Để kỳ thi THPT quốc gia công bằng, nghiêm túc

Cập nhật, 13:20, Thứ Tư, 15/08/2018 (GMT+7)

 

Kỳ thi THPT quốc gia ở Vĩnh Long an toàn, nghiêm túc, phổ điểm giảm so cùng kỳ.
Kỳ thi THPT quốc gia ở Vĩnh Long an toàn, nghiêm túc, phổ điểm giảm so cùng kỳ.

Vẫn giữ kỳ thi THPT quốc gia là ý kiến chung của nhiều giáo viên, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, thay đổi như thế nào để hạn chế những “lỗ hổng” và tránh gây sốc cho phụ huynh, học sinh trong năm học mới là chuyện nóng hổi phải bàn.

Giao cho trường ĐH tổ chức thi?

Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia, đa số nhà giáo đồng tình kỳ thi phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Kỳ thi đã giảm áp lực thi cử, tốn kém cho xã hội khi phụ huynh, học sinh không phải vất vả di chuyển, ở trọ nhiều ngày để tham gia các cuộc thi.

Tuy nhiên, việc gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã trở thành một nỗi đau không chỉ riêng những người làm công tác giáo dục mà là cả xã hội. Làm sao hạn chế mức thấp nhất những hậu quả mà bệnh thành tích mang lại để kỳ thi thật sự công bằng cho tất cả thí sinh?

Nhiều lãnh đạo trường ĐH, CĐ đồng tình với việc giao cho ĐH chủ trì cụm thi địa phương. Mặc dù các trường đều công nhận việc chủ trì cụm thi là áp lực lớn, tuy nhiên, các trường sẽ cố gắng tạo kỳ thi công bằng, nghiêm túc nhất để chọn được những thí sinh phù hợp nhất, đúng năng lực nhất.

Công khai quan điểm cá nhân trên trang mạng xã hội, PGS.TS Đỗ Văn Xê cho rằng: Bộ GD- ĐT vẫn nên áp dụng đề thi chung cho toàn quốc nhưng giao lại việc tổ chức thi, chấm thi cho các trường ĐH chứ không giao toàn bộ cho địa phương như hiện nay.

Các trường ĐH sẽ xuống địa phương để tổ chức thi, giúp thí sinh không phải di chuyển đi xa, được thi ngay tại tỉnh nhà để bớt chi phí đi lại tốn kém. Nhưng sau đó, cần phải đem bài thi về trường ĐH để chấm.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho rằng: “Không nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia này mà nên giao lại cho các trường ĐH chủ trì, như năm 2016”. Bởi theo ông thì các trường ĐH không chịu áp lực nên sẽ công bằng hơn.

Song song đó, ông Cao Hùng Phi cũng góp ý về quá trình chấm thi trắc nghiệm, tự luận sao cho khách quan, khoa học và ít kẽ hở nhất có thể “Hội đồng chấm thi trắc nghiệm phải có ít nhất 4 người, có camera giám sát cụ thể”.

Chấm thi theo cụm hay chấm chéo

Rất đau lòng vì những lùm xùm sau kỳ thi THPT quốc gia 2018, thầy Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long) Nguyễn Bá Tường cho rằng “điểm quan trọng nằm ở khâu chấm thi và chấm thi theo cụm là hợp lý nhất”.

Ví dụ cả nước có thể chia ra 3 cụm chấm thi, có thể tốn kém hơn một chút nhưng “tốn kém mà đảm bảo công bằng thì cũng nên làm”.

Ngoài ra, thầy còn góp ý việc “Cộng điểm trung bình lớp 12 vào điểm thi THPT quốc gia làm cho kết quả thi mất tác dụng”.

Những trường chạy theo thành tích sẽ nâng điểm trung bình học tập của lớp 12 lên. Chỉ nên lấy điểm thi để xét kết quả tốt nghiệp để các em có thành tích đúng, các em biết lo học chứ không “thi cho có thi”.

Chốt lại vấn đề, thầy Nguyễn Bá Tường nói: “Tôi vẫn đồng tình với thi 2 trong 1 nhưng góp ý nên chấm thi tập trung và xin đừng để giáo dục bị mất giá”.

Ths. Nguyễn Cao Đạt- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long- cũng đồng tình với quan điểm không bỏ kỳ thi THPT quốc gia và nên giao hẳn cho các sở GD- ĐT tổ chức. Các trường ĐH- CĐ giữ vai trò giám sát. Ông đề nghị: “Giám thị coi thi là giáo viên ngoài tỉnh, chấm thi theo kiểu chấm chéo giữa các tỉnh”.

Về phương án tuyển sinh ĐH, ông cho rằng: “Đối với tuyển sinh thì các trường ĐH- CĐ có phương án riêng, có thể tự tổ chức thi để tìm nguồn tuyển sinh phù hợp cho mình”.

Thiết nghĩ, thay đổi cách chấm thi, tổ chức thi THPT quốc gia cho phù hợp là rất cần thiết. Và, chọn thay đổi theo hướng nào Bộ GD-ĐT phải có những cải tiến về quy trình, kỹ thuật trong khâu tổ chức, phần mềm chấm thi... để kết quả thi được chính xác, tránh gian lận.

Những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia thật sự trở thành nỗi lo lắng của phụ huynh và học sinh. Kỳ thi mới sẽ thế nào?...

Nhiều câu hỏi được đặt ra và mọi thay đổi cần phù hợp và có lộ trình cụ thể. Một học sinh đã viết thư gửi Bộ GD- ĐT, yêu cầu giảm những thay đổi để các em được làm quen. Đó có phải là tiếng lòng của nhiều phụ huynh và học sinh hiện nay, nhất là các em đang chuẩn bị bước vào lớp 12?

Vụ việc chấm sai điểm thi THPT quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều tuần qua. Tại Hà Giang, 330 bài thi của 114 thí sinh bị can thiệp điểm. Số điểm nâng cao nhất là 8,75 điểm/bài thi.

Tại Sơn La, có 42 thí sinh trong danh sách có điểm số sau chấm thẩm định môn Ngữ văn giảm so với điểm công bố hôm 11/7 từ 0,25- 4,5 điểm. Một số trường hợp điểm tăng so với điểm ban đầu. Riêng bài thi trắc nghiệm có dấu hiệu bị tẩy xóa, sửa chữa nên chưa xác định được số lượng sai phạm.

Tại Hòa Bình, gian lận thi được đánh là tinh vi hơn ở Hà Giang, Sơn La. Bộ GD- ĐT và cơ quan công an xác minh có dấu hiệu sửa đổi phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh để làm tăng điểm của các thí sinh này. Sai phạm ở đây diễn ra trước khi chấm thi, là đã có sự can thiệp làm thay đổi trên phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN