Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trung học: Nắm chắc để chọn đúng

Cập nhật, 21:11, Chủ Nhật, 25/12/2016 (GMT+7)

Chọn ngành học là quyết định quan trọng bởi nó ảnh hưởng lớn đến tương lai mỗi người. Tuy nhiên, nhiều học sinh (HS) chưa thật sự nhận thức cũng như chưa hiểu đúng bản chất của nghề nghiệp, đa số các em còn lựa chọn một cách mơ hồ, hay chọn nghề theo cảm tính.

Do đó, công tác hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến nhận thức của các em, đặc biệt là ở cấp THCS.

Công tác hướng nghiệp giúp các em có cái nhìn đúng hơn về nghề nghiệp trong tương lai. Trong ảnh: HS Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm sáng tạo và điều khiển robot.
Công tác hướng nghiệp giúp các em có cái nhìn đúng hơn về nghề nghiệp trong tương lai. Trong ảnh: HS Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm sáng tạo và điều khiển robot.

Cần hiểu đúng nghề nghiệp

Theo các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, muốn có nghề nghiệp hợp lý phải thỏa mãn cả 3 đỉnh của tam giác nghề. Đỉnh thứ nhất là đam mê, yêu thích, muốn sống chung cả đời với nghề nghiệp đó.

Thứ hai là năng lực, khả năng và thế mạnh của bản thân. Thứ ba là cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn, là sự hiểu biết về nhu cầu thị trường lao động…

Theo thầy Nguyễn Hồng Phước- Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiện nay, một bộ phận HS và phụ huynh ít quan tâm đến định hướng nghề nghiệp nên công tác hướng nghiệp trong nhà trường sẽ rất cần thiết và phát huy được hiệu quả.

Đối với bậc THPT, việc chọn ngành nghề để theo học đối với các em là hết sức quan trọng, là hành trang để các em bước vào đời.

Làm thế nào để các em nắm vững, nắm rõ về nghề nghiệp trong tương lai là trách nhiệm của công tác hướng nghiệp hiện nay.

Bộ GD- ĐT cũng đã quy định công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông, nhằm bồi dưỡng, hướng dẫn HS chọn nghề phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội.

Trong đó, sẽ giáo dục thái độ lao động và ý thức đúng đắn về nghề nghiệp; những kỹ năng, năng khiếu của từng em để khuyến khích, hướng dẫn và bồi dưỡng khả năng nghề nghiệp phù hợp nhất…

Chúng tôi có dịp tham dự một giờ hướng nghiệp của thầy Huỳnh Văn Năm- Hiệu trưởng Trường THCS Long Phước (Long Hồ).

Với chủ đề là nghề nghiệp trong xã hội, nhiều HS đã mạnh dạn giơ tay phát biểu và nói lên những hiểu biết của mình và những mong muốn định hình nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thầy Huỳnh Văn Năm cho biết, đối với bậc THCS, công tác hướng nghiệp trong nhà trường rất quan trọng vì định hướng cho các em trong dài hạn.

Từ đó, giáo viên, nhà trường sẽ có những tư vấn cụ thể từng trường hợp, và nhờ có hướng nghiệp trong nhà trường mà hiện nay, HS được tiếp cận thông tin về nghề nghiệp, giúp các em định hướng sau khi tốt nghiệp THCS, chọn đi học tiếp hoặc là học nghề, rút ngắn được thời gian học và tìm kiếm việc làm…

Hạn chế tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”

Theo thầy Huỳnh Văn Năm, định hướng nghề nghiệp ở bậc THCS sẽ giúp cho đề án phân luồng được thực hiện thành công.

“Trong quá trình dạy hướng nghiệp, giáo viên sẽ phân tích, đánh giá và định hướng trường hợp nào nên đi học tiếp bậc THPT, trường hợp nào nên đi học nghề, và học nghề gì phù hợp với điều kiện gia đình, nhu cầu của xã hội.

Cũng chính vì vậy, HS sẽ tin tưởng vào trường nghề hơn để chọn, phù hợp với năng lực của mình và giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội”- thầy chia sẻ.

Cũng theo thầy Huỳnh Văn Năm, khoảng 3 năm nay, công tác tư vấn hướng nghiệp của trường đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, số HS vào luồng nghề khoảng 18%, rất gần với mục tiêu của đề án là 20%.

Các em sau khi có chứng chỉ nghề sẽ bước vào con đường nghề nghiệp nhanh và tự tin hơn. Cũng có thể là tiếp tục theo đuổi bậc học cao hơn. Từ đó, hạn chế tình trạng hiện nay là “thừa thầy, thiếu thợ”.

Em Nguyễn Quốc Cường (xã Bình Phước- Mang Thít) cho biết: “Hiện em cũng đã hoàn thành xong chương trình CĐ nghề và chuẩn bị đi xuất khẩu lao động.

Nếu không có những tư vấn cụ thể như thế, có lẽ em và nhiều bạn khác không thể có định hướng rõ ràng, cũng chưa chắc đã có cái nghề trong tay”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, ở các nước phát triển, HS từ cấp tiểu học đã được tìm hiểu nghề nghiệp tương lai bằng cách tiếp cận thực tế ở các cơ sở sản xuất, nhà máy, doanh nghiệp, thậm chí là phòng thí nghiệm,… Đây được xem là cách định hướng nghề nghiệp hiệu quả nhất mà HS, phụ huynh, nhà trường cần quan tâm.

Hiện nay, việc sáp nhập Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên đã tạo điều kiện tốt, tháo gỡ một số vướng mắc trong công tác quản lý, phân luồng HS. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc hướng nghiệp cho HS không thể giao hẳn cho nhà trường mà cần có sự chung tay của phụ huynh HS. Từ đó, góp phần cho công tác hướng nghiệp trong nhà trường được hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY