Vui như những ngày đầu xét tuyển

Cập nhật, 15:19, Thứ Tư, 03/08/2016 (GMT+7)

Những ngày đầu tiên nhận hồ sơ xét tuyển, chúng tôi chạy quanh 6 trường ĐH, CĐ ở TP Vĩnh Long từ sáng sớm để cảm nhận sự quan trọng của việc học.

Những chiếc áo xanh đã có mặt tầm 6 giờ sáng và thí sinh cùng cha mẹ cũng đã có mặt khá đông trước cổng trường. Tin rằng, Vĩnh Long năm nay sẽ có được một mùa tuyển sinh “bội thu” không chỉ vì số lượng mà vì thí sinh đã biết chọn lựa con đường thuộc về mình.

Xét tuyển những ngày đầu đông đúc, ồn ào nhưng trật tự và nhanh chóng.
Xét tuyển những ngày đầu đông đúc, ồn ào nhưng trật tự và nhanh chóng.

“Trường sẽ làm việc đến hết hồ sơ”

Ngay khi các bạn tình nguyện viên và giảng viên của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long chuẩn bị bàn ghế cho ngày nhận hồ sơ đầu tiên thì nhiều thí sinh đã có mặt trước cổng trường.

TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng- có mặt từ 6 giờ sáng, đã mời các em và người thân yên tâm đi ăn sáng “Mọi người cứ ăn sáng, chúng tôi sẽ nhận đến hết hồ sơ, không nghỉ trưa và không sợ hết giờ”.

Ngay sau đó, trường bắt đầu hướng dẫn và nhận hồ sơ của thí sinh. Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cũng có khá đông thí sinh, tranh thủ lúc thí sinh ghi hồ sơ, một nhân viên tiếp nhận đem ổ bánh mì ra ăn vài miếng, cười: “6 giờ sáng đã có thí sinh tới nên ăn không kịp”.

Trường ĐH Cửu Long cũng có khá đông thí sinh đến nộp hồ sơ ngay ngày đầu tiên. Ths. Nguyễn Cao Đạt- Phó Hiệu trưởng trường- nói: “Mong tình hình sẽ tốt hơn năm trước”.

Tại các trường như CĐ Cộng đồng Vĩnh Long, CĐ Sư phạm Vĩnh Long và CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long, tuy không có nhiều thí sinh như các trường ĐH nhưng cán bộ vẫn không ngơi tay vì thí sinh vào liên tục.

Trường CĐ Sư phạm đắc hồ sơ ngành giáo dục mầm non, trong khi CĐ Kinh tế- Tài chính có nhiều thí sinh nộp ngành kế toán và CĐ Cộng đồng hút hàng các ngành thực phẩm và thú y.

Cùng cha và anh họ rời khỏi phòng nộp hồ sơ, em Phạm Nguyễn Tiểu Khang (Vũng Liêm) cho biết: “Em và cha lên đây từ sớm, được anh bà con đón rồi đưa đến đây nộp hồ sơ. Em chọn ngành này vì sở thích và chọn hệ CĐ vì thấy khó có khả năng đậu ĐH”.

Ngồi ôm gối chờ con trai là Mai Quốc Cường nộp hồ sơ, chú Mai Ngọc Toàn (xã Hòa Bình- Trà Ôn) vui vẻ: “Cha con tui hừng sáng đã tới đây rồi. Nó chọn học xây dựng. Tui là thợ hồ lúc nó thi xong đã dẫn nó đi làm hồ một chặp”.

Quốc Cường có chị đang là sinh viên Trường ĐH Cần Thơ năm thứ 2, với điểm tổ hợp khối A là 18,6, Cường tự tin đậu vào ngành này vì cao hơn điểm chuẩn năm trước 3,6 điểm. Đối với chú Toàn thì “tui đang đợi hỏi học phí bao nhiêu để biết đường tính”.

Cuối buổi chiều ngày đầu nhận hồ sơ, tình nguyện viên ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long ra về muộn, một áo xanh cười “em nói chuyện hết muốn ra tiếng rồi”.

“Em biết sức của mình”

Ồn ào, náo nhiệt nhưng trật tự là những gì chúng tôi nghe thấy được ở các trường ĐH, CĐ ở Vĩnh Long trong những ngày đầu. Càng vui hơn khi thí sinh đã biết chọn ngành, chọn trường và có định hướng rõ ràng cho bản thân, hiểu rõ ngành nghề mình đang xét tuyển.

Cùng cha ra xe để chuẩn bị về Càng Long (Trà Vinh), em Nguyễn Thị Huyền An cẩn thận kiểm tra lại giấy tờ, An nói: “Em chọn ngành kế toán vì em nghĩ đầu ra ngành này đa dạng, em cũng có xét tuyển hệ CĐ của ĐH Trà Vinh”.

Huyền An cũng đã có hỏi về mức học phí của 2 trường và nếu đậu cả hai sẽ chọn học ở Vĩnh Long. An chia sẻ: “Cái em thích ở đây là môi trường học tập, sinh sống”.

Đi vòng quanh khu vực tuyển sinh, thầy Cao Hùng Phi cho biết: “Đã có khoảng 200 em nộp hồ sơ. Trong đó, có những em trên 25 điểm nộp vào ĐH hệ sư phạm kỹ thuật”.

Hai anh em Phạm Thanh Sang và Phạm Minh Phương đang chờ đến lượt nộp hồ sơ, Minh Phương nói “Em khoái ngành cơ điện tử”.

Thanh Sang là sinh viên năm cuối Trường CĐ Nghề An Giang, Sang nói thêm: “Em hướng dẫn thằng em chọn trường này vì cũng có nghe và có tìm hiểu rồi. Còn ngành gì là tùy nó”.

Sắp tới, Sang định đi làm để lo cho em đồng thời vừa học liên thông lên ĐH tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long. Minh Phương nói: “Đợi ngày 13/8 xem kết quả, nếu đậu là em đi nộp phiếu điểm và tìm nhà trọ liền”.

Em Trần Thị Mỹ Ngọc (huyện Lấp Vò- Đồng Tháp) đang hí hoáy viết hồ sơ vào ngành xây dựng ở Trường ĐH Xây dựng Miền Tây.

Ngọc cười “Em nghĩ kỹ rồi, em thích ngành này và nữ cũng học xây dựng được mà”. Ngọc còn cho biết thêm bạn không nộp thêm bất cứ trường nào vì đã xác định học ở đây và “tự tin chắc đậu”.

Trong khi đó, em Trần Tuyết Vân chọn CĐ giáo dục mầm non vì yêu trẻ và mê làm cô giáo. Trong lúc Vân đi đóng tiền, Huỳnh Mai- chị của Vân- nói: “Em vừa tốt nghiệp ĐH Đồng Tháp ngành sư phạm mầm non nhưng không hướng em gái xét theo vì điểm thi của Vân dưới chuẩn, vào CĐ thì được rồi từ từ học liên thông lên”.

Chọn ngành theo sở thích, năng lực của mình, chọn trường vừa tầm để có khả năng đậu cao là điều mà nhiều thí sinh đã và đang làm được. Tin rằng, 2016 sẽ là một mùa tuyển sinh khả quan hơn những năm gần đây.

 

 

Bộ GD- ĐT công bố tổng hợp chỉ tiêu đào tạo ĐH hệ chính quy cả nước theo vùng miền và từng cơ sở giáo dục ĐH khối dân sự. Đây là chỉ tiêu tính theo năng lực tối đa của các cơ sở giáo dục ĐH đã đăng ký thực hiện năm 2016. Để đảm bảo chất lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục ĐH không được tuyển vượt quá chỉ tiêu này. Các khối ngành được phân chia như sau:

1. Khối ngành I (30.782 chỉ tiêu): Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.

2. Khối ngành II (5.422 chỉ tiêu): Nghệ thuật.

3. Khối ngành III (134.594 chỉ tiêu): Kinh doanh và quản lý, Pháp luật.

4. Khối ngành IV (13.986 chỉ tiêu): Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên.

5. Khối ngành V (135.327 chỉ tiêu): Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y.

6. Khối ngành VI (24.925 chỉ tiêu): Sức khỏe.

7. Khối ngành VII (75.318 chỉ tiêu): Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Khách sạn- du lịch- thể thao và dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Môi trường và bảo vệ môi trường, An ninh quốc phòng.

Tổng cộng có 420.354 chỉ tiêu. Trong năm 2016, có khoảng 880.000 thí sinh dự thi.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN