ĐỂ ĐÀO TẠO GẮN THỰC TẾ SẢN XUẤT

Nhà trường- doanh nghiệp cần bắt chặt tay

Cập nhật, 06:17, Thứ Tư, 27/12/2017 (GMT+7)

Đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động là vấn đề được các trường rất quan tâm. Xác định tầm quan trọng này, Trường ĐH Cửu Long vừa tổ chức buổi tọa đàm với sự tham gia của 69 doanh nghiệp, cùng đề ra mục tiêu chung, bắt chặt tay để đào tạo những kỹ sư, cử nhân làm được việc ngay sau khi ra trường.

“Thiếu đủ thứ”

Sinh viên cần chủ động nghiên cứu, học hỏi để rèn luyện bản thân.
Sinh viên cần chủ động nghiên cứu, học hỏi để rèn luyện bản thân.

Thiếu trình độ, kỹ năng, sức khỏe… là những gì doanh nghiệp đánh giá về những sinh viên mới ra trường- hiện trạng chung của nhiều trường ĐH, CĐ.

Các trường ĐH, CĐ thường đổi mới chương trình đào tạo, trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên qua các chương trình: thực tập viên tiềm năng, huấn luyện bán hàng,… Tuy nhiên, một số sinh viên khi ra trường vẫn khó tìm được việc hay khởi nghiệp từ ngành nghề của mình.

Ông Lê Phú Quới- Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Vĩnh Long- từng “cười ra nước mắt” với trường hợp một nhân viên mới tuyển dụng: “Có lần tôi đề nghị làm một văn bản, em nói khoảng nửa tháng mới xong.

Tôi vẫn cố đợi nhưng sau nhiều lần chỉnh sửa thì cũng không xong. Tôi đành tự làm và “trình” lại cho nhân viên đó ký nháy rồi mới đem về tự ký vào”.

Ông Lê Phú Quới nói thêm: “Đó là còn chưa kể những “CV” (hồ sơ xin việc) viết không đâu vào đâu, không tự giới thiệu được bản thân mình. Riêng “CV” tiếng Anh thì rất ít bạn viết được”.

Không ít “CV” viết bằng ngôn ngữ “teen” mà nhiều lãnh đạo công ty cần có người “phiên dịch” mới đọc được hết nội dung, những cái tên địa chỉ email cũng làm doanh nghiệp không thể tin tưởng được như “vinhthitcho” hay “emmaiyeuanh”,…

Vậy nên, ông Vũ Thanh Hải- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhân lực Hoàng Hà, chi nhánh TP Hồ Chí Minh nói: “Cử nhân, kỹ sư chúng ta thường thiếu sức khỏe, yếu ngoại ngữ và giao tiếp kém”.

Nhói lòng nhất là những nhận xét của người nước ngoài về lao động trẻ. Ông Ishihara- đại diện Công ty TNHH Đào tạo và TMDV Minh Tú (TP Hồ Chí Minh) chuyên đào tạo và giới thiệu lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi rất cần lao động, đặc biệt là những kỹ sư”.

Nói về lao động Việt Nam, ông Ishihara cúi đầu: “Tôi xin lỗi về những nhận xét này nhưng thật sự một số lao động Việt “có táy máy”, theo thống kê tỷ lệ này xếp thứ ba sau lao động Trung Quốc, Hàn Quốc. Lao động cũng cần chuẩn bị nhiều hơn về ngoại ngữ và sức khỏe”.

Doanh nghiệp cần gì?

Hai nhà cần “bắt chặt tay” để đào tạo gắn với thực tế sản xuất.
Hai nhà cần “bắt chặt tay” để đào tạo gắn với thực tế sản xuất.

Những cái “bắt chặt tay” giữa nhà trường và doanh nghiệp cần cụ thể hóa bằng hành động cụ thể. Từ đó, giải quyết vấn đề cốt lõi về cung- cầu lao động hợp lý hơn.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long- cho rằng “cần rút ngắn khoảng cách nhà trường và doanh nghiệp”.

Trong buổi tọa đàm, Hội Doanh nhân trẻ cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường ĐH Cửu Long, nhằm “xây dựng mẫu hình hợp tác Hiệp hội Doanh nhân trẻ và trường ĐH”.

Trường ĐH gắn với doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật. Đồng thời, xây dựng CLB sinh viên sáng tạo- khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Tường Nam cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ có những thỏa thuận cụ thể với trường để hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn”.

Góp vào câu chuyện trên, ông Nguyễn Trí Nghiệp- Công ty TNHH Nông trang Island (Long Hồ) cho rằng: “Có những thạc sĩ chuyên ngành loại giỏi cũng không làm được việc”.

Sinh viên muốn làm được việc thì cần tiếp cận thực tế, chịu khó quan tâm ngành nghề của mình. “Đặc biệt, không có thái độ tích cực thì không làm nên”- ông Nguyễn Trí Nghiệp nói.

Nhiều doanh nghiệp còn cho rằng chương trình đào tạo hiện nay còn chung chung nên sinh viên ra trường mới có những kiến thức tổng quát, chưa vững chuyên môn và phải bổ sung kiến thức rất nhiều.

Ông Lê Phú Quới cho rằng: “Chúng tôi cần lao động trung thực và thạo việc. Hiện chúng tôi có gần 400 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, cần những cửa hàng trưởng có chuyên ngành CĐ kinh doanh xăng dầu nhưng chỉ có một trường đào tạo, mỗi năm ra trường độ 10 sinh viên”.

Ông Ishihara cho rằng, song song với dạy kiến thức các trường ĐH, CĐ nên dạy sinh viên về “những điều hay lẽ phải”.

Lao động chất lượng cao, Nhật Bản đang rất cần kỹ sư các ngành điện tử, cơ khí, xây dựng và điện công nghiệp. “Vấn đề quan trọng nhất là ngoại ngữ, phải được học từ sớm và phải giỏi ngoại ngữ”- ông Ishihara nhấn mạnh.

Gắn đào tạo với thực tế sản xuất là mong muốn chung của các trường ĐH, CĐ. Song song đó, nhà trường còn có thể hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao khoa học công nghệ để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bà Trần Trúc Phương- Giám đốc Trung tâm Tư vấn đào tạo phát triển kinh tế, Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh- cho rằng theo kết quả chúng tôi khảo sát thì đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa thấy được xã hội hóa lao động việc làm cũng là đầu tư cho doanh nghiệp. Chúng ta cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cũng là một phần vai trò của nhà trường. Nguồn lao động là nền tảng là xương sống để phát triển doanh nghiệp.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN