Chống "sốc" tâm lý đầu năm học

Cập nhật, 05:29, Thứ Tư, 21/08/2019 (GMT+7)

Ngay sau khi kết thúc hè, các em học sinh sẽ quay trở lại quỹ đạo học tập với kiến thức mới ở trường, bài tập về nhà… Đây là khoảng thời gian mà các em dễ bị “sốc” tâm lý, rất cần sự quan tâm từ phía phụ huynh, nhà trường và giáo viên.

Thay đổi môi trường học tập là nguyên dân dễ dẫn đến học sinh bị sốc tâm lý. Ảnh minh họa
Thay đổi môi trường học tập là nguyên dân dễ dẫn đến học sinh bị sốc tâm lý. Ảnh minh họa

“Sốc” đầu năm học

Có con trai bắt đầu vào năm học lớp 1, chị Nguyễn Phương Ngọc (Phường 8- TP Vĩnh Long) rất khó khăn mỗi khi gọi con dậy đi học vào buổi sáng. Chị Ngọc cho biết, bé hay khóc lóc, viện cớ khó thở, đau bụng để xin mẹ được ở nhà. Qua trao đổi với các phụ huynh khác, chị Ngọc được biết là con chị rơi vào tình trạng “sốc” tâm lý đầu năm học.

Trong khi đó, ở bậc học mầm non, các trẻ thường có biểu hiện sốc tâm lý khi vào học lớp mới như không muốn đi học, sợ cô giáo,… thậm chí có nhiều trẻ bị bệnh, sụt cân liên tục, đêm ngủ hay giật mình, tâm trạng lo âu…

Tương tự, con gái vừa thi đậu vào lớp 10 chuyên của tỉnh, với học lực rất tốt ở bậc THCS nên anh Nguyễn Văn Hưng (ở Long Hồ) tự tin con mình sẽ theo kịp nhịp học với các bạn.

Nhưng được ít ngày, anh quan sát thấy con gái tỏ vẻ mệt mỏi, chán ăn, nhiều khi không có tinh thần để đi học.

“Khi đó mới tìm hiểu, thì ra bước qua giai đoạn mới, trường mới, bạn bè mới, nhất là áp lực học tập ở môi trường trường chuyên khiến con không thể theo kịp. Đó là nguyên nhân mà con trở nên mệt mỏi, tinh thần học tập kém đi”- anh Hưng cho biết.

Trao đổi với nhiều giáo viên thì được biết, mỗi đầu năm học, rất nhiều học sinh bị “sốc” tâm lý do thay đổi môi trường học tập, trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới. Đặc biệt là các chế độ sinh hoạt thay đổi hoàn toàn, nhất là đối với các trẻ mầm non hoặc mới vào lớp 1.

“Đối với người lớn thì đây là chuyện bình thường nhưng đối với trẻ, học sinh nhỏ tuổi thì đây là vấn đề rất đáng quan tâm mà các bậc phụ huynh, giáo viên cần chung tay để giúp các em sớm thoát khỏi sốc tâm lý ở mỗi đầu năm học”- giáo viên một trường mầm non ở TP Vĩnh Long- chia sẻ.

Cần sự quan tâm, động viên

Các em cần có sự động viên, quan tâm của phụ huynh và nhà trường.
Các em cần có sự động viên, quan tâm của phụ huynh và nhà trường.

Đối với các trẻ mầm non, mỗi khi bị “sốc” tâm lý, đa số phụ huynh sẽ hốt hoảng, lo lắng và muốn cho con nghỉ học về nhà để “o bế”, chăm sóc con theo cách riêng của mình. Điều này gây khó khăn cho cả giáo viên và nhà trường trong quá trình chăm sóc trẻ.

Theo một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm chăm sóc trẻ mầm non, khi trẻ gặp vấn đề về tâm lý đầu năm học, phụ huynh nên để ý đến con nhiều hơn, quan trọng nhất là cha mẹ cần cho trẻ học những kỹ năng tự phục vụ bản thân, nhỏ to tâm sự với trẻ về những gì đang diễn ra hàng ngày ở trường, ở lớp, kịp thời động viên trẻ.

Còn chị Ngọc chia sẻ, mấy ngày đầu, chị đưa con đến trường rồi “nán” lại chút thời gian để con đỡ bỡ ngỡ, nhưng “hễ thấy mình là con khóc và đòi về”. Do vậy, mấy ngày sau chỉ đưa con đến trường rồi “bấm bụng” ra về.

“Khi về nhà, gia đình thường quây quần hỏi việc học tập, bạn bè của con trong lớp, nhất là những câu hỏi như con học được gì, hôm nay chơi với bạn nào… để bé tự tin trò chuyện, trao đổi. Đồng thời cũng rèn luyện thêm các kỹ năng khác như tự vệ sinh, tự mặc quần áo, soạn sách vở… để con tự tin đến trường”- chị Ngọc cho biết.

Trong khi đó, anh Hưng cũng hạn chế đặt nặng thành tích học tập của con mà thay vào đó là những lời động viên tinh thần hoặc tổ chức các buổi họp mặt gia đình, đi chơi vào dịp cuối tuần để con được thoải mái.

“Qua tìm hiểu, lứa tuổi vào lớp 10 sẽ có nhiều chuyển biến tâm lý rất phức tạp, có khi dẫn đến tiêu cực mà áp lực về thành tích học tập là một trong những nguyên nhân. Do vậy, gia đình cần có sự gắn kết với nhà trường để kịp thời phát hiện cũng như ngăn chặn những hành vi tâm lý bất thường, không có lợi cho học sinh ở lứa tuổi này…”- anh Hưng chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Kết nối cộng đồng Vĩnh Long Trần Hoàng Túy chia sẻ, học sinh chuyển cấp hoặc đầu năm học là giai đoạn dễ bị sốc tâm lý nhất nên phụ huynh cần hết sức quan tâm, theo dõi các em mỗi ngày. Qua đó góp phần tránh trường hợp vì sự thay đổi đột ngột môi trường học tập thời gian đầu mà ảnh hưởng đến các năm học tiếp theo.

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY