Lạc hậu việc khen thưởng, kỷ luật học sinh?

Cập nhật, 05:13, Thứ Tư, 02/12/2015 (GMT+7)

Thông tư 08 về khen thưởng, kỷ luật học sinh (HS) của Bộ GD- ĐT được ban hành vào ngày 21/3/1988. Như vậy, sau 27 năm, liệu thông tư này có lạc hậu so với tình hình thực tế?

Những quy định về khen thưởng, kỷ luật HS đang lạc hậu, cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế (ảnh minh họa).
Những quy định về khen thưởng, kỷ luật HS đang lạc hậu, cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế (ảnh minh họa).

Chưa phù hợp và đủ sức răn đe

Sau 27 năm, hiện Thông tư 08 của Bộ GD- ĐT khiến các trường lúng túng trong thực hiện. Mặc dù đây vẫn là cơ sở pháp lý cao nhất để các trường áp dụng song các quy định cũng không cập nhật, thay đổi tương ứng trong tình hình hiện nay, trong từng trường, đặc biệt là tâm lý HS.

Thông tư hướng dẫn cụ thể 7 mức khen thưởng và 5 mức kỷ luật, trong đó phần kỷ luật lần lượt là khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật, cảnh cáo toàn trường, đuổi học một tuần và đuổi học một năm.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Phước- Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, theo quy định thì đã có những “lạc hậu” nhất định. Ví dụ khen trước lớp nếu tham gia đầy đủ các buổi lao động của trường, hay khiển trách trước lớp khi đi lao động không mang theo đầy đủ dụng cụ. Trong khi hiện nay rất ít trường còn tổ chức lao động cho HS.

Trong khi đó, lãnh đạo một trường THPT cho rằng, hình thức kỷ luật như khiển trách trước lớp với các hành vi nói tục, đánh bạc, nghỉ học nhiều buổi,… đã không đủ sức răn đe trong điều kiện thực tế hiện nay. Hình thức này rất nhẹ, rất dễ tạo nên tâm lý vi phạm nhiều lần trong HS, vì cùng lắm là khiển trách.

Áp dụng Thông tư 08 đối với trường hợp HS cụ thể, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Phước dẫn chứng, các trường hợp như: HS xăm mình, tóc xanh tóc đỏ vào trường thì thế nào hoặc quy định hình thức xử lý khi học sinh lên mạng nói xấu nhau, sử dụng các mạng xã hội như Facebook để chê bai, đả kích thầy cô, thách thức nhau, đánh bài, trao đổi chất kích thích, vi phạm an toàn giao thông, cá độ, quay clip đánh nhau tung lên mạng... thì sẽ xử lý ra sao (theo Thông tư 08). Trong khi những hành vi này hiện nay xảy ra rất nhiều, nhưng việc tìm hiểu và xử lý đều rất khó.

Hay như hình thức khen thưởng, quy định quá cũ thay vì giao cho trường tự chủ để có thể khen thưởng giữa học kỳ, khen thưởng từng đợt với các hình thức khen thưởng vượt lên chính mình, khen hạng nhất, nhì, ba lớp như hiện nay.

Cần có những điều chỉnh

Từ trước đến nay, những biện pháp thường được áp dụng với những HS có hành vi vi phạm là viết kiểm điểm, mời phụ huynh, trừ điểm thi đua, cảnh cáo và nặng nhất là đuổi học. Trong Thông tư 08, đuổi học 1 năm là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, hình thức đuổi học chỉ là biện pháp cuối cùng, nếu cứ áp dụng hình thức kỷ luật đuổi học thì chỉ thể hiện sự bất lực của giáo dục.

Theo quan điểm của lãnh đạo một trường THPT trên địa bàn TP Vĩnh Long, các biện pháp như kiểm điểm, mời phụ huynh hay đuổi học hầu như không phát huy được hiệu quả như mong muốn, không giúp HS nhận ra cái sai của mình mà thậm chí còn khiến các em thêm bất mãn, chán chường, mặc cảm, xấu hổ với bạn bè.

Cũng theo lãnh đạo này, nếu được đề xuất, sẽ đề xuất “trường hợp HS vi phạm, phải làm lao động công ích. Ngoài giờ học, các em phải làm những công việc nhất định dưới sự giám sát của các thầy cô và chỉ khi nào kết quả lao động tốt, hình phạt mới chấm dứt. Có như vậy, HS mới có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức. Nhưng muốn làm được điều đó thì phải có văn bản quy định cụ thể”.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Phước, đối với HS vi phạm quy định, kỷ luật nặng là điều cần thiết để tăng tính răn đe, song việc lựa chọn hình thức nào cần cân nhắc kỹ lưỡng, có xem xét đến hoàn cảnh sống cụ thể của từng em. “Theo tôi, cần kiên trì uốn nắn, nhắc nhở thường xuyên, biết khen thưởng và động viên kịp thời thì các em sẽ tốt lên, kiên trì các biện pháp giáo dục, uốn nắn là chính. Đuổi học là biện pháp cuối cùng. Phải có quyết tâm lấy giáo dục làm chính, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật”- thầy nói.

Trong Thông tư 08, đuổi học 1 năm là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất. Có ý kiến cho rằng, sau 1 năm bị đuổi học, HS mất hẳn một giai đoạn học tập, khi đi học lại (nếu có) cả thầy và trò đều gặp khó khăn. Hơn nữa, trong khoảng thời gian bị đuổi học, các em lại dễ sinh tâm lý chán nản, dễ đi vào những đường hướng tiêu cực trong xã hội đang ngày càng phát triển...

 

 

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN