"Ai cũng được học hành" để xây dựng quê hương

Cập nhật, 05:44, Thứ Tư, 06/09/2017 (GMT+7)

Ham muốn tột bậc của Bác Hồ sau thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “… là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” nay đã thành sự thật.

Ra sức làm theo lời Bác, việc học ngày nay đã không dừng lại ở chỗ học để thoát dốt, xóa mù chữ mà còn là học để nâng cao trình độ kỹ năng, học để chung tay xây dựng quê hương đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Cơ sở vật chất khang trang, trẻ em được tạo mọi điều kiện đến trường. Trong ảnh: Trường Mẫu giáo Khu công nghiệp Hòa Phú.
Cơ sở vật chất khang trang, trẻ em được tạo mọi điều kiện đến trường. Trong ảnh: Trường Mẫu giáo Khu công nghiệp Hòa Phú.

Từ 90% dân số mù chữ

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước độc lập nhưng vẫn rất khó khăn. Lịch sử giáo dục tỉnh Vĩnh Long vẫn còn ghi rõ những khó khăn đó: Vây quanh là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong đó, “giặc dốt” với 85- 90% người dân không biết chữ nên trên cả giặc ngoại xâm.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, người dân cùng nhau đi học, xóa giặc dốt bằng bình dân học vụ. Nhà giáo Nhân dân, TS. Đặng Huỳnh Mai- nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT cho biết: “Khi đó, Vĩnh Long nở rộ phong trào bình dân học vụ, đốt đuốc đi học”.

Ông Nghị Quốc Phục- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Trà Ôn- nhớ lại một thời đến trường gian khó sau giải phóng năm 1975: “4 giờ sáng tôi thức dậy, rang cơm ăn rồi lội bộ đến trường”.

Con đường đi học từ xã Tích Thiện đến thị trấn Trà Ôn toàn cuốc bộ và phải băng qua 2 con sông. Ông Phục cười: “Mỗi con sông có một bè chuối.

Con gái ngồi trên, con trai lội đẩy bè, quần áo thì cho vào bọc ny lông bỏ trên bè”.

Đường đến trường gian khó là vậy, ý thức người dân cho con đi học cũng chưa cao nên “những người trong xóm tôi đi học đến lớp 9 đếm trên đầu ngón tay chưa hết. Mấy bạn gái thì mới lớp 5, lớp 6 đã bị gia đình cho nghỉ học phụ việc nhà rồi lấy chồng…”.

Là người theo sát với từng “nhịp đập” của giáo dục tỉnh nhà từ lúc còn là giáo viên, thầy Trần Hoàng Túy- nguyên quyền Chánh Văn phòng Sở GD- ĐT- nhớ lại: Cho đến năm 1992, nhiều xã không có trường mầm non, hay còn gọi là “xã trắng”, tỷ lệ trẻ học mẫu giáo còn rất thấp, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, đường sá khó khăn khiến cho việc đi lại của giáo viên, học sinh khó càng thêm khó.

“Chuyện học đã khó khăn, chuyện thụ hưởng giáo dục giữa thành thị và nông thôn còn một khoảng cách lớn, học sinh ở nông thôn thường thiệt thòi hơn nhiều…”

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT, những năm đầu tái lập tỉnh, nhiều địa phương thiếu trường, trường thì thiếu phòng, thiếu điện, thiếu nhà vệ sinh, phòng học tre lá tạm bợ.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên còn thiếu, nhiều giáo viên chưa được chuẩn hóa, một số giáo viên dạy nhiều tiết, dạy trái môn, phần lớn giáo viên mầm non hợp đồng. Từ năm 1992- 2000, toàn tỉnh chỉ có 4 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.

Đến nay “ai cũng được học hành”

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Vĩnh Long có điểm trung bình đứng thứ 12 cả nước.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Vĩnh Long có điểm trung bình đứng thứ 12 cả nước.

Cùng cả nước, Vĩnh Long đã và đang ra sức đầu tư cho giáo dục. Thành tựu nổi bật là năm 1997, Vĩnh Long đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.

Toàn tỉnh hiện có hơn 16.300 cán bộ, giáo viên nhân viên đang giảng dạy ở các cấp học, hầu hết có trình độ đạt và trên chuẩn. Tỉnh cũng được công nhận hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trong năm 2016.

Kết thúc năm học 2016- 2017, toàn tỉnh có 447 trường mầm non, phổ thông, 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên; 109 trung tâm học tập cộng đồng.

Chất lượng giáo dục được giữ vững và nâng cao qua từng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT được nâng lên (năm 2016- 2017, đứng thứ 12 cả nước).

Nếu như năm 1992 chỉ có 16% học sinh trúng tuyển ĐH, CĐ thì đến nay, tỷ lệ này trên 46%.

Việc học hành đã được sự đầu tư, quan tâm của toàn xã hội. Học sinh nghèo đều được đến trường, được miễn học phí, được trao học bổng, sách vở, phương tiện…

Nhưng không chỉ dừng lại ở chuyện “được học hành”, đa số học sinh học ĐH, CĐ hoặc trung cấp chuyên nghiệp.

Nói như ông Trần Văn Thảo- Bí thư kiêm Trưởng ấp Sóc Rừng (xã Loan Mỹ-Tam Bình) thì: “Ngày trước, năn nỉ bà con cho con em đi học. Bây giờ khỏi lo, đồng bào Khmer đều ý thức cho con học tới nơi, tới chốn đàng hoàng”.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 3 trường ĐH và 5 trường CĐ, với quy mô đào tạo hơn 16.000 sinh viên/năm. Thời gian tới, tỉnh còn có thêm phân hiệu của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Chương trình “Vĩnh Long 100” đã đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho sự phát triển lâu dài của tỉnh nhà.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn đẩy mạnh liên kết với các trường ĐH trong và ngoài khu vực để đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực địa phương như ĐH Cần Thơ, ĐH Y dược Cần Thơ, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh…

Song, nếu so với bình quân các vùng trong nước thì tỷ lệ sinh viên của ĐBSCL vẫn còn rất thấp, vẫn là “vùng trũng” về giáo dục.

Theo số liệu thống kê gần đây của BCĐ Tây Nam Bộ, toàn vùng có 175 sinh viên/vạn dân, tỷ lệ bác sĩ mới đạt 5,1 bác sĩ/vạn dân. Trong khi cả nước là 277 sinh viên/vạn dân; 7,5 bác sĩ/vạn dân.

Chính vì vậy, Vĩnh Long cũng như các tỉnh ĐBSCL đang nỗ lực vươn lên để nâng cao chất lượng giáo dục. Có thể nói, mong muốn “ai cũng được học hành” của Bác Hồ đã thành hiện thực, và giờ đây, được tiếp tục nâng lên ở một tầm cao mới.

Theo Sở GD- ĐT, đến nay, số người từ 15- 35 tuổi biết chữ mức độ 1 đã đạt trên 98%; số người từ 15- 60 tuổi biết chữ mức độ 2 đạt trên 84%. Đáng chú ý là đã huy động đối tượng từ 4- 14 tuổi khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt tỷ lệ gần 94%.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- KHÁNH DUY