Sửa SGK phải đảm bảo công bằng để tránh độc quyền trong xã hội hóa giáo dục

Cập nhật, 14:00, Thứ Tư, 30/12/2020 (GMT+7)

Đến nay, cả 5 bộ SGK lớp 1 trong chương trình phổ thông mới đều phát hiện “sạn”. Theo giới chuyên môn, việc chỉnh sửa những sai sót cũng phải được thực hiện công bằng.

Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) vừa qua đã phê duyệt bộ tài liệu chỉnh sửa “sạn” trong SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều, động thái được giới chuyên môn rất hoan nghênh. Tuy nhiên, với 4 bộ SGK còn lại được triển khai trong chương trình phổ thông mới cũng phát hiện có sạn, các nhà chuyên môn mong rằng, Bộ GD-ĐT nhanh chóng có hành động tương tự.

Những “hạt sạn” trong SGK Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ Cánh Diều đã vấp phải không ít chỉ trích của dư luận thời gian qua. Câu chuyện SGK phủ sóng khắp các diễn đàn, đồng thời là nỗi lo lắng không chỉ của những gia đình có con, cháu bước vào lớp 1 năm học 2020-2021, mà còn là của chính các thầy cô giáo.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát, kiểm tra và có kết luận cụ thể các nội dung theo quy định.

Ngữ liệu được Bộ GD-ĐT đồng ý thay thế.
Ngữ liệu được Bộ GD-ĐT đồng ý thay thế.

Căn cứ vào báo cáo kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định, Bộ GD-ĐT cho phép điều chỉnh nội dung ngữ liệu SGK Tiếng Việt 1 thuộc bộ sách Cánh Diều của NXB Đại học Sư phạm TPHCM.

Bộ GD-ĐT yêu cầu NXB khẩn trương thực hiện cung cấp tài liệu này đến đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh tiểu học đang sử dụng SGK môn Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều đảm bảo kịp thời với hình thức cung cấp phù hợp, thuận tiện cho người sử dụng. 

Theo sát câu chuyện SGK, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông cho rằng, việc Bộ GD-ĐT thông qua đề cương chỉnh sửa sách Tiếng Việt lớp 1 của nhóm tác giả bộ sách Cánh Diều là một động thái tốt. Dù phương án chỉnh sửa chưa hẳn đã hoàn hảo, nhưng nó là một giải pháp mang tính chất kịp thời để giải quyết các khó khăn, khi các giáo viên và học sinh đang mắc phải.

“Tài liệu và phương án chỉnh sửa vừa được Bộ GD-ĐT thông qua mới là bước ban đầu, còn quá trình thực hiện đòi hỏi các tác giả phải cố gắng ở từng dòng, từng trang.

Những bước tiếp theo đòi hỏi các tác giả liên quan nâng cao trách nhiệm, đồng thời chú ý đến chiều rộng tri thức, các phương pháp, làm sao để khắc phục và giải toả được bế tắc khi bộ SGK đã được in ra”, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt nói.

Theo ông Đạt, biên soạn sách cho trẻ em đòi hỏi sự chi tiết cẩn thận và rất khoa học. Nếu thiếu một trong những yếu tố này thì sẽ không thể có một bộ sách tốt. Đặc biệt, trong bối cảnh tiến hành xã hội hóa thì phải đặt vấn đề cạnh tranh như một tiêu chí để tìm kiếm một bộ sách ưu việt. 

Ông Đạt nêu ý kiến, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cần rà soát lại chương trình, xem cần khắc phục điều gì và rút kinh nghiệm cho các tác giả khi biên soạn các bộ sách lớp 2 hay lớp 6. 

Đề xuất thu hồi SGK không phải không có căn cứ, nhưng nó sẽ gây tình trạng khủng hoảng lớn cho toàn xã hội, khiến người dân hoang mang còn các học sinh sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Do vậy, các biện pháp khắc phục phải được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất và quyết liệt nhất.

Sau bộ SGK Cánh Diều của của NXB Đại học Sư phạm TP HCM, đầu tháng 12/2020, NXB Giáo dục Việt Nam cũng có báo cáo gửi Bộ GD-ĐT cho biết, cả 4 bộ SGK lớp 1 của NXB đều phát hiện có sạn. NXB Giáo dục Việt Nam kiến nghị xin được sửa trong lần tái bản tới, tức năm học 2021-2022.

Theo báo cáo, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về việc rà soát lỗi và đăng ký bản quyền SGK lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, NXBGD đã mời các nhóm tác giả phối hợp đội ngũ biên tập viên, Ban biên tập của nhà xuất bản rà soát, kiểm tra toàn bộ bốn bộ SGK.

Ngoài ra, NXBGD cũng cân nhắc, tiếp thu những phản hồi từ giáo viên, phụ huynh thông qua báo chí để điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho rằng, những sai sót này cần phải được khắc phục ngay, giống như đã từng làm với bộ sách Cánh Diều. Điều này không chỉ đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh mà hơn nữa còn là sự đảm bảo cho vấn đề xã hội hóa giáo dục.

Theo ông Đạt, vấn đề đặt ra là khi nhóm tác giả bộ sách Cánh Diều đã tiếp thu và thực hiện nghiêm chỉnh ý kiến cũng như yêu cầu của dư luận, thì nhóm tác giả của 4 bộ sách còn lại cũng phải có động thái như vậy.

Một trong những vấn đề quan trọng là phải đảm bảo sự công bằng, khách quan và đặc biệt là chủ trương một bộ SGK phải có nhiều nhóm tác giả biên soạn.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông trao đổi với PV VOV.VN
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông trao đổi với PV VOV.VN

“Cùng có những lỗi như nhau, thì các bộ sách đều cần phương án chỉnh sửa kịp thời hay chỉnh sửa khi tái bản. Những điều chỉnh cần phải thực hiện ngay, bởi không từ nay đến cuối năm học, học sinh vẫn tiếp tục phải học những lỗi sai rất nặng nề và không có ai đứng ra để giải quyết.

Như vậy, học sinh và cả giáo viên sẽ rất thiệt thòi. Thậm chí, chúng ta sẽ tạo ra một sai lầm rất lớn là đưa vào dạy trẻ ngay ở tuổi vỡ lòng những ngữ liệu và kiến thức sai, không đáp ứng tiêu chuẩn khoa học. Hơn nữa, sẽ còn gây ra phí tổn rất lớn”, ông Đạt nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt một lần nữa khẳng định, ông hoan nghênh việc Bộ GD-ĐT thông qua phương án chỉnh sửa sẽ tạo cơ sở để lấy lại thăng bằng cho giáo viên và khiến người dân sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi con em mình học bộ sách mới, chương trình mới.

Bên cạnh đó, hành động kịp thời cũng sẽ là điều công bằng với các đơn vị tư nhân khi tham gia xã hội hóa giáo dục, theo đó chủ trương, chính sách của Nhà nước sẽ không bị sụp đổ. 

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho rằng: “Yêu cầu của Quốc hội cũng đưa ra là một bộ SGK có nhiều cách tiếp cận hay nói một cách khác là một bộ SGK có nhiều nhóm biên soạn khác nhau, nhiều đơn vị tham gia. Nếu không giải quyết, thì có thể các đơn vị tư nhân sẽ rút và biên soạn SGK sẽ trở lại tình trạng độc quyền”./.

Theo Thiên Bình/VOV.VN