Bạn trẻ và văn hóa đọc

Cập nhật, 13:00, Thứ Sáu, 26/04/2013 (GMT+7)


Bạn đọc chọn sách tại Thư viện tỉnh.

Trước sự phát triển nhanh như vũ bão của sách điện tử, điện thoại di động và máy tính bảng, văn hóa đọc truyền thống đang đương đầu với nhiều thử thách. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ trung thành với đọc sách in, bởi nó có những nét hay riêng không thể thay thế được.

Bạn trẻ vẫn còn mê sách

Đọc sách đúng là nhu cầu không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Đó là con đường để tích lũy tri thức, kỹ năng chuẩn bị cho sự hòa nhập cộng đồng và cống hiến cho xã hội. “Đa phần độc giả là các bạn trẻ”- bà Dương Thị Ngọc Lệ- Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Vĩnh Long cho biết.

Với cặp kính cận dày, Lê Anh Tuấn- sinh viên (SV) Trường CĐ Sư Phạm Vĩnh Long đang tìm sách trong thư viện tỉnh. Anh Tuấn là bạn đọc thân quen của thư viện vì đã nhiều năm nay tuần nào bạn cũng đến.

Theo Tuấn: “Sách thư viện đủ cung cấp cho mình trong việc học”. Ngoài các sách tham khảo, Tuấn còn đặc biệt thích những quyển nuôi dưỡng tâm hồn như “Hạt giống tâm hồn” hay “Giá trị tinh thần”.

Lê Trúc Mai- SV Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long đang tham quan thư viện nói: “Em đang làm thẻ thư viện vì thấy rất có ích”. Vốn học chuyên ngành xã hội, Trúc Mai rất thích xem các tác phẩm văn học trong và ngoài nước những câu danh ngôn hay các tập thơ nổi tiếng.

Theo Cục Xuất bản, trong năm 2012, toàn ngành xuất bản nộp lưu chiểu hơn 28 ngàn tựa sách, phát hành 301,7 triệu bản, đưa mức hưởng thụ sách bình quân đầu người ở Việt Nam lên 3,4 bản sách/người.
Việc đọc sách cũng không dừng lại ở các loại sách tham khảo hay chỉ những bạn chuyên xã hội mới cần đến sách.

Bạn Phạm Hoàng Nguyên- SV Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên đến nhà sách để chọn mua. Sách mà Nguyên chọn là những tác phẩm văn học dành cho tuổi trẻ, những sách rèn luyện kỹ năng mềm giúp nâng cao vốn sống của mình.

Hoàng Nguyên hí hửng nói: “Dù công nghệ phát triển, lên mạng có thể tìm được nhưng mình vẫn thấy đã mỗi khi đọc được một quyển sách hay và có thể đọc ngấu nghiến”.

Dù có rất đông SV đến Trung tâm học liệu Trường ĐH Cần Thơ nhưng nơi đây lúc nào cũng yên tĩnh, vì SV rất tôn trọng không gian yên lặng khi đến đọc sách, mượn sách hay học bài, mượn máy tính.

SV Nguyễn Trần Phương Thảo- Trường ĐH Cần Thơ thường vào thư viện chọn một góc để học bài: “Trong khi học bài ở thư viện, mình xem các loại sách tham khảo đến khi nào… căng thẳng thì tìm những quyển truyện hay tiểu thuyết nhẹ nhàng để giảm stress”.

Đọc cũng cần có chọn lọc

Sách giúp con người nâng tầm hiểu biết, bồi bổ trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn. Tùy theo độ tuổi mà có thể chọn sách cho phù hợp, có giá trị, có lợi cho mình. Chọn những sách cung cấp cho ta những điều bổ ích, mới mẻ. Những tri thức cần thiết cho cuộc sống. Những sách dạy kỹ năng, nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng...


Thư viện trường học được không ít bạn trẻ lựa chọn.

Lê Trúc Mai cho rằng: Sách báo in có những giá trị riêng của nó mà sách điện tử không thể thay thế được. Ví dụ như khi đọc sách mình có thể nghiền ngẫm, có thể nằm, ngồi hay… đứng để đọc. Đọc sách cũng đỡ mỏi mắt và nội dung đáng tin cậy hơn các trang mạng.

Tuy nhiên, bạn Nguyễn Tân Khoa- SV Trường ĐH Cần Thơ cho rằng: Có những quyển sách đọc vào không học hỏi được gì. Thậm chí có những quyển sách in sai có thể làm lệch lạc tư tưởng, hiểu biết của người đọc.

Cho nên, khi chọn mua sách, bạn Phạm Hoàng Nguyên thường dùng các nguyên tắc chung như: đọc thử nội dung, được bạn bè người thân giới thiệu, tìm hiểu về thông tin quyển sách đó trên mạng trước,…

Gần đây, thị trường sách dành cho các bạn trẻ, trẻ em xuất hiện nhiều loại sách có nội dung “bát nháo”. Một số sách tham khảo nhập từ Trung Quốc có in hình ảnh hoặc nội dung sai lệch, buộc các nhà xuất bản phải thu hồi...

Theo các chuyên gia, khi đọc sách, các bạn trẻ cũng không nên đọc lướt qua, không đọc lấy số lượng, đọc để “trang trí bề mặt” mà phải vừa đọc vừa suy ngẫm. Đọc sách không chỉ là việc học hỏi tri thức mà còn là rèn tính cách, học làm người.

Trong năm 2012, hệ thống thư viện trong toàn tỉnh phục vụ khoảng 600.000 lượt bạn đọc với hơn 1.000.000 lượt tài liệu phục vụ. Tăng 45% lượt bạn đọc và 17% lượt phục vụ so với năm 2011.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN