Nâng cao kỹ năng nghề cho sinh viên

Cập nhật, 15:25, Thứ Tư, 13/09/2017 (GMT+7)

Nâng cao kỹ năng nghề cho sinh viên (SV) là một trong những mục tiêu hướng đến của các trường ĐH, CĐ, trung cấp nghề hiện nay. Rèn luyện kỹ năng qua nhiều giờ thực hành là một trong những giải pháp giúp SV nói không với thất nghiệp.

Sinh viên Trường CĐ Nghề số 9 trong giờ thực hành.
Sinh viên Trường CĐ Nghề số 9 trong giờ thực hành.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, ngành giáo dục chuyên nghiệp của tỉnh Vĩnh Long có những bước chuyển tích cực.

Các cơ sở đào tạo tích cực đổi mới phương thức đào tạo, đào tạo từng bước gắn với dự báo nguồn nhân lực, việc làm hoặc yêu cầu của doanh nghiệp (DN), nhất là gắn “học” với “hành”, nên đã nâng dần tỷ lệ học sinh, SV ra trường có việc làm và được đơn vị sử dụng đánh giá cao.

Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động, các trường ĐH, CĐ, trung cấp nghề trong tỉnh liên tục rà soát lại hệ thống các ngành nghề đào tạo, chú trọng tới các lĩnh vực đang được thị trường quan tâm, phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực: công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ.

Nhiều ngành nghề mới được bổ sung vào chương trình đào tạo. Hiện tại, các ngành nghề do các cơ sở đào tạo cơ bản phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và khu vực.

Những năm qua, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã chú trọng đến việc xây dựng các cơ sở thực hành, mua sắm trang thiết bị hiện đại để cho SV tăng cường rèn luyện kỹ năng nghề.

Bên cạnh đó, việc biên soạn giáo trình sao cho phù hợp với nhu cầu lao động, gia tăng giờ thực hành, giảm bớt việc học trên giấy… cũng được quan tâm.

Chính vì vậy, ngay từ năm đầu tiên, SV đã được học tập ngay tại nhà xưởng với các trang thiết bị đúng với chuyên ngành của mình. Giúp SV tiếp thu bài vở nhanh chóng, từ đó tay nghề cũng sẽ từng bước được nâng lên.

Đây cũng là trường ĐH duy nhất cả nước SV ra trường phải đạt chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 3/5. Ngoài ra, SV còn được nhà trường tạo điều kiện để rèn luyện tay nghề qua các kỳ thực tập ở các DN trong và ngoài tỉnh.

Chính môi trường này đã giúp không ít SV trưởng thành. Bên cạnh việc rèn luyện được kỹ năng nghề, SV còn được học các kỹ năng mềm mà các DN đang cần như: kỹ năng giao tiếp, tác phong làm việc công nghiệp, tính kỷ luật…

Vì thế, cơ hội việc làm sau khi ra trường là rất cao. Em Hồ Thanh Tín (ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long) phấn khởi: “Ngay trong năm nhất, SV được thực hành tại xưởng. Năm thứ 3, 4, SV được thực tập tại Công ty TNHH Toyota Cần Thơ nên rèn luyện kỹ năng nghề, kỹ luật lao động nhiều hơn. Như vậy, khi ra trường tụi em tự tin tìm việc làm”.

Việc liên kết với các DN để tạo môi trường thực tập cho SV không chỉ giúp SV các trường nâng cao kỹ năng, tay nghề mà đó còn là nguồn nhân lực tiềm năng cho các công ty trong tuyển dụng. Bởi, nếu SV nào nắm bắt được công việc, tác phong làm việc cùng tay nghề vững vàng thì cơ hội ra trường có việc làm tại các đơn vị này là rất lớn.

Bà Nguyễn Ngọc Kiều Linh- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Toyota Cần Thơ- cho biết:

“Công ty có chương trình thực tập sinh kỹ thuật viên, thời gian thực tập tại các đại lý khoảng 6 tháng. Ngoài kỹ năng nghề, các bạn sẽ học được kỷ luật lao động để làm việc chuyên nghiệp. Đối với SV từng thực tập tại Toyota Cần Thơ thì chúng tôi sẽ rút ngắn thời gian đào tạo sau khi được tuyển dụng. Nhiều SV có thành tích tốt sẽ được ký hợp đồng làm việc ngay sau khi thực tập”.

Để giúp SV có được việc làm ổn định sau khi ra trường, việc liên kết với DN để đào tạo theo nhu cầu đã được Trường CĐ Nghề Vĩnh Long triển khai thực hiện.

Không chỉ các DN trong tỉnh mà nhà trường còn ký hợp đồng cung ứng lao động cho nhiều đơn vị ngoài tỉnh. Đây là hiệu quả từ việc tăng cường kỹ năng nghề cho SV, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động hiện nay.

Dù chỉ hơn 1 năm học tập tại CĐ Nghề Vĩnh Long nhưng em Nguyễn Ngọc Băng Khanh đã nhanh chóng làm quen với ngành học công nghệ ôtô nhờ được các thầy hướng dẫn ở xưởng thực hành. Là SV nữ duy nhất học ngành này hệ CĐ, thời gian đầu, Băng Khanh không tránh khỏi những khó khăn.

Song, vì yêu thích và để cơ hội nghề nghiệp của mình rộng mở, em đã nỗ lực rất nhiều. Tại đây, Băng Khanh được làm quen với các loại máy ôtô, tìm hiểu nguyên lý hoạt động, vận hành từ chiếc ôtô thực tế được nhà trường đầu tư, đã giúp em tự tin theo đuổi niềm đam mê của mình.

Khi nói đến hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho SV, không thể không nói đến Trường CĐ Nghề số 9 (Quân khu 9).

Đây là cơ sở đào tạo nghề đã có uy tín đối với các DN trong và ngoài tỉnh nhờ vào cách đào tạo học đi đôi với hành. Với lợi thế diện tích đất rộng lớn, nhà trường đã xây dựng nhiều khu nhà xưởng thực hành cho 20 ngành nghề, đào tạo tập trung vào các nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, vận tải và sức khỏe, với cả 3 bậc học: CĐ, trung cấp và sơ cấp.

Hàng năm, trường luôn duy trì quy mô đào tạo 4.500- 4.800 học sinh, SV; thường xuyên mở các lớp dạy nghề ngắn hạn và tham gia chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Thông qua hợp tác, liên kết đào tạo, nhà trường đã sử dụng hiệu quả lao động kỹ thuật, trang thiết bị của các DN, cho SV đi thực tập và tạo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Em Huỳnh Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Khi dạy lý thuyết, các thầy có gắn với bài tập thực hành nên em có thể nắm bắt ứng dụng ngoài thực tế được. Em cũng tự tin vào khả năng mình sau này ra trường sẽ có việc làm ổn định”.

Để việc đào tạo của các trường thực sự sát với nhu cầu thực tế, rất cần có sự tham gia tích cực từ phía các DN, cơ sở sản xuất, qua hình thức “đặt hàng”, liên kết đào tạo. Khi nắm được nhu cầu của phía sử dụng lao động, các trường sẽ dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh chương trình, nội dung đào tạo cho phù hợp.

Có như vậy thì mới thu hút được nhiều học sinh đến với các trường chuyên nghiệp, dạy nghề, và công tác đào tạo nguồn nhân lực sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.

  • Bài, ảnh: MAI ANH