Hai nữ sinh dẫn đầu môn Tiếng Anh- Lịch sử

Cập nhật, 05:32, Thứ Sáu, 19/07/2019 (GMT+7)

Điểm thi Lịch sử lớn nhất tỉnh Vĩnh Long là 9,5 và Tiếng Anh là 9,8 điểm. Chủ nhân điểm số này là 2 nữ sinh Trường THPT Lưu Văn Liệt: Trần Khánh Vy và Thái Thị Vân Thanh. Đây là 2 môn thi có điểm trung bình thấp nhất Vĩnh Long cũng như cả nước.

 Khánh Vy (áo trắng) và Vân Thanh cùng học chung 4 năm cấp II ở Trường THCS Cao Thắng và chung Trường THPT Lưu Văn Liệt.
Khánh Vy (áo trắng) và Vân Thanh cùng học chung 4 năm cấp II ở Trường THCS Cao Thắng và chung Trường THPT Lưu Văn Liệt.

1. Trần Khánh Vy: Lo nhất môn Lịch sử!

Là thí sinh đạt điểm 9,5 môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, Khánh Vy là 1 trong 2 thí sinh có điểm thi môn cao nhất tỉnh.

Đồng thời, theo thống kê của Sở GD- ĐT Vĩnh Long, Vy cũng là thí sinh có tổng điểm bài thi Khoa học xã hội cao nhất: Lịch sử 9,5 điểm; Địa lý 9,5 điểm và Giáo dục công dân 9,75 điểm.

Vy cười: “Em không phải là học sinh giỏi suốt cấp 3, em mới học giỏi năm nay thôi hà”. Điểm bình quân học tập của Vy lớp 12 là 8,4, thích nhất Ngữ văn và học lệch về phía các môn xã hội.

Để có được điểm thi khoa học xã hội cao, Khánh Vy không chỉ học thuộc bài mà còn xem bài trước khi thầy cô lên lớp để hiểu và nhớ nhanh hơn. Vy không đi học thêm vì xác định chọn thi khối xã hội và chuyên tâm đọc sách để tăng vốn từ, tham khảo đề thi…

Trong các môn học thi, Vy cười tiết lộ: “Môn học Vy lo sợ nhất là môn Lịch sử!” Theo Khánh Vy thì môn này đã được bớt ngày tháng, năm trong câu hỏi thi nhưng nếu không hiểu vấn đề, đặc biệt là để tìm điểm 8 trở lên thì “phải xác định yêu cầu đề để tránh thấy đáp án nào cũng đúng”- Vy chia sẻ.

Điểm 9,5 môn Lịch sử là con số ngoài mong đợi của Vy, xem như không bỏ công em “có khi học bài đến 1- 2 giờ sáng”.

Em đang hồi hộp đợi điểm chuẩn ngành Luật- Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, dù điểm xét tuyển của Vy so với điểm chuẩn 2018 của trường cao hơn khoảng 4 điểm. Vy cười: “Em thích làm một nhân viên pháp lý” và cũng như bao nhiêu cô gái nhỏ khác, Vy mong sớm ra trường để phụ giúp cha mẹ đỡ khó khăn hơn.

2. Thái Thị Vân Thanh: Học 1 lần đã nhớ!

Khi hẹn Vân Thanh ra trao đổi viết bài, tôi thật sự bất ngờ khi Thanh từ nhỏ đến lớn không có điện thoại riêng, mọi trao đổi về Thanh thường qua cha mẹ em.

Vân Thanh hiện đại, nhí nhảnh với mái tóc uống xoăn kiểu “kokomi” dễ dương và nụ cười luôn nở trên môi khi nói chuyện. “3 năm học THPT, Vân Thanh luôn là học sinh giỏi nhất khối”- cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Thúy Hằng giới thiệu về học trò cưng của mình.

“Điểm đặc biệt nhất của Vân Thanh là rất thông minh, em có thể nhớ bài ngay trên lớp khi tôi dạy. Dù đang chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, Thanh vẫn đều đặn tham gia CLB Tiếng Anh cũng như các phong trào văn nghệ, thể thao của trường”- cô nói thêm.

Nói về môn Tiếng Anh yêu thích nhất (môn mà em “lỡ làm sai 1 câu” nên còn 9,8 điểm), Vân Thanh chia sẻ: “Tiếng Anh là môn học thường xuyên, liên tục không thể ngắt quãng. Em thường đi từ ngữ pháp và từ vựng trước”.

Có cha và mẹ đều là bác sĩ nên Vân Thanh quen cách sinh hoạt khoa học: 21 giờ ngủ và 5 giờ sáng thức. Cô Thúy Hằng cười thật tươi nhìn học trò: “Học giỏi, gia cảnh tốt nhưng Vân Thanh rất hòa đồng và chăm ngoan. 15 năm đi dạy, tôi hiếm thấy học sinh nào hoàn thiện như vậy”. Không tránh được niềm vui khi nhìn điểm học bạ của Thanh, cô nói: “Giỏi đều các môn, điểm bình quân lớp 12 là 9,4”.

Tương lai, Vân Thanh mong muốn trúng tuyển và học khối ngành kinh tế ở ĐH Ngoại thương, xét khối A1 với tổng điểm 3 môn 25,95 điểm. Với sự năng động và hòa đồng của mình, chúng tôi tin rằng, Vân Thanh phù hợp với khối ngành kinh tế.

* Cô Ngô Thị Phương Thảo- giáo viên dạy Tiếng Anh của Thanh- cười tươi khi nói về cô học trò mình: “Tôi không nhận Vân Thanh học thêm vì em đã quá giỏi rồi, không cần học nữa. Vì những gì tôi dạy trên lớp, hình như Vân Thanh biết và làm được hết rồi, dạy những học sinh xuất sắc cũng rất áp lực”.

* Cô Đinh Thị Thanh Hoa- giáo viên chủ nhiệm lớp của Trần Khánh Vy: Khánh Vy là học sinh ngoan, hiền, học giỏi. Vy rất chăm chỉ, có hoàn cảnh khó khăn. Ba em chạy xe ôm, mẹ thì bị bệnh nên ở nhà nội trợ. Từ nhỏ đến lớn, Vy không hề đi học thêm.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN