Băn khoăn vì "lại đổi mới"

Cập nhật, 14:29, Thứ Tư, 20/09/2017 (GMT+7)

 

Học sinh lớp 12 đang băn khoăn với 2 phương án và chờ kết luận của Bộ GD- ĐT.
Học sinh lớp 12 đang băn khoăn với 2 phương án và chờ kết luận của Bộ GD- ĐT.

2 phương án thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được Bộ GD- ĐT đưa ra đã tạo nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhiều băn khoăn cho những kỳ thi “lại đổi mới”. Đó là còn chưa kể nỗi lo của phụ huynh học sinh khi kiến thức lớp 11 được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Lại đổi mới

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 cơ bản giữ nguyên như năm 2017. Tuy nhiên, đối với 2 bài thi tổ hợp, Bộ GD- ĐT đang đưa ra 2 phương án để các trường cho ý kiến.

Phương án 1, giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần giống như năm 2017.

Phương án 2, mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với 1 đầu điểm thống nhất của toàn bài thi, không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017.

Nếu theo phương án 2, các trường ĐH, CĐ có thể chọn 2 hoặc 3 bài thi trong số các bài thi của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, trong đó bắt buộc phải có 1 bài thi Ngữ văn hoặc Toán; hoặc 1 bài thi Ngữ văn hoặc Toán và 1 hoặc 2 đầu điểm thi năng khiếu, điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức hoặc điểm khác do trường lựa chọn quy định trong đề án tuyển sinh.

Bộ GD- ĐT cho rằng việc đưa ra phương án mới đối với bài thi tổ hợp sẽ giúp việc tổ chức thi và chấm thi đơn giản, dần phát triển thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh.

Nói về 2 phương án của Bộ GD- ĐT đưa ra, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Phước- Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nghiêng về phương án 1. Thầy cho rằng: “Nếu muốn thay đổi cũng nên thay đổi theo lộ trình. Tôi thấy phương án 2 rất hay nhưng không thể nói áp dụng là áp dụng ngay được”.

Theo thầy, kỳ thi THPT quốc gia 2017 nhìn chung khá tốt, chỉ có những chi tiết cần phải “chỉnh lại” cho hay hơn, ví dụ như thời gian làm bài thi tổ hợp quá dài, học sinh không đủ sức khỏe để làm bài.

Dù giữa 2 bài thi có thu lại đề thi nhưng các em vẫn giữ phiếu trả lời và tình trạng học sinh tận dụng giờ thi môn này làm bài môn trước là không thể tránh khỏi.

“Theo tôi nên thực hiện phương án 1 trong năm 2018, những năm sau muốn thay đổi phải có lộ trình và thông báo từ sớm cho học sinh. Để khắc phục tình trạng học lệch trong kỳ thi năm tới, tôi nghĩ phiếu trả lời trắc nghiệm cũng chia ra từng môn, xong môn nào thu môn đó”- thầy Nguyễn Hồng Phước góp ý.

Là trường ĐH chỉ xét tuyển bằng phương thức duy nhất là điểm thi THPT quốc gia, TS. Nguyễn Văn Xuân- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cũng đồng tình với phương án 1.

Học sinh, phụ huynh băn khoăn

Dù là học sinh giỏi, học sinh trường chuyên cũng băn khoăn với những đổi thay cho kỳ thi sắp tới. Bởi, tâm thế chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 không phải mới chuẩn bị mà đã được các em và phụ huynh lên kế hoạch từ lớp 11.

Em Trịnh Thế Chương- học sinh lớp 12 Toán, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm- cho biết: “Khi các anh chị năm trước thi bài tổ hợp, em đã nghe thông báo năm 2018 sẽ không thay đổi gì so với 2017, nay lại lấy ý kiến nên em lo lắm!” Chương lo vì em đã chọn ngành y và đầu tư cho các môn Toán, Hóa học, Sinh học mà ít đầu tư cho môn Vật lý. 

Nếu thi theo phương án 2, chỉ tính điểm chung cho cả bài thi khoa học tự nhiên thì Chương sợ điểm thi sẽ bị kéo xuống.

Cùng suy nghĩ với Chương, em Huỳnh Lý Vân Anh- học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm- cho biết: “Chỉ tính việc học lại chương trình lớp 11 là đã nặng rồi, nay nếu đầu tư môn Vật lý nữa, em sợ không kham nổi. Em chọn thi ĐH Y dược, điểm chuẩn rất cao”.

Trong khi đó, PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- đồng tình với phương án 2. Thầy Phi cho là “phương án 2 giúp tránh tình trạng học lệch, tổ chức thi cũng thuận lợi hơn và việc đánh giá học sinh cũng khách quan hơn”.

Nếu áp dụng phương án 2, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long sẽ đổi phương án tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển sẽ được thay đổi cho phù hợp với bài thi. Tuy nhiên, thầy cũng góp ý việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh cần hạn chế lại, mỗi thí sinh khoảng 4 nguyện vọng, tránh “càng nhiều các em càng rối”.

Nhiều giáo viên cho rằng, Bộ GD- ĐT nên tập trung vào điều chỉnh tăng độ khó của đề thi, từ đó phân loại thí sinh tốt hơn, tạo điều kiện cho các trường ĐH thuận lợi hơn trong tuyển sinh, chứ chưa nên thay đổi phương án thi.

Cũng có không ít ý kiến không tán thành cả 2 phương án mà Bộ GD- ĐT đưa ra và cho rằng, cả 2 phương án đều có vấn đề. Phương án 1 thì bất cập gây khó khăn cho việc tổ chức thi, chấm thi và tuyển sinh của các trường ĐH.

Đối với phương án 2, cũng rất khó thực hiện vì làm thế nào có thể ra được một bài thi tích hợp của 3 môn? Nếu chỉ là một đề thi gồm 3 môn, mỗi môn một đoạn thì cũng giống như thi THPT quốc gia 2017, có điều đề thi 3 môn được phát một lượt.

Thời gian cho năm học 2017- 2018 không còn nhiều, Bộ GD- ĐT phải quyết định sớm, khẳng định rõ ràng phương án để học sinh tập trung học tập và ôn luyện, giảm cho học sinh hoang mang, không biết phải học thi như thế nào.

 

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, các thí sinh sẽ làm 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ cùng 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội (KHXH). Trong đó, bài thi KHTN là tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, còn bài thi KHXH là tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với giáo dục phổ thông; và tổ hợp môn Lịch sử và Địa lý đối với giáo dục thường xuyên. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ có thể chọn thi bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ) và/hoặc bài thi KHTN hoặc KHXH phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ.

 

  • Bài, ảnh: CAO HUYỀN