Sẵn sàng cho năm học mới

Cập nhật, 07:26, Thứ Tư, 04/09/2019 (GMT+7)

Hiện công tác chuẩn bị cho năm học mới 2019- 2020 cơ bản đã hoàn thành, ngành giáo dục tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để sẵn sàng cho năm học mới.

Ngành giáo dục tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học. Trong ảnh: Trường THCS- THPT Mỹ Phước đón nhận bằng đạt chuẩn quốc gia.
Ngành giáo dục tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học. Trong ảnh: Trường THCS- THPT Mỹ Phước đón nhận bằng đạt chuẩn quốc gia.

Đầu tư cho cơ sở vật chất

Theo Sở GD- ĐT, hiện nay, mạng lưới trường lớp tiếp tục được đầu tư củng cố theo hướng từng bước hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh, phù hợp với thực tế địa phương, tăng quy mô đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học.

Tính đến hết năm học 2018- 2019, toàn tỉnh có 232/422 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 54%. Trong đó, bậc mầm non có 54/119 trường đạt chuẩn (đạt hơn 45%), bậc tiểu học có 114/183 trường đạt chuẩn (đạt hơn 62%), bậc THCS có 50/89 trường đạt chuẩn (đạt hơn 56%) và bậc THPT có 14/31 trường đạt chuẩn (đạt hơn 45%).

Hiện toàn tỉnh có 182/303 thư viện đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 60%. Trong khi đó, tổng số phòng học kiên cố, bán kiên cố từ bậc mầm non đến phổ thông đã đạt từ 99- 100%.

Tại huyện Mang Thít, ngành giáo dục đã chuẩn bị tích cực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho năm học mới 2019- 2020. Theo ông Đỗ Phi Sơn- Trưởng Phòng GD- ĐT, để chuẩn bị cho năm học mới, địa phương đã sửa chữa 15 cơ sở với khoảng 10 tỷ đồng, đồng thời dành kinh phí khoảng 5 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị.

“Địa phương thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo nhằm đảm bảo điều kiện cho năm học mới. Trong khi đó, ngành cũng đã chỉ đạo các trường không thả bong bóng bay trong dịp lễ khai giảng, cũng như giảm tình trạng sử dụng rác thải nhựa trong môi trường trường học, đảm bảo vệ sinh môi trường,… theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD- ĐT…”- ông chia sẻ.

Để chuẩn bị cho năm học 2019- 2020 thuận lợi, ngành giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình thực hiện chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông.

Đồng thời tăng cường công tác phối hợp với các ngành liên quan, lãnh đạo các địa phương để đảm bảo cơ sở vật chất, không để xảy ra tình trạng nợ chuẩn hoặc không đảm bảo chuẩn với trường đã công bố đạt chuẩn, quan tâm các điều kiện để giải quyết có hiệu quả tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các trường mầm non, phổ thông.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đến nay, việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được cung cấp khá đầy đủ theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu giảng dạy cho các cấp học, đáp ứng mục tiêu đào tạo chung. Trong đó tiếp tục tăng cường điều kiện dạy và học theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin.

Trong khi đó, để chuẩn bị tốt cho chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 1 (năm học 2020- 2021), ngành giáo dục xác định năm học 2019- 2020 là năm bản lề, ngành đã cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đầy đủ các hội thảo, tập huấn.

Song song đó, ngành giáo dục tích cực phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và địa phương để xây dựng các đề án làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện tốt chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

“Trong thời gian tới, trước mắt là năm học 2019- 2020, ngành sẽ phối hợp triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của từng đề án để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin, đội ngũ và các điều kiện thực hiện chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông theo đúng lộ trình của Bộ GD- ĐT”- Giám đốc Sở GD- ĐT Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ

Năm học 2019- 2020, ngành GD-ĐT tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên, theo Sở GD- ĐT, so với yêu cầu thực tế đội ngũ hiện nay vẫn còn một số hạnchế nhất định như chậm đổi mới tư duy, chưa tích cực, chủ động đổi mới trong quản lý, giảng dạy, thiếu sáng tạo trong vận dụng thực tế địa phương để tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Hiện các mặt công tác chuẩn bị như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đã sẵn sàng cho năm học mới thành công.Ảnh minh họa
Hiện các mặt công tác chuẩn bị như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đã sẵn sàng cho năm học mới thành công.Ảnh minh họa

Hiện ngành giáo dục đã chủ động xây dựng đề án “Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giáo dục gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ các trường mầm non, phổ thông công lập tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2019- 2025, định hướng đến năm 2030” và lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, đội ngũ vốn là nhân tố có vai trò quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đây là yếu tố quyết định chất lượng và sự thành công của quá trình đổi mới.

“Để nâng cao chất lượng đội ngũ, trong thời gian tới, ngành tập trung thực hiện đúng quy định về công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, đảm bảo phù hợp với năng lực, sở trường của từng người, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý.

Thực hiện tuyển dụng trên cơ sở biên chế được giao để bổ sung kịp thời đội ngũ thiếu so với yêu cầu. Đồng thời tập trung bồi dưỡng để nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán và giáo viên đại trà để thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới…”- bà Nguyễn Thị Quyên Thanh chia sẻ.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY