10 năm- một chặng đường giáo dục hòa nhập

Cập nhật, 07:48, Thứ Tư, 30/12/2015 (GMT+7)

Lấy giáo dục hòa nhập (GDHN) làm chủ yếu là phương pháp giáo dục cho người khuyết tật có hiệu quả nhất và mang tính nhân văn sâu sắc. Trải qua 10 năm thực hiện, GDHN ở tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều chuyển biến rất đáng ghi nhận.

GDHN là một phương pháp giáo dục người khuyết tật có hiệu quả nhất vừa mang tính nhân văn.
GDHN là một phương pháp giáo dục người khuyết tật có hiệu quả nhất vừa mang tính nhân văn.

Hòa nhập với cộng đồng

Năm 2005, Sở GD- ĐT đã chỉ đạo cho Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long từng bước chuyển đổi thành Trung tâm Hỗ trợ phát triển GDHN của tỉnh để làm sao cho trẻ học ngày càng nhiều hơn và hiệu quả hơn, để giúp trẻ hòa nhập cộng đồng. Năm 2007, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành quyết định thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển GDHN trẻ khuyết tật trực thuộc Sở GD- ĐT.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Hứa Minh Tâm, hàng năm, nhân Tháng hành động vì trẻ em, ngành GD-ĐT đã phối hợp ngành lao động, thương binh và xã hội thực hiện Tháng hành động vì trẻ em có lồng ghép về GDHN, vận động tuyên truyền để cha mẹ hiểu chủ trương của Nhà nước, từ đó tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật ra lớp. Ngoài ra, chỉ đạo cho bộ phận phổ cập giáo dục tiến hành điều tra rà soát, phát giấy mời học sinh trong độ tuổi đến lớp trong đó có trẻ khuyết tật. Các em được ra lớp từ bậc học mầm non đến tiểu học, THCS.

Trải qua 10 năm, từ năm học 2004- 2005 đến nay, tỷ lệ trẻ khuyết tật được đến lớp, hòa nhập với cộng đồng ngày càng được nâng lên. Cụ thể, năm học 2004- 2005 có trên 2.800 trẻ khuyết tật, nhưng chỉ có khoảng 40% số trẻ được đến lớp. Đến năm học 2014- 2015 đã gần 75%.

Theo Phó Giám đốc Hứa Minh Tâm, qua 10 năm thực hiện, một kế hoạch tổng thể về phát triển GDHN đã được xây dựng. Trẻ em khuyết tật đã được nhập học cùng với những trẻ em không khuyết tật tại cộng đồng của mình, được tạo cơ hội để tham gia, học kiến thức và các kỹ năng xã hội. Qua đó, các em đã trở nên tự tin hơn sau khi đến trường.

Trẻ em được can thiệp sớm đã có nhiều tiến bộ về giao tiếp, đi lại, tương tác với những trẻ em khác. Nhiều em cũng đã có chuyển biến tốt về hành vi. Đồng thời, từng bước nâng cao nhận thức cộng đồng về nhu cầu và tiềm năng của trẻ khuyết tật đã thay đổi trong nhận thức và thái độ từ miễn cưỡng đến sẵn sàng…

GDHN: Mang tính nhân văn sâu sắc

Phương pháp GDHN thật sự mang tính nhân văn sâu sắc, không chỉ để các em hòa nhập cộng đồng mà còn phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát mà các em, các bậc phụ huynh phải chịu.

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Vũng Liêm Lê Thị Ngọc Danh cho biết, nhiều học sinh khuyết tật lúc mới vào lớp chỉ là con số “0” tròn trĩnh, khi các em không nhận thức được, không thực hiện được một số hành vi đơn giản.

Tuy nhiên, sau khi vào học, được sự quan tâm của các thầy cô mà các em có thể viết chữ, biết đọc thơ, ca hát. “Có em tuy có khuyết điểm về vận động, trí óc nhưng sau khi vào lớp cũng đã nhận thức được mình là một học sinh, biết lễ phép, biết thưa giáo viên khi vào lớp và ra về. Đó thật sự là niềm hạnh phúc lớn lao của những người làm công tác giáo dục”- cô Danh cho biết.

Trong khi đó, thầy Lê Quốc Sĩ- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Trai (Vũng Liêm) cho biết, nhà trường có 2 học sinh khuyết tật được GDHN.

Với nghị lực lớn, 2 em đều hoàn thành tốt các bài học, thậm chí có môn còn học tốt hơn so với các bạn khác: “Điều quan trọng nhất trong GDHN chính là sự hòa nhập cộng đồng, với lớp học, với thầy cô, bạn bè. Các em không tự ti, e dè mà vẫn sinh hoạt cùng tất cả các bạn. Thậm chí, có em còn có nhiều bạn thân. Đó là điều thành công nhất đối với giáo viên, nhà trường cũng như chương trình GDHN…”

Chị Nguyễn Phượng Oanh- phụ huynh của một trẻ khuyết tật đang theo học chương trình GDHN tại Trường THCS thị trấn Vũng Liêm cho biết, hòa nhập với cộng đồng đã giúp cho con chị học tập tốt, biết đọc, biết viết, biết vui đùa với tất cả các bạn. Điều quan trọng hơn nữa là đã tạo một động lực lớn cho con say mê học tập, gắn bó với trường, với lớp…

 

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển GDHN trẻ khuyết tật- Hứa Minh Tâm: Vĩnh Long đã lập một kế hoạch tổng thể về phát triển GDHN. Các em đã trở nên tự tin hơn sau khi đến trường. Trẻ em được can thiệp sớm đã có nhiều tiến bộ về giao tiếp, đi lại, tương tác với những trẻ em khác. Nhiều em cũng đã có chuyển biến tốt về hành vi…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY