Tân sinh viên và hành trang đến giảng đường

Cập nhật, 10:27, Thứ Sáu, 29/08/2014 (GMT+7)


Làm việc theo nhóm là một trong những việc tân sinh viên cần làm quen.

Hiện nay, các tân sinh viên (SV) đang chuẩn bị nhập học. Môi trường mới sẽ có nhiều khó khăn, thử thách bởi đại học (ĐH), cao đẳng không phải là… lớp 13! Để chuẩn bị hành trang bước vào môi trường mới, các bạn cần có những kiến thức, kỹ năng sống… để thích ứng.

Không phải là lớp 13

Đối với các tân SV xa quê lên thành phố trọ học thì chút hụt hẫng, khó khăn ban đầu là khó thể tránh khỏi. Nếu không có một hành trang vững vàng các bạn có thể sa ngã dẫn đến học kém và bỏ học.

Bạn Bùi Diễm Phúc- cựu SV Trường ĐH Cần Thơ- cho biết: “Hồi học phổ thông, tôi chưa từng xa nhà một ngày nên những ngày đầu một mình giữa Cần Thơ hụt hẫng lắm. Mỗi lần điện về nhà là khóc”.

Rồi cũng quen, Phúc có thêm những người bạn cùng lớp, cùng phòng để sẻ chia trong cuộc sống. “Ở nhà nhờ cha mẹ, ra đường nhờ bạn bè mà! ĐH không phải là lớp 13, nghĩa là cách học cách tiếp thu sẽ khác so với phổ thông. Chương trình học theo tín chỉ, mỗi môn học ở 1 phòng khác nhau và một lớp học có thể có đến 300 SV. Do đó, đòi hỏi SV phải tập trung và không học vẹt”- Phúc chia sẻ.

Không làm quen được cách học mới, nhiều SV thường có kết quả học tập kém. “Học kỳ đầu là học kỳ học để rút kinh nghiệm tìm ra hướng học tập thích hợp nếu kết quả thấp, các bạn cũng đừng nản”- bạn Ngô Quốc Anh- cựu SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nói.

Chuyện tự nấu ăn khi xa nhà cũng là một chuyện khó cho nhiều bạn trẻ. Chưa từng nấu một bữa cơm “ra trò” nên chuyện nấu ăn một mình đối với Đặng Huỳnh Như (Tam Bình) như một “cực hình”. Ban đầu, Huỳnh Như nấu những bữa ăn mà “dám nấu chứ không dám ăn” nhưng Như đã học hỏi từ bạn bè cùng phòng và dần nâng cao tay nghề.

Như cười tươi: “Tôi từng định ăn cơm tiệm suốt 4 năm ĐH luôn nhưng anh trai khuyên ráng làm quen để thích ứng chứ ăn tiệm hoài sao chịu nổi” và rút ra bài học: “Cố gắng học tập, việc gì bạn bè làm được thì mình cũng làm được”.

“Hòa nhập nhưng không hòa tan”

Ngoài việc học, SV còn có những hoạt động phong trào, hoạt động vui chơi với bạn bè,… Cái nào cần, cái nào không và sao cho dung hòa để vừa có kiến thức vừa có kỹ năng khi ra trường!

Bạn Lý Thanh Hương hiện là một nhân viên khá thành công trong lĩnh vực truyền thông ở TP Hồ Chí Minh. Thời SV, Thanh Hương không chỉ học tốt mà còn hoạt động phong trào mạnh. Theo Hương, quan trọng nhất là sự tự tin, năng động của tuổi trẻ.

Ngoài ra, các bạn cần trang bị cho mình cách phân bố thời gian khoa học vì việc sinh hoạt đội nhóm sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc học. Phải biết bố trí hợp lý để không làm ảnh hưởng chất lượng học tập.

“Chọn bạn mà chơi là chuyện đặc biệt quan trọng”- Bùi Diễm Phúc nhấn mạnh. Theo Phúc, SV thường học hỏi ở bạn bè nên chọn các bạn cùng hoàn cảnh, ham học, ít đua đòi. “Thấy các bạn chơi chung học giỏi, mình cũng cố gắng để giỏi như bạn”. Nếu chọn nhằm bạn xấu, có thể ảnh hưởng làm sa sút việc học.

Song song đó, tân SV cần học cách sống tự lập, biết giữ gìn sức khỏe của bản thân và chi tiêu hợp lý. Trước mắt, các bạn nên sắm sửa những thứ thật sự cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày, phải cân nhắc kỹ cái gì cần thiết, không cần thiết.

Ngoài ra, các bạn còn cần một số kỹ năng giao tiếp, thích nghi và hòa đồng với bạn bè. Lần đầu tiên sống trong một môi trường mới không phải nhà mình. “Trước tiên, cần xác định tư tưởng sống vì tập thể, tôn trọng bạn bè và chi tiêu tiền bạc phải rõ ràng”- Thanh Hương nói thêm.

Nguyễn Thanh Ngọc- cựu SV Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh thì cho rằng để “tồn tại” trong môi trường ĐH, một SV cần “biết làm việc đội nhóm, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và thể thao để khẳng định bản thân và rèn luyện kỹ năng giao tiếp, biết sống hòa đồng và linh hoạt”.

Những trường hợp được miễn, giảm học phí tân SV cần biết

Nghị định 49 của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng không phải đóng học phí là SV sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm để đạt chuẩn nghề nghiệp.

Đối tượng được miễn học phí: Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; SV mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật hoặc khó khăn về kinh tế; học sinh, SV hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên);

học sinh trường dân tộc nội trú, trường dự bị ĐH, khoa dự bị ĐH; học sinh, SV học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định; SV học chuyên ngành Mác- Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh theo Quyết định số 494/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ; học sinh, SV học chuyên ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y, pháp y tâm thần.

Đối tượng được giảm học phí, các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: học sinh, SV các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số ngành học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề.

Các đối tượng được giảm học phí 50% bao gồm: học sinh, SV là con cán bộ, công nhân viên chức mà cha mẹ bị tai nạn lao động, hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN