Thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc từ lớp 3: Đừng đánh trống rồi... bỏ dùi

Cập nhật, 11:23, Thứ Năm, 29/09/2016 (GMT+7)

Bộ GD- ĐT đề xuất thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ 1 đang gây nhiều dư luận xã hội. Liệu việc triển khai giảng dạy các ngoại ngữ này có hiệu quả, khi mà dạy tiếng Anh hàng bao nhiêu năm qua vẫn chưa thật hiệu quả? Liệu có quá vội vàng và có nhiều khó khăn khi thực hiện…?

Thầy Phạm Trung Nghĩa-giảng viên môn Tiếng Anh Trường ĐH Cửu Long
Thầy Phạm Trung Nghĩa-giảng viên môn Tiếng Anh Trường ĐH Cửu Long

Sẽ thí điểm dạy thêm ngoại ngữ

Bộ GD- ĐT đề xuất xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung Quốc từ lớp 3 tới lớp 12 theo Khung Năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Theo lộ trình thực hiện từ năm 2017, Bộ GD-ĐT sẽ thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga, Trung Quốc như ngoại ngữ thứ 1.

Đối với tiếng Nhật, năm 2016- 2017, bắt đầu dạy học thí điểm tiếng Nhật trở thành ngoại ngữ thứ 1 từ lớp 3 trong trường phổ thông ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Đức sẽ được thực hiện thí điểm chương trình giảng dạy như ngoại ngữ thứ 2 từ năm học 2016- 2017…

Đối với tiếng Anh, thẩm định, ban hành chính thức chương trình ngoại ngữ phổ thông (10 năm). Khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động lựa chọn, xây dựng, áp dụng các tài liệu dạy học song ngữ. Đến năm 2019- 2020, có tối thiểu 3% học sinh tiểu học, 7% học sinh THCS và 20% học sinh THPT học bằng sách song ngữ.

Tiếp tục xây dựng và triển khai các chương trình dạy và học bằng ngoại ngữ đối với môn Toán và một số môn khoa học tự nhiên ở các trường THPT. Đến năm 2020, có 10% và đến năm 2015 có 20% học sinh THPT học môn Toán và một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh.

Khó thực hiện

Hiện nay, đề xuất của Bộ GD- ĐT đã gây nhiều luồng ý kiến, hầu hết vẫn cho việc thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc là ngoại ngữ thứ 1 thì quá vội vàng và rất khó triển khai trong thực tế.

Thầy Phạm Trung Nghĩa- giảng viên môn Tiếng Anh (Trường ĐH Cửu Long) cho biết, hiện nay, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chính của nhiều quốc gia trên thế giới và ở các nước như Nga hoặc Trung Quốc vẫn chọn tiếng Anh để đào tạo.

Do đó, Bộ GD- ĐT cần tập trung dạy tiếng Anh trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới: “Hiện tại, xét thực tế thì môn tiếng Anh vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn, làm sao để xây dựng một chương trình tiếng Anh chuẩn, giáo viên chuẩn và một môi trường sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ 2. Do đó, đòi hỏi ngành giáo dục cần phải tập trung cho ngoại ngữ này và dồn sức thực hiện”.

Thầy Nghĩa cũng cho rằng tiếng Nga, Trung Quốc chỉ nên là một ngoại ngữ lựa chọn cho ai thật sự có nhu cầu. “Không nên thực hiện quá vội vàng, cần có lộ trình cụ thể để thực hiện có hiệu quả, đồng tình từ phía dư luận và người học…”- thầy nói.

Còn chú Trần Minh Triết (xã Thanh Đức- Long Hồ) cho rằng, chương trình học hiện nay của bậc phổ thông đã quá nặng. Do đó, đưa thêm các môn ngoại ngữ như thí điểm của Bộ GD- ĐT chẳng khác nào càng gây áp lực cho học sinh. “Tôi cho rằng cần tập trung vào dạy tiếng Anh sao cho tốt để giao tiếp, làm việc. Còn các ngoại ngữ khác là sự lựa chọn thêm nếu có nhu cầu”- chú nói.

Hiệu trưởng một trường THPT ở Trà Ôn cũng cho biết, dạy thêm các môn ngoại ngữ này chỉ nên áp dụng ở các thành thị lớn, nơi một bộ phận học sinh có nhu cầu.

Hiện nay, chương trình học tiếng Anh của các em đã rất nặng nhưng hiệu quả chưa đến đâu và đó mới chính là vấn đề cần Bộ GD- ĐT giải quyết. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, hiện nay hơn 95% tài liệu khoa học, công nghệ, xã hội nhân văn được xuất bản bằng tiếng Anh thì nên để học sinh Việt Nam học tiếng Anh. Đó là chưa kể điều kiện tốt nghiệp ở nhiều ngành bậc ĐH, ngoại ngữ vẫn là môn tiếng Anh.

Học nhiều, áp dụng bao nhiêu?

Một trong những băn khoăn, lo lắng của dư luận là đưa vào chương trình học thì các ngoại ngữ đó được áp dụng như thế nào trong thực tế? Hay giống như “vệt bánh xe” của môn tiếng Anh, học nhiều nhưng không dùng được bao nhiêu.

Một cử nhân tiếng Pháp ở Phường 2 (TP Vĩnh Long) cho rằng, thực tế hiện nay tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất và là tiêu chuẩn để học tập, làm việc. “Ngay chính bản thân tôi là một cử nhân tiếng Pháp nhưng hiện không sử dụng được cho công việc, càng lúc càng mai một dần và hiện đang phải đi học thêm tiếng Anh…”

Trong khi đó, thầy Phạm Trung Nghĩa cho biết, học sinh học tiếng Anh trong trường phổ thông và cả sinh viên ĐH hiện nay rất ít có môi trường sử dụng. Cho nên, dù có học nhiều, học giỏi cũng không thể giao tiếp, sử dụng trong thực tiễn. Vậy, cái cần giải quyết ở đây là ngành giáo dục phải làm sao để “học đi đôi với hành”, chứ không nên “ôm đồm” phổ cập nhiều ngoại ngữ để rồi… đánh trống bỏ dùi.

Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD- ĐT nên tập trung cho môn tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng quốc tế.Ảnh minh họa

 

Hiện nay, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chính của nhiều quốc gia trên thế giới, và ở các nước như Nga hoặc Trung Quốc vẫn chọn tiếng Anh để đào tạo. Do đó, Bộ GD- ĐT cần tập trung dạy tiếng Anh trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

 

Việc học một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh cũng là cần thiết. Tuy nhiên, tiếng Anh đã mang tính chất phổ biến như một công cụ giao tiếp quốc tế, do đó, nên xem xét các ngoại ngữ khác như tiếng Nga, tiếng Trung hay tiếng Hàn, tiếng Nhật chỉ là ngoại ngữ thứ 2 tự chọn chứ không nên bắt buộc.

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN