Để phân luồng học sinh sau THCS hiệu quả

Phải giải tỏa được tâm lý e ngại của phụ huynh

Cập nhật, 14:54, Thứ Tư, 21/10/2020 (GMT+7)

 

Học sinh học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Long Hồ.
Học sinh học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Long Hồ.

Học tiếp lên lớp 10 THPT, vào học lớp 10 hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) hay chọn học trung cấp nghề? Chọn hướng đi phù hợp với năng lực và sở thích bản thân sẽ giúp học sinh phát huy được khả năng, giảm gánh nặng và lãng phí cho gia đình, xã hội.

Thành quả bước đầu

Theo Sở GD- ĐT, công tác phân luồng học sinh sau THCS trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng: nhận thức của học sinh, người dân, các cấp các ngành về công tác phân luồng được nâng lên. Từ đó, điều chỉnh hợp lý cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN)- GDTX huyện Long Hồ hiện có 924 học viên. Trong đó, có 262 học viên học tại trung tâm và 662 học sinh là học sinh trung cấp của Trường CĐ Nghề Vĩnh Long và Trường CĐ Vĩnh Long. Tỷ lệ học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT năm 2020 hơn 90%.

Lợi thế khi các em chọn học thường xuyên là rất lớn. Trước hết, các em chỉ học 7 môn là Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Đơn vị nào có điều kiện thì bổ sung thêm môn Tiếng Anh hoặc Giáo dục công dân. Với thời lượng học bằng với giáo dục THPT, các em có thời gian học nhiều hơn vì học ít môn hơn.

Khi thi tốt nghiệp, học sinh hệ thường xuyên sẽ được miễn thi môn Tiếng Anh và Giáo dục công dân- nếu chọn tổ hợp Khoa học xã hội. “Đặc biệt, trong quá trình học lớp 10, 11 và 12 nếu có chứng chỉ ứng dụng tin học cơ bản sẽ được cộng 1 điểm khuyến khích. Điều này chỉ áp dụng cho học sinh hệ thường xuyên. Do đó, chúng tôi cho học sinh của trung tâm học chương trình tin học”- ông Đặng Văn Phúc Tâm- Phó Giám đốc Trung tâm GDNN- GDTX huyện Long Hồ nói.

Gần 10 năm gắn bó với học sinh thường xuyên- thầy Huỳnh Thanh Liêm- giáo viên dạy Vật lý, Trung tâm GDNN- GDTX huyện Long Hồ cho biết: “Đa số học sinh học trung bình, trung bình yếu nên khi dạy chúng tôi đi từ cơ bản, đơn giản và vừa sức không gây áp lực cho các em. Bên cạnh, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng cần được quan tâm, động viên”.

Học GDTX 3 năm nay, Nguyễn Thanh Sang- học sinh lớp 12/3, Trung tâm GDNN- GDTX huyện Long Hồ hài lòng với chương trình học và đã có những dự tính cho tương lai. Thanh Sang cười tươi- nói: “Em chọn tổ hợp xã hội và sẽ cố gắng vào ĐH hay CĐ ngành quản trị nhà hàng, khách sạn. Em thấy đi học ở trung tâm rất vui, không áp lực như học phổ thông”.

Đối với các trường nghề, phân luồng học sinh giúp nguồn tuyển sinh dồi dào hơn. Ông Trần Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long- cho biết: “Đề án phân luồng học sinh sau THCS bước đầu đã thấy được hiệu quả, nhiều học sinh chọn học trường nghề hơn”.

Gỡ khó cho phân luồng

Sở GD- ĐT nhận định, mục tiêu phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long trong 5 năm qua chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.

Nhiều mục tiêu đạt rất thấp như vào GDNN chỉ đạt 7,96%, trong khi đó các em học sinh tốt nghiệp THCS vào thẳng thị trường lao động hoặc đi theo hướng khác mà chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá lớn 7,93%, đây là một thách thức rất lớn cho chất lượng của nguồn nhân lực.

“Muốn phân luồng học sinh sau THCS được tốt, việc đầu tiên phải giải tỏa được tâm lý e ngại của phụ huynh”- Hiệu trưởng Trần Anh Tuấn cho biết thêm: “Chúng tôi đến các trường THCS làm tư tưởng cho phụ huynh học sinh để họ thông suốt khi quyết định cho con em mình vào học nghề, nếu lực học của các em không đảm bảo học THPT”.

Để phụ huynh tin tưởng trao con em mình, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long công khai chất lượng đầu ra, quá trình đào tạo và đặc biệt là triển vọng nghề nghiệp tương lai, công việc sau này.

Học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp tại Trường CĐ Nghề Vĩnh Long.
Học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp tại Trường CĐ Nghề Vĩnh Long.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long đã liên kết với Trung tâm GDNN- GDTX huyện Long Hồ tổ chức đào tạo song song: học nghề ban ngày và học văn hóa ban đêm gồm các lớp 10, 11, 12.

Học sinh Hồng Phương Anh mới nhập học tại Trường CĐ Nghề Vĩnh Long ngành kế toán doanh nghiệp cho biết: “Em đã học được năm lớp 10 ở trường phổ thông rồi nhưng em thấy chương trình với em hơi nặng nên em xin cha mẹ cho em đi học trường nghề”. Khi học trung cấp nghề, Phương Anh có thể học nghề ban ngày và tối học văn hóa cũng tại trường. Anh cho rằng: “Học chương trình nhẹ nhàng và ít môn nên em thấy ít áp lực hơn học phổ thông”.

Chia sẻ kinh nghiệm tuyển sinh, ông Đặng Văn Phúc Tâm cho biết: “Sau Tết Nguyên đán, chúng tôi liên hệ với các trường THCS để tư vấn cho học sinh và phụ huynh”. Để tạo điều kiện cho học sinh vui học, trung tâm thường xuyên tổ chức các hội thao, chương trình văn hóa, văn nghệ và có đồng phục cho học sinh của mình. Thầy Tâm nói về việc trung tâm phải làm là: “Cho phụ huynh thấy học GDTX cũng có đủ điều kiện như THPT, không có sự phân biệt bằng cấp và phù hợp năng lực các em hơn”.

Thêm vào đó, việc dạy văn hóa kết hợp dạy nghề ở các trung tâm GDNN- GDTX hiện nay đang gặp khó.

“Chúng tôi kết hợp với CĐ Vĩnh Long, học sinh phụ huynh đều phấn khởi nhưng sáng học ở trung tâm, chiều học nghề thì phải lên cơ sở của CĐ Vĩnh Long nên nhiều học sinh gặp khó trong việc di chuyển”- ông Đặng Văn Phúc Tâm nói thêm: “Trong khi trung tâm chúng tôi khá gần cơ sở 2 của Trường CĐ Vĩnh Long, còn những trung tâm các huyện khác xa như vậy thì bó tay rồi, học sinh làm sao sáng học ở huyện chiều lên trường CĐ cho được”.

Có thể thấy, việc thực hiện đề án phân luồng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn cần có sự vào cuộc, chung tay của các cấp, ban ngành liên quan tiếp sức cùng ngành giáo dục.

Tính đến ngày 25/9/2020, Vĩnh Long có 9.635 học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT, tỷ lệ 73,55%; 1.040 học sinh vào lớp 10 hệ GDTX, tỷ lệ 7,93%; 1.190 học sinh học trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp tỷ lệ 9,08% và 1.235 học sinh đi luồng khác, tỷ lệ 9,42%. Trong số học sinh đi luồng khác, có 348 trường hợp đi làm, 26 chuyển trường, 9 học sinh khuyết tật và 852 trường hợp không rõ nguyên nhân.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN