Nhiều nguyện vọng, bỏ điểm sàn- tăng cơ hội cho thí sinh

Cập nhật, 04:55, Thứ Năm, 29/12/2016 (GMT+7)

 

Thí sinh cần quan tâm đến các buổi tư vấn, hướng nghiệp để chọn ngành, chọn trường phù hợp.

Thí sinh cần cân nhắc khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Trong ảnh: Thí sinh xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long năm 2016.

 

Trung tuần tháng 12/2016, Bộ GD- ĐT đã công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh 2017 với nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh và khắc phục được hạn chế trong những năm trước. Trong đó, việc bỏ điểm sàn xét tuyển vào ĐH và cho thí sinh nhiều nguyện vọng là những điểm mới đáng lưu ý.

Nhiều điểm mới

Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh 2017, các trường được tự tổ chức thi và xét tuyển nhiều đợt trong năm.

Về tổ chức tuyển sinh, các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để sơ tuyển, xét tuyển cần xác định và công bố công khai việc dùng các tổ hợp điểm thi của các bài thi/môn thi.

Với các trường có thủ tục sơ tuyển; các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc có môn thi năng khiếu... kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia phải xác định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng về các thông tin liên quan đến phương thức xét tuyển.

Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. Tuy nhiên, phải đảm bảo: Không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của trường tổ chức luyện thi; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch trong tuyển sinh; không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội.

Sử dụng kết quả của 3 môn thi/bài thi, trong đó có ít nhất 1 trong 2 môn thi độc lập là Toán hoặc Ngữ văn để xét tuyển. Các môn thi/bài thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi/bài thi để xét tuyển cho một ngành.

Đáng chú ý là trong công tác tổ chức xét tuyển, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ không đưa ra điểm sàn như mọi năm. Điểm mới khác là thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường.

Điểm mới cần lưu ý trong năm nay là thí sinh đăng ký xét tuyển trước thi, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong thời hạn quy định, bằng phương thức trực tuyến.

Xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính giấy chứng nhận kết quả thi đến trường bằng thư chuyển phát nhanh hay nộp bằng phương thức khác do trường quy định.

Xét tuyển bổ sung được thực hiện nhiều lần hay một lần, căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh xác nhận nhập học tại trường đó sau khi xét tuyển đợt 1. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển, trường công bố trên trang thông tin điện tử của trường và trên phương tiện thông tin đại chúng về điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển.

Có lợi cho thí sinh

Có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau về dự thảo Quy chế tuyển sinh 2017. Không ít ý kiến lo lắng về chất lượng đào tạo khi bỏ điểm sàn, một số người lại lo lắng về cách thức xét tuyển, lối vào CĐ,…

Thí sinh cần quan tâm đến các buổi tư vấn, hướng nghiệp để chọn ngành, chọn trường phù hợp.
Thí sinh cần quan tâm đến các buổi tư vấn, hướng nghiệp để chọn ngành, chọn trường phù hợp.

Phát biểu quan điểm của mình trên trang cá nhân, PGS.TS Đỗ Văn Xê- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho hay: “Tôi hết sức ủng hộ quy định bỏ điểm sàn”.

Ông cho rằng: Khi nghe nói đến việc bỏ điểm sàn sẽ khiến nhiều người hoang mang nhưng thực chất nó là điều hết sức hợp lý. Bởi lẽ, điều kiện để các thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH là phải tốt nghiệp THPT với trung bình mỗi môn là 5 điểm.

Trong khi điểm sàn của các năm qua là 15 điểm/3 môn thì trung bình mỗi môn cũng là 5 điểm. Như vậy 2 quy định này là trùng nhau, bây giờ chúng ta bỏ quy định về điểm sàn là điều rất bình thường. Ngoài ra, các năm trước thí sinh dự thi theo khối. Điểm khối thi này khác điểm của khối thi kia.

Vì thế, điểm sàn là dựa vào căn cứ kết quả điểm chung của từng khối thi. Tuy nhiên, năm nay thí sinh không thi theo khối thi truyền thống mà thi theo tổ hợp môn thi của từng ngành nên quy định về điểm sàn cho từng khối thi truyền thống không còn cần thiết”.

Cũng đồng tình với vấn đề này, PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho rằng: “Bỏ điểm sàn theo tôi thực chất không quan trọng, bởi thí sinh hiện nay rất có ý thức về vấn đề chọn ngành, chọn trường. Trong năm 2016, có nhiều thí sinh trên sàn không xét tuyển vào ĐH, CĐ”.

Riêng về việc bỏ điểm sàn ĐH, có gây khó khăn cho CĐ hay không thì ông Cao Hùng Phi cho là “không”. Ông Cao Hùng Phi giải thích: “Các năm vừa qua, nhiều thí sinh điểm trên sàn ĐH vẫn xét tuyển vào CĐ. Tôi thấy các em bây giờ quan tâm đến ngành nghề và cơ hội việc làm nhiều hơn”.

Dự thảo quy chế thi 2017 sẽ tạo điều kiện rộng hơn cho thí sinh khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển các ngành nghề ngay từ ban đầu và chỉ thực điều chỉnh sau khi thi. Thuận lợi thứ hai là thí sinh có thêm nhiều cơ hội trong việc xét tuyển vì không giới hạn số lượng nguyện vọng và số lượng trường đăng ký.

Tuy nhiên, có nhiều “cánh cửa” mở ra thì thí sinh phải biết liệu sức mình để tìm được “cánh cửa” phù hợp nhất. Đồng thời, việc các trường CĐ lo lắng sẽ khó tuyển sinh cũng là vấn đề cần được đặt ra.

 

Vấn đề mà nhiều phụ huynh và thí sinh băn khoăn là xét tuyển như thế nào cho hợp lý và dễ trúng tuyển? Nhiều lãnh đạo trường ĐH, CĐ cho rằng: Các em nên chọn 1 trường cao, 1 trường vừa và 1 trường thấp hơn kết quả thi là đủ để trúng tuyển, dĩ nhiên trong mỗi trường các em có thể chọn 1 hoặc 2 ngành yêu thích.

 

Năm 2017, khi xét tuyển các nguyện vọng bổ sung thí sinh phải sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Do vậy, các em phải thật sự cân nhắc khi ghi nguyện vọng.

 

  • ™Bài, ảnh: CAO HUYỀN