Ổn định tâm lý về kỳ thi THPT quốc gia 2018

Cập nhật, 13:50, Thứ Tư, 30/08/2017 (GMT+7)

 

Về cơ bản, kỳ thi THPT quốc gia sẽ giữ ổn định trong năm 2018 đến năm 2020.
Về cơ bản, kỳ thi THPT quốc gia sẽ giữ ổn định trong năm 2018 đến năm 2020.

Về cơ bản, kỳ thi THPT quốc gia 2018 và những năm tiếp theo vẫn sẽ được duy trì ổn định. Tuy nhiên, Bộ GD- ĐT cần nghiên cứu những ý kiến đánh giá về những mặt chưa đạt cũng như cần thông tin sớm về kỳ thi để nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh được nắm rõ…

Bắt nhịp ngay từ đầu năm học

Ngay khi công bố phương án thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD- ĐT đã khẳng định rằng, về cơ bản phương án thi năm 2017 sẽ được giữ ổn định cho đến năm 2020.

Do đó, học sinh vẫn thi trắc nghiệm khách quan với 9 môn thi Toán, Ngữ văn, Anh văn (bắt buộc) Vật lý- Hóa học- Sinh học (bài Khoa học tự nhiên) và Lịch sử- Địa lý- Giáo dục công dân (bài Khoa học xã hội). Trong đó chỉ có môn Ngữ văn thi tự luận, còn các môn khác sẽ thi dưới hình thức trắc nghiệm.

Nỗi lo lớn nhất của các học sinh mới bước vào lớp 12 năm 2017- 2018 là kiến thức thi có thể gấp đôi kỳ thi năm trước, khi nội dung thi là kiến thức lớp 12 và lớp 11. Đến năm 2019, thí sinh sẽ phải thi toàn bộ kiến thức bậc THPT.

Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Trà Ôn là huyện có 5 trường THPT có tỷ lệ đậu tốt nghiệp 100%. Trong đó, Trường THPT Trà Ôn có 9/9 môn có điểm trung bình cao hơn điểm trung bình của tỉnh và cả nước; tỷ lệ này lần lượt ở các trường khác trong huyện là 7/9 ở THPT Hựu Thành, 5/9 ở THCS- THPT Hòa Bình…

Trong những giải pháp mà các trường THPT ở Trà Ôn đề ra phải kể đến công tác tư vấn chọn bài thi.

Thầy Phạm Hồng Bảo- Hiệu trưởng Trường THPT Hựu Thành cho biết: “Vì giáo viên là người hiểu rõ năng lực học sinh nên có biện pháp tư vấn để các em chọn bài thi phù hợp khả năng, mục đích của mình. Để chuẩn bị cho kỳ thi năm 2018, chúng tôi đã cho các em học sinh lớp 11 đăng ký bài thi trước khi các em lên lớp 12 để lên kế hoạch định hướng tốt”.

Trong khi đó, một kinh nghiệm nữa của các trường THPT ở Trà Ôn là nâng cao hiệu quả giờ ôn tập bằng cách đa dạng hóa hình thức ôn tập phù hợp với những đối tượng học sinh…

Với học sinh, việc đề thi có kiến thức lớp 11 và 12 khiến nhiều học sinh lo lắng. Tuy nhiên, các em đã có định hướng học phân ban từ sớm cho những môn thi mình yêu thích.

Một số trường còn chia lớp lại theo hình thức phân ban, điển hình như Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Tam Bình). Em Trần Thị Ngọc Trúc (lớp 12) cho biết: “Đầu năm chúng em được phân lớp lại để học theo bài thi, em chọn bài thi khoa học xã hội nên học ban xã hội”.

Dù chưa xác định được ngành nghề thi vào ĐH, CĐ nhưng nhiều học sinh đã sẵn sàng các khối thi, bài thi cho mình. Sự chuẩn bị sớm này sẽ giúp các trường cũng như học sinh chủ động hơn trong kỳ thi mới…

Cần sớm có thông tin chính thức

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016- 2017 mà Bộ GD- ĐT vừa tổ chức, có khá nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề kỳ thi THPT quốc gia, trong đó, vừa có ý kiến nên giữ ổn định, vừa có ý kiến là nên tách riêng biệt 2 kỳ thi và giao quyền tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ.

Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Minh Giang cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia 2017 là một thành công, tuy nhiên, bà Giang cũng cho rằng, Bộ GD- ĐT cần rà soát để hoàn thiện cho kỳ thi năm 2018.

Một trong số đó là cần xem xét lại điểm ưu tiên khi mức điểm cộng hiện nay tối đa là 3,5 điểm là quá cao. Nếu tiếp tục áp dụng, mức điểm cộng này sẽ ảnh hưởng đến sự công bằng trong công tác xét tuyển.

“Cần có sự phân tích, rút kinh nghiệm để khắc phục những hạn chế của kỳ thi vừa qua để ngay từ đầu năm học 2017- 2018, Bộ GD- ĐT triển khai kế hoạch thi THPT quốc gia giúp các địa phương, học sinh và phụ huynh có thời gian chuẩn bị, kỳ thi năm tới thành công và hiệu quả hơn”- bà Nguyễn Thị Minh Giang nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lại đánh giá cao việc tự chủ trong giáo dục ĐH.

Theo ông, kỳ thi THPT quốc gia là để công nhận tốt nghiệp cho học sinh sau 12 năm học, còn việc tuyển sinh là việc của trường ĐH tùy vào từng trường, từng ngành. “Chúng ta lấy kỳ thi công nhận phổ thông áp vào để xét tuyển ĐH thì khó”- ông nhấn mạnh.

Do có nhiều ý kiến khác nhau về kỳ thi THPT quốc gia, giữ ổn định hay thay đổi, và nếu thay đổi thì thay đổi ra sao, thay đổi những gì… đây là điều rất cần Bộ GD- ĐT nghiên cứu và sớm thông tin để ổn định tâm lý của người dạy cũng như của người học…

 

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016- 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã được đánh giá là nhẹ nhàng hơn. Riêng chuyện tuyển sinh ĐH, Phó Thủ tướng cho rằng đó là việc của các trường ĐH. Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia chỉ cung cấp dữ liệu để các trường tham khảo chứ không phải là căn cứ duy nhất…

  • Bài, ảnh: KHÁNH DUY- CAO HUYỀN