Khởi sắc trường nghề, phân luồng dần hiệu quả

Cập nhật, 13:53, Thứ Tư, 18/09/2019 (GMT+7)

Phân luồng học sinh ở Vĩnh Long bước đầu nhận được những hiệu quả tích cực; phụ huynh, học sinh đã thích học nghề hơn. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh nghề tìm được việc làm ổn định, thu nhập tốt.

Niềm vui học sinh trung cấp nghề, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long trong ngày tốt nghiệp.
Niềm vui học sinh trung cấp nghề, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long trong ngày tốt nghiệp.

Học văn hóa kết hợp học nghề

Học văn hóa kết hợp với học trung cấp để học sinh hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông có thêm một bằng trung cấp. Theo Phòng Giáo dục trung học- GDTX, Sở GD- ĐT Vĩnh Long:

Các lớp học trung cấp dành cho học sinh thường xuyên thời gian qua đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề. Trình độ tuyển sinh phù hợp với yêu cầu người học.

Học sinh có tiếp thu được một lượng kiến thức nhất định, tuy nhiên việc duy trì sĩ số chưa đảm bảo, ý thức học tập chưa cao.

Đặc biệt, mô hình dạy văn hóa cho các trường CĐ và trung cấp nhằm để học sinh khi ra trường vừa có chứng chỉ nghề vừa có bằng tốt nghiệp THPT.

Năm học 2018- 2019, có hơn 1.500 học sinh tham gia. Hơn 400 học sinh tham gia lớp học văn hóa vào buổi tối là niềm vui của Trường CĐ Nghề Vĩnh Long.

Ông Trần Anh Tuấn- Hiệu trưởng- cho rằng: “Điều này giải quyết được nỗi lo của phụ huynh khi con vừa hoàn thành chương trình THCS là cho vào đây học nghề, vì tâm lý phụ huynh luôn muốn con em có bằng tốt nghiệp THPT”.

Mô hình dạy văn hóa kết hợp dạy nghề cho gần 1.000 học sinh đang học hệ GDTX. Có 51 lớp trong toàn tỉnh với các ngành: sửa chữa lắp ráp máy vi tính, điện tử dân dụng, chăn nuôi thú y, công nghệ ô tô, hành chính văn phòng,… Đã có 6 lớp tốt nghiệp và chuẩn bị thi tốt nghiệp 98 học sinh.

Đang háo hức chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, em Hà Trọng Phước- học sinh CĐ Nghề Vĩnh Long- cho biết: “Em học ngành điện công nghiệp, sau khi học xong lớp 9 là em vô đây luôn”.

Phước vừa học văn hóa vừa học nghề và sau 3 năm thì em vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề. Phước cười hì hì: “Bạn bè em đi làm nhiều lắm nhưng em đang đợi xin công ty gần nhà”.

Theo Phước thì vừa học văn hóa vừa học nghề cũng không quá vất vả, vì được học nghề mình thích, còn các môn văn hóa cũng nhẹ nhàng hơn.

Bên cạnh những tín hiệu vui đó, tỷ lệ học sinh bỏ học ở các trường nghề lại là một con số đáng lo lắng. Năm học 2018- 2019, có đến 9,6% (302 em) học sinh ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp- GDTX bỏ học.

Việc phân luồng khả quan hơn

Theo Phòng Giáo dục trung học- GDTX (Sở GD- ĐT Vĩnh Long), tình hình phân luồng học sinh sau THCS và THPT đã có những bước tiến rõ rệt.

Năm học vừa qua, hoàn thành chương trình THCS có 74,84% học sinh tiếp tục học THPT, 8,02% học sinh vào học chương trình GDTX, 11,49% vào học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và 5,65% đi các luồng khác.

Sự phân luồng thay đổi rõ rệt, so với năm học 2010- 2011 là chỉ 1,8% học sinh học GDTX, 3% học các trường trung cấp. Điều này cho thấy niềm tin của phụ huynh, xã hội và sự thành công bước đầu của đề án phân luồng.

Là học sinh lớn tuổi nhất lớp sửa chữa máy tính ở Trà Ôn, anh Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1967) cho biết: “Lớp tôi toàn mấy bạn nhỏ tuổi, học theo đề án phân luồng học sinh sau THCS.

Nhỏ tuổi thích đi làm xa nên đi hết rồi, còn mình tôi ở lại huyện”. Anh Tùng công tác ở Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Trà Ôn, là phụ trách kỹ thuật nên việc học trung cấp nghề đối với anh là cập nhật những kiến thức mới để phục vụ chuyên môn.

Anh Tùng nói tiếp: “Học biết nhiều thứ, vững nghề. Có bạn được tuyển về bưu điện làm việc nhưng không chịu mà thích đi làm công ty, vì lương khởi điểm đã 6 triệu đồng rồi”. Thêm một điều anh Tùng rất tâm đắc là “cơ sở vật chất ở các trung tâm được đầu tư tốt”.

Khi theo học ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp- GDTX, học sinh sẽ được học văn hóa nhẹ nhàng với 7 môn học chủ yếu: Toán, Ngữ văn, Sinh học, Vật lý, Hóa học, Địa lý, Lịch sử. Học văn hóa kết hợp học nghề và học nghề miễn phí. Thời gian học nghề vào các buổi chiều trong tuần.

Nếu học sinh học nghề từ lớp 10 thì đến đầu lớp 12 sẽ hoàn thành chương trình trung cấp nghề. Do đó, các em có thể yên tâm vì có thời gian ôn tập để thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Lãnh đạo các trường CĐ cho biết, sẽ giới thiệu việc làm cho các em học viên hoàn thành chương trình học của trường.

Mỗi người sinh ra với những khả năng và tư chất khác nhau, người làm thầy, người làm thợ và việc nào cũng cần thiết cho xã hội.

Do đó, các giáo viên ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp- GDTX thường khuyên phụ huynh đừng vì con rớt hệ THPT mà xa lánh, rầy la các em. Hãy cho con em được phát huy đúng sở thích, khả năng, sở trường của bản thân để sống hạnh phúc và trở thành người có ích, thành một lao động vững tay nghề mà xã hội luôn cần.

Đối với phân luồng học sinh sau THPT, tỷ lệ học sinh vào ĐH, CĐ hay đi luồng khác có sự thay đổi rõ: năm 2017- 2018 có 53,99% vào ĐH; 1,89% vào CĐ; 1,02% học trung cấp, doanh nghiệp và đi luồng khác 43,1%. Cùng thứ tự này, năm học 2010- 2011 có 30,28% vào ĐH; 24,5% học CĐ; 19,7% học trung cấp, doanh nghiệp và 25,5% đi luồng khác.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN