Phân luồng để phù hợp năng lực, đào tạo nhân lực

Cập nhật, 05:49, Thứ Tư, 04/07/2018 (GMT+7)

“Phân luồng học sinh sau khi các em hoàn thành chương trình THCS có phải là sự “bỏ rơi” các em, không cho các em được học tiếp bậc THPT?”- Đó là thắc mắc của không ít phụ huynh hiện nay. Vậy mục đích của phân luồng là gì? Phân luồng có lợi gì cho học sinh, gia đình và xã hội?

Học sinh dự thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2018- 2019.
Học sinh dự thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2018- 2019.

Học theo năng lực

Phân luồng học sinh sau THCS được xem là giải pháp để nâng cao chất lượng bậc học THPT và hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai.

Giáo dục THCS bên cạnh việc củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục tiểu học, giúp học sinh có những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học THPT, trung cấp, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Học sinh học hết bậc THCS phải được phân luồng phù hợp với tinh thần “đổi mới căn bản toàn diện giáo dục”.

Thầy cô quản lý ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên thường “xin mọi người” có cái nhìn công bằng với hệ giáo dục này và “vào học thường xuyên không phải là bỏ đi”.

Thực tế cho thấy, học sinh học ở các trung tâm vẫn có thể đậu ĐH. Nhiều em có thể học yếu hơn các bạn nhưng nhiều em có những khả năng riêng, như học nghề giỏi.

Phổ điểm vào trường THPT thường không cao và có sự chênh lệch nhiều ở một số trường. Có thể lấy ví dụ như Trường THPT Trưng Vương, năm học 2018- 2019 có điểm chuẩn vào trường là 16 (trong địa bàn) và 19,25 (ngoài địa bàn).

Các em dự thi Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, trong đó môn Toán và Ngữ văn nhân hệ số 2, vậy điểm trung bình mỗi môn thí sinh cần có để đậu vào trường này là không quá cao.

Trong khi đó, ở nhiều trường huyện điểm chuẩn cũng thường rất thấp, có trường chỉ lấy 12 hoặc 14 điểm…

Điều đó có nghĩa, con đường vào THPT rất rộng và thí sinh dưới trung bình đã có thể vào học THPT. Những học sinh yếu hơn có thể chọn học hệ giáo dục thường xuyên.

Giải thích điều này, thầy Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT- cho biết, đối với hệ giáo dục thường xuyên, các em sẽ học ít môn hơn nhiều so với hệ phổ thông, chương trình cũng như áp lực không nhẹ nhàng hơn để phù hợp với năng lực của các em.

Song song đó, khi hoàn thành các chương trình, dự thi kỳ thi THPT quốc gia thì bằng cấp cũng “y hệt” nhau, không có sự phân biệt nào…

Chú trọng hướng nghiệp sớm

Việc hướng nghiệp cho học sinh trước đây thường được bắt đầu khi học sinh bước vào những năm cuối của giáo dục THPT.

Tuy nhiên, phần lớn học sinh tốt nghiệp THPT chỉ hướng đến mục tiêu ĐH còn với đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS thì càng khó hơn vì chỉ tiêu phổ cập và lên THPT từ nhiều năm trước.

Hậu quả là không ít học sinh thi tốt nghiệp THPT “3 năm không đậu”, có em bỏ cuộc và chấp nhận vào các công ty làm việc với trình độ THCS.

Phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS được đảm bảo trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận của cả học sinh và gia đình, xã hội. ThS. Trần Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long cho rằng:

Có nhiều học sinh vừa hoàn thành chương trình học THCS đã đăng ký vào học trung cấp nghề ở trường này. Kinh nghiệm của trường là tư vấn trực tiếp cho phụ huynh và cả học sinh, mời họ lên tận trường tham quan, giới thiệu”- ông Trần Anh Tuấn nói thêm: “Tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm với thu nhập ổn định đã tạo niềm tin cho phụ huynh”.

Chăm chú xem thông tin tuyển sinh của Trường CĐ Nghề Vĩnh Long tại buổi tư vấn, em Trí Thiện (TX Bình Minh) cho biết: “Nếu được cha mẹ cho em xin đi học công nghệ ô tô”.

Bắt đầu từ năm học 2017- 2018, tất cả học sinh tốt nghiệp THCS vào học hệ trung cấp tại các trường trung cấp nghề đều được miễn 100% học phí theo Luật Giáo dục nghề.

Tin rằng, việc phân luồng nếu làm khoa học và chặt chẽ sẽ tạo điều kiện cho các trường nghề phát triển, giúp học viên có được công việc ổn định, phù hợp, tránh tình trạng tất cả cùng chăm chú vào mục tiêu đậu ĐH để rồi sau đó ra trường thất nghiệp.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- NGUYỄN DUY