Đào tạo gắn nhu cầu doanh nghiệp, học đi đôi với hành

Cập nhật, 15:39, Thứ Tư, 27/03/2019 (GMT+7)

Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề mà các đơn vị không tự giải quyết được, cần những chế độ, chính sách phù hợp hơn, cụ thể hơn.

Học sinh- sinh viên Trường CĐ Nghề Vĩnh Long trong giờ thực hành.
Học sinh- sinh viên Trường CĐ Nghề Vĩnh Long trong giờ thực hành.

Nơi thừa nơi thiếu

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tính đến tháng 12/2018, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó, có 397 trường CĐ, 519 trường trung cấp và 1.033 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Kết quả tuyển sinh năm 2018 trong cả nước đạt 2.210.000 người, đạt 100,9% kế hoạch năm.

TS. Nguyễn Hồng Minh- Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp- cho biết: Số người học nghề còn thấp trong khi nhu cầu lao động có tay nghề trong cơ cấu lao động qua đào tạo cao. Doanh nghiệp luôn kêu thiếu lao động có kỹ năng nghề, tỷ lệ lao động có kỹ năng nghề trong doanh nghiệp thì thấp.

Đó là những mâu thuẫn mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nêu ra trong hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm năm 2018 và nhiệm vụ giải pháp năm 2019 vừa qua về tỷ lệ lao động có tay nghề và nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề của doanh nghiệp; tình hình tuyển sinh dôi dư hoặc thiếu thốn ở hệ trung cấp hoặc CĐ ở một số địa phương, vấn đề lương bổng và các chế độ đãi ngộ giáo viên nghề…

Là trường có bề dày đào tạo hơn 100 năm và chỉ tiêu tuyển sinh luôn đạt trên 100%. TS. Lê Đình Kha- Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP Hồ Chí Minh)- cho biết: “Mỗi năm chúng tôi có ngày hội việc làm của khoa, của trường, thông qua đó đánh giá lại môn học và trong 3 năm thay đổi một lần chương trình đào tạo cập nhật theo góp ý của doanh nghiệp. Khó khăn lớn nhất của trường là khâu xử lý số liệu thí sinh ảo, quy mô tuyển sinh. Ví dụ có 11.000 thí sinh đăng ký, chỉ tiêu 4.000; nhưng gọi 6.000 em có khi vô học không đủ 4.000 em”.

Năm 2018, Trường CĐ Y tế Đồng Tháp tuyển sinh đạt khoảng 95% chỉ tiêu. BS. CKII. Nguyễn Công Cừu- Hiệu trưởng- cho biết: “Trong nước, Sở Y tế tỉnh “bao tiêu”. Đến năm 2021, nhân viên y tế phải có trình độ CĐ hết, đến thời điểm này mới đào tạo được 30% yêu cầu. Ngoài ra, còn xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng; đào tạo theo yêu cầu của Campuchia và Lào”. Dù đang “ăn nên làm ra”, ông Nguyễn Công Cừu cũng không khỏi lo lắng vì: tỷ lệ bỏ học sau một học kỳ rồi là 18%, các năm sau còn nghỉ “lai rai” rất nhiều.

Gắn kết doanh nghiệp

Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) Vũ Xuân Hùng, cho biết: Trong năm 2018, chất lượng GD-ĐT được đầu tư tăng cường thông qua nhiều cách làm; đặc biệt là việc gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo, việc làm.

Tổng cục đã ký kết hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan như VCCI, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Qua đó, tỷ lệ người lao động có việc làm đã có những chuyển biến tích cực với 85% có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

TS. Nguyễn Hồng Minh cho rằng: Gắn kết công tác đào tạo với doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau tốt nghiệp cho người học để tránh tình trạng ra trường không có việc làm…

Mặt khác, các trường phải có kế hoạch đưa giảng viên, học sinh thực tập trong môi trường làm việc của doanh nghiệp để công tác đào tạo nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên sát với thực tế, đảm bảo hiệu quả về chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực.

Nhiều năm liền đạt chỉ tiêu tuyển sinh và học sinh, sinh viên ra trường có tỷ lệ việc làm cao, do Trường CĐ Nghề Vĩnh Long luôn cập nhật chương trình đào tạo mới, nâng thời lượng thực hành lên 75% và giảm bớt thời lượng lý thuyết xuống còn 25%. Hiệu trưởng Trần Anh Tuấn cho biết: “Nhà trường còn bổ sung vào chương trình học thực tế tại doanh nghiệp cho học sinh, sinh viên”.

Thiết nghĩ, để thực hiện tốt công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo năm 2019 theo phương châm tăng cường số lượng, nâng cao về chất lượng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo, đẩy mạnh đào tạo nội dung thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.

PGS. TS Nguyễn Đức Minh- Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP Hồ Chí Minh

Khối CĐ, trung cấp chịu ảo rất lớn. Các trường ĐH khoảng 150%, CĐ phải ảo đến 200%, không gọi ảo thì không đủ, các trường không thể chủ động được. Do đó, cần uyển chuyển giữa chỉ tiêu trung cấp với CĐ để các trường chủ động hơn trong tuyển sinh.


BS. CK2 Nguyễn Công Cừu- Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Đồng Tháp

Cần hoàn thiện cơ chế chính sách cho giáo dục nghề nghiệp phát triển, nhất là giữ chân giáo viên. Theo quy chế trường nghề không nói tới thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1, 2 không có chỉ số, quyền lợi nên nguy cơ mất nhân lực này rất lớn, phải có chế độ đi kèm mới giữ chân được.


Ông Nguyễn Văn Lâm- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Tiền Giang

Tại Tiền Giang, trung cấp tuyển vượt chỉ tiêu nhưng CĐ lại khó khăn. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Tiền Giang hàng năm chủ động tổ chức 2-3 cuộc họp tuyển sinh. Tổ chức chuyên trang trên báo Ấp Bắc riêng về tuyển sinh để phát về tới xã. Nắm danh sách từng học sinh rớt lớp 10 phối hợp với đoàn thể, địa phương tư vấn từng em. CĐ khó tuyển hơn vì các em tốt nghiệp THPT có nhu cầu học ĐH cao hơn.


Trần Duy Kha- Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Phạm Ngọc Thạch Cần Thơ

Là trường trung cấp y tế dân lập, chúng tôi tuyển sinh rất khó, muốn tồn tại phải có học sinh, vậy phải liên kết với CĐ. Theo Nghị định 86 về việc miễn giảm học phí cho học sinh sau THCS vào học nghề, vậy có áp dụng mức học phí này đối với các trường dân lập không?

Bài, ảnh: CAO HUYỀN