Chọn ngành "học để làm"

Cập nhật, 16:49, Thứ Tư, 12/04/2017 (GMT+7)

Những năm gần đây, việc học nghề, học các ngành kỹ thuật đã được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm lựa chọn. Bởi lẽ, đầu ra việc làm của các ngành này đang rộng mở, thêm vào đó là tiêu chuẩn đầu vào của nhiều trường cũng thuộc top vừa. Học sinh cần những tố chất nào để học ngành kỹ thuật, học nghề và chọn nghề nào là phù hợp?

Sinh viên Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long trao đổi với doanh nghiệp về cơ hội việc làm. Từ năm 2017, trường này chuyển sang giáo dục nghề nghiệp.
Sinh viên Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long trao đổi với doanh nghiệp về cơ hội việc làm. Từ năm 2017, trường này chuyển sang giáo dục nghề nghiệp.

Thị trường lao động rộng lớn

Chia sẻ trong những buổi tuyển dụng, các doanh nghiệp cho biết họ thích sinh viên ở các trường nghề vì có khả năng làm được việc ngay sau khi ra trường.

Lãnh đạo các trường nghề đều khẳng định rằng đầu ra của những lao động nghề đang rộng mở. Thậm chí, có trường còn cho rằng 100% học sinh ra trường có việc làm.

Ông Trần Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long nói: Việc học nghề đã được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Học sinh học nghề có cơ hội việc làm cao, thu nhập hấp dẫn.

“Hiện có khoảng 50 doanh nghiệp gửi thông báo tuyển dụng cho chúng tôi. Họ cần khoảng 1.500 lao động nghề nhưng trường không cung cấp đủ”- ông Tuấn nói thêm.

Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long Trần Thanh Tùng cũng cho biết: “Trong trường chúng tôi có học viên đã tốt nghiệp ĐH vào học nghề”.

Thực tế, doanh nghiệp cần lao động làm được việc và có khả năng thích ứng nhanh với công việc. Trong khi đó, chương trình đào tạo chuyên nghiệp quá chú trọng lý thuyết, ít thời gian thực hành. Trong khi, ở các trường nghề học sinh được thực hành nhiều hơn và rèn luyện kỹ năng nhiều hơn.

Trong buổi tư vấn tuyển sinh tại trường mình, PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long khẳng định với học sinh rằng: “Các em học ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đảm bảo ra trường có việc làm”.

Trước đó không lâu, trong chương trình tư vấn hướng nghiệp ở Cần Thơ, lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cam kết: “Sinh viên của ĐH Sư Phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh ra trường đảm bảo có việc làm. Em nào không xin được việc có thể quay lại trường lấy lại học phí”.

Ở các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng thực hành luôn được chú trọng. Cam kết có việc làm cho sinh viên sau khi học nghề không phải là lời nói suông của các trường. Bởi lẽ, sinh viên muốn tốt nghiệp ra trường phải có đầy đủ kỹ năng đáp ứng nhu cầu công việc.

Và theo chia sẻ của nhiều sinh viên học nghề thì con đường ra trường cũng lắm khó khăn, thách thức.

Muốn học nghề, cần gì?

Rất nhiều câu hỏi của thí sinh liên quan đến giới tính khi học nghề. Thực tế, nhiều nghề không phân biệt giới tính và thậm chí ở một số nghề như điện tử, sinh viên nữ lại học tốt hơn nam bởi các em nữ có tính cẩn thận hơn.

Khi học ở các trường nghề, sinh viên sẽ được học thực hành song song lý thuyết và thời gian thực hành thường nhiều hơn học lý thuyết.

Bên cạnh đó, mỗi buổi thực hành thường có thời gian rất dài, đòi hỏi sinh viên có sức khỏe dẻo dai mới học tốt. Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long thường có giờ thực hành mỗi buổi khoảng 5 giờ. Do đó, đòi hỏi đầu tiên khi chọn là yêu nghề.

Sinh viên của trường này, em Nguyễn Phước Vinh chia sẻ: “Muốn học nghề thì phải say sưa với nó, yêu thích nó và làm nó không biết chán”. Để rồi ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác học từng mô đun thực hành và nắm được từng cái, từng cái mà vững tay nghề.

Nguyễn Khôi Thái- cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh thì cho rằng: “Học đi đôi với làm và nếu không chú ý bạn sẽ không thể nào làm được, vậy là rớt môn. Có bạn thi 4 lần chưa đậu!”.

Sinh viên thực hành nâng cao kỹ năng nghề.
Sinh viên thực hành nâng cao kỹ năng nghề.

Một chia sẻ của các bạn học nghề là số sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp ra trường thường không nhiều, khoảng 60%. Con số 40% kia do một số sinh viên bỏ học, một số nợ môn chưa tốt nghiệp,… Khôi Thái giải thích: “Nếu bạn học nghề mà ra trường không nắm vững kỹ thuật chỉ cần sai một thao tác trong lắp ráp có thể làm hỏng một công trình”.

Đối với các trường CĐ hiện nay đều thuộc giáo dục nghề nghiệp và xét tuyển dựa trên nhiều phương án khác nhau.

Trường CĐ Nghề Vĩnh Long xét tuyển dựa trên kết quả học tập. Đối với các trường ĐH sư phạm kỹ thuật, điểm cao nhất phải kể đến ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long thường có điểm chuẩn bằng điểm đảm bảo chất lượng. Bên cạnh xét tuyển bằng điểm thi, trường này còn xét tuyển bằng kết quả học tập.

 

Dự báo nhu cầu nhân lực TP Hồ Chí Minh năm 2015 đến 2020- 2025

STT 

Ngành nghề

Tỷ lệ ngành nghề so với tổng số việc làm trống (%)

Số chỗ làm việc
(Người/ năm)

1

 Trên ĐH

2

5.400

2

 ĐH

13

35.100

3

 CĐ chuyên nghiệp - CĐ nghề

15

40.500

4

 Trung cấp chuyên nghiệp - Trung cấp nghề

35

94.500

5

 Sơ cấp nghề - Công nhân kỹ thuật

20

54.000

6

Lao động chưa qua đào tạo

15

40.500

Tổng số nhu cầu về trình độ nghề bình quân hàng năm

100

270.000

(Nguồn Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh)

 

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN