GS Ngô Bảo Châu: Triển khai toán ứng dụng ở Việt Nam đã hé mở

Cập nhật, 07:16, Thứ Hai, 26/08/2013 (GMT+7)

Hai năm hoạt động của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) đã được sơ kết bằng cuộc hội thảo do GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc điều hành VIASM chủ trì.

Cuộc hội thảo kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ dường như vẫn chưa đủ để những người làm khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đủ thấy thỏa mãn. Tất cả ý kiến đều đi thẳng vào những khó khăn và giải pháp nâng tầm vị thế Toán học Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như việc thu hút người tài, triển khai toán ứng dụng ở Việt Nam như thế nào.

GS Ngô Bảo Châu chủ trì buổi hội thảo.

Làm toán ứng dụng thực sự rất khó

GS Nguyễn Hữu Dư, Thư ký HĐ Khoa học, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, các chính sách theo kiểu “sáng nắng chiều mưa”, đặt ra câu hỏi rất lớn cho toán ứng dụng.

Tất cả các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản đều gặp khó khăn khi áp dụng vào các lĩnh vực tự nhiên, kinh tế xã hội ở Việt Nam, bởi nó đòi hỏi tính ổn định về mô hình, độ chân thật về cơ sở dữ liệu cũng như nhu cầu thực tế ở đơn vị. Ở Việt Nam chưa nơi nào đáp ứng được 3 yêu cầu đó. Bên cạnh đó, muốn áp dụng được toán trong lĩnh vực thực tế trước hết phải hiểu sâu sắc lý thuyết, không thể hiểu láng máng.

Có bài toán hiện nay mọi người đang tìm cách giải quyết nhưng chưa thấy các nhà toán học tham gia vào, đó là điều hành những hồ chứa nước, nhất là trong mùa bão lụt và dự báo thời tiết, GS Phạm Kỳ Anh tới từ Khoa Toán (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc Gia Hà Nội) đề cập.

Giáo sư dẫn chứng năm 2006 cơn bão Chanchu đổ vào Việt Nam, toàn bộ các nhà khí tượng dự báo sai khiến hơn 200 người chết. Hay như trận lụt năm 2008, lúc đó mô hình HRM dự báo sai hoàn toàn…

Lý giải cho sự sai lệch nghiêm trọng này, GS Phạm Kỳ Anh cho rằng, hầu hết người làm về khí tượng thủy văn đều lấy mô hình từ nước ngoài và họ cho rằng, dự báo sở dĩ chưa đúng là do năng lực của máy tính nhưng thực ra mô hình có vấn đề.

Việc dựa vào các mô hình tổ hợp của quốc tế chưa chắc đúng hoàn toàn với điều kiện Việt Nam. Phần toán học như vấn đề đồng hóa dữ liệu ở đây rất quan trọng vì đó là mô hình của nước ngoài, khi đưa dữ liệu của Việt Nam vào thì phải có sự đồng hóa.

Một khó khăn khác khi triển khai ứng dụng khoa học cơ bản ở Việt Nam là người làm khoa học phải làm từ A đến Z. Để hoàn thành một dự án nhà khoa học phải biết làm cả kế toán, quản lý tài chính công…; không có sự phân chia mảng bởi thiếu sự đồng bộ, TS Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia Hà Nội trăn trở.

Hơn nữa, cách dạy Toán hiện nay của chúng ta khiến người học sau này khó có thể làm toán ứng dụng. “Nhiều nước trên thế giới không dạy Toán như vậy, họ định hướng tư duy từ nhỏ cho người sau này làm toán ứng dụng. Ngay cả toán lý thuyết, tôi làm cuộc khảo sát nhiều sinh viên khoa Toán và có cảm giác trình độ chung của những người làm toán hiện nay kém xa ngày xưa. Xã hội hay lưu ý tới việc làm sao để đào tạo nhân tài, tôi nghĩ làm sao để bớt cái sự dốt đi thì hơn. Tranh thủ lúc toàn xã hội ủng hộ, chúng ta đề cập đến vấn đề cải cách trong dạy toán ở nhà trường”, TS Nguyễn Ái Việt nêu.

Các nhà khoa học sôi nổi đóng góp ý kiến.

Đã có rất nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề toán ứng dụng trong con mắt nhiều người “tầm thường” hơn toán lý thuyết. Theo quan điểm của GS Ngô Bảo Châu việc tìm câu trả lời giữa toán thuần túy và toán ứng dụng, cái nào tầm thường, cái nào quý tộc hơn, không phải là vấn đề cần tranh cãi. Mọi người đều thấy rằng làm toán ứng dụng thực sự rất khó.

Vấn đề của thảo luận không phải là tìm cái gì để nghiên cứu mà tôi nghĩ sự khác nhau của toán cơ bản và toán ứng dụng là cách triển khai rất khác nhau. Chúng ta cần tìm hiểu triển khai toán ứng dụng khác thế nào, phải làm thế nào chứ không phải là vấn đề chúng ta làm cái gì, vấn đề đó sẽ được bàn trong cuộc họp khác, GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh.

Ai làm tốt việc gì thì nhận việc đó

Những doanh nhân như ông Nguyễn Thành Nam (Tập đoàn FPT) mong VIASM cần chú ý đến hiệu quả kinh tế khi làm nghiên cứu.

“Tôi không đồng ý quan điểm lãnh đạo Nhà nước có thể áp đặt hoàn toàn quan điểm của mình cho doanh nhân và người làm khoa học, ngược lại doanh nhân cũng không thể áp đặt mục tiêu của mình cho Nhà nước và nhà khoa học”, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.

GS Ngô Bảo Châu cho rằng, có sự khác biệt rất lớn trong quan niệm làm khoa học của người quản lý Nhà nước, của doanh nghiệp và nhà khoa học. “Người làm quản lý dựa trên những nghị quyết, mục tiêu và tiêu chí đánh giá số hóa để xem công việc có hiệu quả hay không; doanh nghiệp hoạt động theo phương thức “giao việc-trả tiền”…

Tôi rất tiếc đó không phải là cách các nhà khoa học hoạt động, đó không phải là cách khoa học phát triển từ lúc nhân loại hình thành đến bây giờ. Khoa học chưa bao giờ phát triển qua những hợp đồng cụ thể, mà phát triển chủ yếu từ nội lực của khoa học, từ sự tò mò muốn được khám phá”, GS Ngô Bảo Châu khẳng định.

Vai trò của VIASM là làm khoa học, phụng sự đất nước bằng việc nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học. Chỉ tiêu lớn nhất để đánh giá là phải hỏi những nhà khoa học trẻ xem khi đến làm việc ở VIASM thì mang lại cho họ những gì; hỏi những nhà khoa học ưu tú trên thế giới đánh giá hoạt động của VIASM thế nào.

"Cuộc thảo luận này nhằm tìm những trở ngại cho việc triển khai toán ứng dụng ở Việt Nam. Tôi nghĩ, cần rạch ròi tư duy của nhà quản lý, doanh nghiệp và người làm khoa học, ai làm tốt được việc gì thì nhận việc đó, không ôm đồm, không bao sân", GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh.

Tuy cuộc hội thảo vẫn chưa đưa ra được câu trả lời thật sự thuyết phục và rõ ràng cho câu hỏi triển khai toán ứng dụng toán học ở Việt Nam như thế nào nhưng GS Ngô Bảo Châu cho rằng, câu hỏi và câu trả lời đã được mở ra.

Giáo sư hy vọng trong thời gian tới, sự hợp tác của những người làm toán ứng dụng và những ngành khác sẽ cùng với VIASM triển khai một số ứng dụng nghiên cứu, ứng dụng toán học trong phạm vi của Viện và phạm vi chương trình của một quốc gia.

Theo  QĐND Online