Mô hình trường học mới- Vnen

Cập nhật, 13:46, Thứ Năm, 24/09/2015 (GMT+7)

Năm học 2015- 2016, tỉnh Vĩnh Long triển khai mô hình trường học mới (VNEN) lần đầu tiên ở bậc trung học tại Trường THCS Tân Lược (huyện Bình Tân). Qua đó, hiệu quả tích cực trong giáo dục tiếp tục được duy trì từ cấp tiểu học, nhưng để phát huy hơn nữa, cũng còn một số việc để làm…

Duy trì hiệu quả tích cực

Vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết để đạt được mục đích của mô hình. Trong ảnh: Một lớp học Trường THCS Tân Lược.
Vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết để đạt được mục đích của mô hình. Trong ảnh: Một lớp học Trường THCS Tân Lược.

Theo các giáo viên tại Trường Tiểu học Tân Lược B, chương trình giúp các em nhạy bén, linh động, sáng tạo trong học tập. Đồng thời cũng giúp các em giao tiếp trong lớp học, với thầy cô giáo được mạnh dạn hơn…Tại Vĩnh Long, ở bậc tiểu học mới được triển khai VNEN tại Trường Tiểu học Tân Lược B từ năm học 2012- 2013. Sách ở các môn chính là sách mới với chương trình dành riêng cho VNEN, giáo viên không cần soạn giáo án mà dựa vào sách để dạy. Học sinh (HS) dựa vào sách mà làm việc cá nhân, nhóm hay cả lớp. Bên cạnh đó, cách sắp xếp lớp học, các góc sinh hoạt trong lớp học cũng được thay đổi để phù hợp với mô hình.

Việc triển khai mô hình mới năm nay chuyển sang bậc trung học tại Trường THCS Tân Lược với 2 lớp 6, gồm 87 HS. Đây là những HS chuyển cấp từ Tiểu học Tân Lược B.

Năm học 2015- 2016 là năm học đầu tiên triển khai mô hình VNEN ở bậc trung học. Trong ảnh: Học sinh học nhóm tại Trường Tiểu học Tân Lược B.
Năm học 2015- 2016 là năm học đầu tiên triển khai mô hình VNEN ở bậc trung học. Trong ảnh: Học sinh học nhóm tại Trường Tiểu học Tân Lược B.

Theo thầy Lê Minh Tuấn- Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lược thì các em khi bước vào lớp 6, đã thích ứng rất nhanh. Việc tổ chức lớp học như bầu các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản, các trưởng ban, nhóm,… đều do các em tự làm. “Có thể thấy, các em đã quen với mô hình từ cấp dưới, vai trò của các chức danh là rất quan trọng trong quá trình học tập, sinh hoạt lớp. Rõ ràng hơn, các em mạnh dạn trong phát biểu, giao tiếp và dần hình thành tính độc lập, tự tin trong xử lý vấn đề”.

Giáo viên phụ trách các lớp theo mô hình đã được cử đi tập huấn tại TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, nên việc triển khai cũng thuận lợi và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Cô Võ Thị Cẩm Tú- Chủ nhiệm lớp VNEN 6AM1 của trường cho biết, các em đã thay giáo viên làm những công việc đầu năm như bầu ban cán sự lớp. Bao gồm cả việc tự ứng cử chức danh, giới thiệu, tự làm phiếu bầu cử. Hay những tiết dạy ở các môn học, sau khi nhận đề bài, các em trưởng nhóm cũng tự ý thức triển khai cho nhóm, cùng tìm hiểu và giải quyết vấn đề. “Đối với mô hình này, nếu giáo viên làm tốt vai trò, vận dụng tất cả các phương pháp giáo dục cùng với nhận thức tốt của HS sẽ càng trở nên hiệu quả, đúng với mong muốn”- cô Tú nhận xét.

Có một số việc để làm

Điểm nhấn của VNEN là phát huy tối đa tính sáng tạo, phát huy tính tự học của HS. Theo đánh giá của Bộ GD- ĐT, VNEN là mô hình tổ chức lớp học phù hợp với phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hướng tới các mục tiêu đổi mới sư phạm, đổi mới phương pháp dạy và nhấn mạnh đổi mới phương pháp học.

Tuy nhiên, sau hơn 2 tuần triển khai, ngoài những mặt tích cực được ghi nhận, một số vấn đề cũng cần giải quyết trong quá trình dạy và học, nhằm duy trì hiệu quả của mô hình. Thầy Lê Minh Tuấn cho biết, sách dành cho mô hình là sách có nhiều điểm mới, trong đó có các liên môn như: Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý). Trong khi giáo viên bậc THCS chỉ được đào tạo 1 môn chuyên. Do đó, đối với các môn liên môn, các giáo viên phải cùng nhau thảo luận, thống nhất rồi chia tiết để dạy. Điều này cần được giải quyết trong thời gian tới, cho phù hợp với chương trình của Bộ GD- ĐT.

Trong khi đó, sĩ số lớp đông cũng gặp một số trở ngại, nhất là trong việc quản lý lớp. Trong cùng một lớp hay trong nhóm học, mức độ kiến thức và kỹ năng của em không đồng đều, việc theo dõi từng HS của giáo viên cũng trở nên nặng nề hơn.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà theo các giáo viên là việc các em có ý thức được việc ghi hay không ghi bài học vào vở. Cô Võ Thị Cẩm Tú chia sẻ, trong một nhóm học, một vài em không theo kịp thì sẽ “giao hết” hoạt động cho nhóm trưởng. Các em này cũng không ghi bài học, hoặc lợi dụng thảo luận để chơi đùa. Điều này rất dễ dẫn đến việc các em mất kiến thức, không theo kịp bạn bè, đi ngược lại với mục đích của mô hình.

“Theo đánh giá, hiện trong nhóm học có khoảng 50% HS giỏi thật sự trong cả kiến thức lẫn giao tiếp. Còn lại, giáo viên sẽ phải vất vả nhắc nhở. Chúng tôi cũng ra quy chế là mỗi khi hoàn thành bài tập của nhóm, thì bắt buộc tất cả thành viên phải có ghi chép đầy đủ mới gọi là hoàn thành. Việc ghi chép nhằm giúp các em ôn lại bài cũ tốt hơn”- cô Tú cho biết.

Theo một số ý kiến, mô hình VNEN triển khai ở bậc trung học sẽ phát huy hơn nữa tính hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, cụ thể tại Trường THCS Tân Lược, ngoài những vấn đề cần giải quyết trong năm đầu triển khai thì việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học,… là cần thiết để phục vụ dạy và học.

 

Bài, ảnh: KHÁNH DUY