Chi tiết lộ trình thực hiện chương trình giáo dục, sách giáo khoa mới

Cập nhật, 11:27, Thứ Sáu, 28/12/2018 (GMT+7)

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm Chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng công bố lộ trình áp dụng chương trình mới như sau:

Năm học 2020-2021 đối với lớp 1;

Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6;

Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10;

Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11;

Năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Khung chương trình, số môn học, tiết học của học sinh tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Khung chương trình, số môn học, tiết học của học sinh tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

Không lo thiếu giáo viên

Tại buổi họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mớivào chiều 27.12, nhiều ý kiến băn khoăn liệu có chuẩn bị kịp sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng được yêu cầu đổi mới của chương trình mới; chương trình có thực sự giảm tải, nếu giảm tải cho học sinh thì có tăng tải cho giáo viên khi lượng kiến thức, các năng lực, phẩm chất đòi hỏi ở học sinh ngày càng cao hơn?

Về những băn khoăn này, theo Bộ GDĐT, trong thời gian tới, Bộ tiếp tục chủ trì tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, tổ chức thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa (bao gồm bộ sách giáo khoa do Bộ GDĐT chủ trì biên soạn và sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân) kịp thời triển khai chương trình mới bắt đầu đối với lớp 1 năm học 2020-2021.

Họp báo công bố chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Họp báo công bố chương trình Giáo dục phổ thông mới.

ng với việc ban hành các văn bản, Bộ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình mới theo lộ trình, ưu tiên đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT tổ chức và chỉ đạo các địa phương bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo ông Hoàng Đức Minh -  Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GDĐT), về cơ bản đội ngũ giáo viên không thiếu khi số giáo viên cần đáp ứng chương trình cũ và mới không quá chênh lệch. Do đó không lo về nguồn tuyển.

Hiện Bộ đang rà soát lại chuẩn nghề nghiệp giáo viên, gắn với chuẩn để nâng cao năng lực giáo viên và vị trí việc làm. Cùng đó, hằng năm sẽ có bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng chuẩn chương trình.

"Tôi tin nếu đội ngũ giáo viên và các cơ sở đào tạo đồng hành cùng các giải pháp của Bộ thì sẽ nâng cao chất lượng và đáp ứng yêu cầu" - Cục trưởng Cục Nhà giáo nói thêm. 

Chương trình thất bại, ai chịu trách nhiệm?

Cũng tại buổi họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, một vấn đề được báo chí đặt ra là việc quy trách nhiệm khi chương trình đi vào thực tế.

Đội ngũ xây dựng chương trình muốn trao quyền chủ động cho cơ sở giáo dục, giáo viên, từng địa phương  trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương (bên cạnh những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc).

Trong trường hợp địa phương, cơ sở giáo dục không làm được điều đó, hoặc không đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, trong trường hợp chương trình thất bại thì trách nhiệm sẽ thuộc về ban phát triển chương trình khi xây dựng chương trình chưa phù hợp với thực tế hay cơ sở triển khai chương trình phải chịu trách nhiệm?

GS Nguyễn Minh Thuyết giải đáp những băn khoăn về chương trình Giáo dục phổ thông mới.
GS Nguyễn Minh Thuyết giải đáp những băn khoăn về chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể - tự tin khẳng định:  Ban soạn thảo đã làm hết trách nhiệm, hết sức cố gắng. Khi làm chương trình chúng tôi cũng phải thực hiện theo hướng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, kế thừa chương trình hiện hành và tiếp thu những cái mới của thế giới.

Chúng tôi đầy tự tin chương trình này sẽ có một sức sống lâu dài. Tuy nhiên, chương trình khi vận hành cũng có thể sẽ có những thay đổi, cập nhật để phù hợp với sự phát triển của cuộc sống”. 

Theo ĐẶNG CHUNG/LĐO