Sổ tay giáo dục

Hết "để dành sáng kiến"...

Cập nhật, 07:57, Thứ Tư, 09/08/2017 (GMT+7)

Ngày 27/7, Chính phủ lại ban hành Nghị định số 88 sửa đổi một số điều của Nghị định 56/2015 về đánh giá công chức, viên chức hàng năm. Một trong những nội dung cần lưu ý đó là, từ năm học 2017- 2018 trở đi, giáo viên không cần sáng kiến trong bình xét thi đua khi đánh giá ở hạng mục “hoàn thành nhiệm vụ”.

Trước đây, theo Nghị định 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ, vấn đề sáng kiến là điều kiện buộc phải có cho việc đánh giá và xếp loại viên chức.

Điều 25, 26, 27, viên chức muốn được xếp 1 trong 3 loại Hoàn thành nhiệm vụ, Hoàn thành tốt nhiệm vụ, Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đều phải thỏa mãn Điểm đ của Điều 25 là: “Có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận”.

Nay, Nghị định 88/2017/ NĐ- CP vừa ban hành, sửa đổi các Điều 26, 27 của Nghị định 56/2015, cụ thể là xếp loại viên chức ở mức Hoàn thành tốt nhiệm vụ và mức Hoàn thành nhiệm vụ không cần điều kiện “Có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả...” nữa.

Sự việc đã giải phóng được áp lực cho rất nhiều giáo viên. Nhiều giáo viên vui vì không phải họ không muốn có sáng kiến mà vì thoát khỏi cảnh “để dành sáng kiến”.

Ví dụ như giáo viên đăng ký sáng kiến: Nâng cao chất lượng giờ dạy môn Ngữ văn thì chung chung và bao quát quá và nếu viết như vậy thì năm sau biết đăng ký sáng kiến gì? Thay vào đó, giáo viên có thể đi từ phần như nâng cao năng lực ngữ pháp, giờ học Ngữ văn thân thiện,… Sao cho từ lúc bắt đầu viết sáng kiến đến lúc nghỉ hưu vẫn còn… để viết.

Riêng giáo viên muốn “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, tức danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở thì phải có sáng kiến. Đó là lẽ đương nhiên vì giáo viên cũng là viên chức và áp dụng theo Luật Viên chức. Tin rằng, việc làm này có ý nghĩa quan trọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng sáng kiến.

CHI LINH