà còn biết cá tính từng bạn. Rồi cô biết từng học sinh có khả năng gì”.

Lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO, mô hình “Trường học hạnh phúc” được triển khai thí điểm vào tháng 4/2018 ở một số trường, hiện được nhân rộng trên địa bàn cả nước và nhiều trường đang phấn đấu xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN