Bật mí kiến thức của đề thi THPT quốc gia 2019

Cập nhật, 13:29, Thứ Tư, 28/11/2018 (GMT+7)

Dự kiến, số lượng học sinh làm thử nghiệm và giáo viên phản biện đề thi THPT quốc gia 2019 sẽ lớn hơn, phạm vi rộng hơn những năm trước để đảm bảo cho đề chính thức đạt mục tiêu.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Huyên Nguyễn
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Huyên Nguyễn

Đề thi gồm cả kiến thức lớp 10 đến 12

Liên quan tới công tác thi THPT quốc gia 2019, ông Phạm Như Nghệ - Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT đã thông tin một số điểm dự kiến điều chỉnh trong phương án thi THPT 2019.

Giống như các năm trước, Bộ GDĐT chỉ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ xét tuyển đại học. 

Quá trình ra đề, Bộ luôn hướng đến việc đạt hai mục tiêu này và yêu cầu câu hỏi trong bài không quá đánh đố học sinh. Tuy nhiên ông Nghệ nhận định mong muốn là như thế, nhưng thực tế để đạt được là việc không dễ.

Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học nhắc lại chuyện đề thi THPT quốc gia năm 2017 bị cho là quá dễ, dẫn đến "mưa" điểm 10, học sinh đạt 27-29 điểm vẫn chưa chắc trúng tuyển vào ngành/trường mong muốn. Năm 2018, vẫn với chỉ đạo ra đề để đạt hai mục tiêu, ban làm đề được lựa chọn cẩn trọng gồm nhiều giáo viên, giảng viên giỏi từ trường phổ thông, đại học, nhưng đề thi lại bị phản ứng là quá khó.

"Để khắc phục tình trạng của 2 năm trước, năm nay Bộ GDĐT dự kiến cho học sinh làm thử và giáo viên phản biện đề với số lượng lớn hơn, phạm vi rộng hơn, đảm bảo cho đề chính thức đạt mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa đủ phân hóa để các trường căn cứ vào đó xét tuyển đại học", ông Nghệ nói.

Về phạm vi kiến thức trong đề thi, theo ông Nghệ, sẽ bao gồm cả lớp 10, 11, 12, trong đó kiến thức lớp 12 là chủ yếu. Điều này đã được thông báo từ năm 2017. 

Chấm thi giao cho các trường đại học chủ trì

Theo dự kiến, việc chấm thi, đặc biệt là bài trắc nghiệm sẽ không giao các địa phương chủ trì như trước đây mà chuyển cho các trường đại học. Có thể, Bộ GDĐT sẽ dồn vào một số điểm để chấm chứ không phải chấm tại tất cả 63 tỉnh thành.

Việc coi thi cũng có thay đổi. Trước đây được giao cho các Sở Giáo dục chủ trì, phối hợp với đại học ở trung ương và địa phương. Năm 2019, công tác này dự kiến được thay đổi theo hướng trường đại học/cao đẳng địa phương sẽ không tham gia coi thi tại địa phương đó. Ví dụ, trường đại học ở tỉnh Nam Định sẽ không coi thi ở Nam Định mà phải chuyển đi coi thi ở tỉnh khác.

Bộ GDĐT cũng nâng cao phần mềm chấm thi, cách quản lý bài thi, điểm thi cũng có những điều chỉnh để đảm bảm sự chính xác, khách quan cho kết quả thi của thí sinh, đủ tin cậy để làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.

Các trường tuyển sinh nhiều đợt trong năm

Năm 2019, Bộ GDĐT vẫn chủ trương các trường được phép tuyển nhiều đợt trong năm. Số đợt là do hiệu trưởng quyết định. Mặc dù vậy, ông Nghệ lưu ý quy định như vậy, giao quyền chủ động cho các trường nhưng thực chất những trường đại học ở tốp giữa và tốp trên chỉ tuyển 1 lần là đủ, số lượng chỉ tiêu tuyển bổ sung rất ít nên học sinh cần phải lưu ý trong chọn nguyện vọng.

Vẫn với chủ trương hỗ trợ học sinh tối đa, năm nay, học sinh tiếp tục sẽ được đăng ký thoải mái số nguyện vọng.

Theo HUYÊN NGUYỄN/LĐO