Sổ tay

Thi hay không thi THPT quốc gia cũng phải có sự chuẩn bị

Cập nhật, 14:55, Thứ Tư, 01/04/2020 (GMT+7)

Do ảnh hưởng dịch COVID- 19, Bộ GD- ĐT đã phải điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần. Trước tình hình thực hiện cách ly toàn xã hội trong 15 ngày, nhiều người tiếp tục lo lắng cho kỳ thi “không còn đường lùi”. Nhiều ý kiến tranh luận việc có nên thi THPT quốc gia hay xét tốt nghiệp? 

Nếu tiếp tục giữ kỳ thi THPT quốc gia một số người lo lắng không thể đảm bảo khai giảng toàn quốc vào ngày 5/9 như hàng năm. Nếu xét tốt nghiệp THPT thì một số người lại lo các trường ĐH khó khăn trong xét tuyển.

Thiết nghĩ, việc khai giảng vào ngày 5/9 hay một ngày nào khác không có ý nghĩa quan trọng bằng học sinh có học đủ kiến thức để tốt nghiệp hay chưa. Chúng ta không thể bắt các em học bù quá nhiều để kịp thời gian khai giảng năm học.

Mọi việc cần phải dựa vào tình hình thực tế và không thể cứng nhắc. Tất cả vì an toàn cho học sinh và xã hội; đồng thời, phải đảm bảo đủ kiến thức cho học sinh và cho các em thời gian để học.

Song song đó, phương án xét tuyển là không thể không tính đến, xét tuyển bằng cách nào, phương án nào và các trường cũng cần chuẩn bị hướng xét tuyển phù hợp với yêu cầu trường mình.

Thực tế, tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm rất cao, năm 2019 khi thay đổi cách thức xét, tỷ lệ này cũng chỉ giảm nhẹ từ trên 97% xuống còn trên 94%. Như vậy, dù không có kỳ thi này, hầu hết học sinh đã tốt nghiệp.

Các trường ĐH lớn có thể khó khăn vì khoảng 100 trường ĐH lớn chủ yếu tuyển sinh từ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, các trường có thể phối hợp tổ chức các cuộc thi đánh giá năng lực, thi tuyển sinh, xét học bạ…

Việc chống dịch COVID-19 phải được đặt lên hàng đầu, an toàn là trên hết và việc thi hay tuyển sinh của các trường cũng dựa trên tình hình dịch bệnh mà làm.

VĨNH PHÚC