Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1

Cập nhật, 14:43, Thứ Ba, 14/08/2018 (GMT+7)

Giai đoạn trẻ từ bậc học mầm non sang tiểu học, nhất là đầu năm lớp 1 sẽ kéo theo nhiều sự thay đổi về môi trường sinh hoạt và học tập. Do đó, để trẻ có thể bắt được nhịp đà của bậc học mới, phụ huynh cần chuẩn bị cho trẻ cả về tâm lý, kiến thức và những kỹ năng cần thiết…

Cần quan tâm đến tâm lý, sức khỏe, kỹ năng để các em dễ hòa nhập với môi trường học tập mới. Ảnh minh họa
Cần quan tâm đến tâm lý, sức khỏe, kỹ năng để các em dễ hòa nhập với môi trường học tập mới. Ảnh minh họa

Môi trường học tập thay đổi

Trẻ từ 5 tuổi lên 6 tuổi để chuẩn bị vào lớp 1 sẽ có hàng loạt thay đổi về mặt tâm lý. Theo nhiều giáo viên bậc học mầm non, nếu như bậc học này các hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo thì khi vào lớp 1, hoạt động học tập lại là hoạt động chính. Đây có thể là một cú sốc về tâm lý nếu như phụ huynh không quan tâm và chuẩn bị cho các em.

Chị Nguyễn Thị Ngọc (Phường 8- TP Vĩnh Long) có con đang chuẩn bị vào lớp 1 cho biết, gần đến năm học mới, cả nhà rất quan tâm đến tâm lý cũng như chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản cho cháu.

Chị Ngọc chia sẻ, ngoài việc kèm cho con biết đọc, biết viết thì còn quan tâm đến tâm lý như thường xuyên dặn dò cháu nên học tốt, sẽ có nhiều bạn mới, có cô giáo mới, trường mới đẹp hơn để cháu không ngỡ ngàng khi chính thức bước vào lớp 1.

Chị Ngọc cũng cho biết thêm, qua tham khảo của một số phụ huynh cũng như thầy cô giáo thì gia đình chị rất quan tâm hướng dẫn cháu việc tăng cường tính nề nếp, kỷ luật, thời gian ngủ, thức dậy đúng giờ,… để cháu có thể thích ứng tốt hơn trong môi trường mới.

Thầy Trần Hoàng Túy- Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Kết nối Cộng đồng Vĩnh Long- chia sẻ, trẻ học mầm non sang lớp 1 là giai đoạn dễ bị sốc tâm lý nhất nên phụ huynh cần hết sức quan tâm, nhất là việc thay đổi môi trường học tập chơi là chính sang học là chính.

Thầy Trần Hoàng Túy cho biết thêm, môi trường đi học phải đúng giờ, sách vở và đồ dùng học tập đầy đủ, hình thức học tập nề nếp, kỷ luật,… sẽ là những đều lạ lẫm đối với các em. Trong khi đó, với lứa tuổi này, mức tập trung của các em không nhiều nên dễ gây chán nản, lười học.

“Có nhiều trường hợp các em khi bước vào lớp 1 với việc thay đổi môi trường khiến các em khóc suốt trong khoảng thời gian đầu, lúc nào cũng đòi cha mẹ cho ở nhà, không muốn đi học. Vì vậy, ở lớp 1 và bậc học tiểu học nói chung là nền móng cho các bậc học tiếp theo nên phụ huynh cần hết sức quan tâm…”- thầy Trần Hoàng Túy chia sẻ.

Chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1

Theo nhiều ý kiến của các chuyên gia tâm lý, từ môi trường trẻ được tự do vui chơi, sang một môi trường có nề nếp, kỷ luật hơn nên phụ huynh cần chuẩn bị trước những vấn đề này.

Ở bậc tiểu học, các em phải ngồi vào bàn ghế, không được tự do chọn chỗ chơi hay nói chuyện trong giờ học, do đó, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến nề nếp của các cháu thông qua các hoạt động sinh hoạt ở nhà. Song song đó, phụ huynh nên rèn luyện cho trẻ thói quen giơ tay phát biểu, biết lắng nghe người khác, biết tập trung chú ý nghe giảng bài,…

Theo Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Tiền- Khoa Giáo dục Mầm non (Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long), ở lứa tuổi này các cháu sẽ có trí tuệ và ý chí đủ để tiếp nhận kiến thức, thực hiện được nhiệm vụ học tập.

Tuy nhiên, các cháu sẽ gặp khó khăn ban đầu về thầy cô giáo, bạn bè mới, kiến thức mới,… thậm chí là mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa các cháu và phụ huynh.

“Phụ huynh cần theo dõi sát những cảm xúc của trẻ trong những ngày đầu như lắng nghe, trao đổi nhẹ nhàng và cần tránh những lời nói hoặc giả dụ những hình huống phức tạp hay tạo áp lực cho trẻ”- Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Tiền cho hay.

Còn theo thầy Trần Hoàng Túy, phụ huynh cần lưu ý chuẩn bị cho các em khả năng tự phục vụ vì kỹ năng này rất quan trọng. “Các em nên tự phục vụ, giải quyết vấn đề. Do đó, phụ huynh có thể trao đổi với các em về vốn sống, tình huống hàng ngày, thậm chí là đưa những tình huống để trẻ tập giải quyết…”- thầy cho biết.

Trong khi đó, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn Phường 1 (TP Vĩnh Long) chia sẻ, môi trường thay đổi nhiều, trong đó cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Do đó, phụ huynh cần quan tâm đến sức khỏe của các em, đặc biệt là các dạng bệnh học đường do thay đổi môi trường học tập.

Giáo viên này ví dụ, nếu như phụ huynh muốn cho các em tập viết sớm nhưng không quan tâm đến tinh thần, hay cụ thể nhất là cổ tay của trẻ thì dễ dẫn đến những tình huống khó xử lý.

“Quan trọng là động tác viết được tập đúng thì các em sẽ không có cảm giác sợ môi trường học tập mới, không lười học và cảm thấy thích thú với cách học mới, từ đó vận động luôn cả trí lực của các em…”- giáo viên này chia sẻ.

Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Tiền cho rằng, trong những ngày đầu khi trẻ vào lớp 1, phụ huynh nên chọn hoàn cảnh, thời điểm phù hợp để hỗ trợ trẻ hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó là tuyên dương, khích lệ trẻ khi các cháu hoàn thành nhiệm vụ trong học tập, từ đó tạo sự kích thích, hưng phấn học tập cho các em…

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY