Bộ GD và ĐT

Giải quyết vấn đề thiếu giáo viên và đánh giá chất lượng dạy học

Cập nhật, 07:33, Thứ Tư, 26/12/2012 (GMT+7)

Sáng 25-12, tại Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UB VHGDTNTN & NĐ) của Quốc hội Đào Trọng Thi chủ trì phiên giải trình của Chính phủ “Về việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục mầm non và bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông”.

Ủy viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội, Tòng Thị Phóng đã tới dự.

Phó chủ tịch Quốc hội còn nêu rõ trách nhiệm của Quốc hội, cũng như các bộ, ngành liên quan trong thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục mầm non và bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông.

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm UB VHGDTNTN & NĐ Đào Trọng Thi nêu rõ, phiên giải trình nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến giáo dục mầm non và bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông; việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này của Chính phủ; công tác chỉ đạo, thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non và bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông của các bộ, ngành và của UBND các tỉnh, thành phố. Đồng thời đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian tới.

Thông qua giải trình sẽ làm rõ thêm một số vấn đề: Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non; cơ sở vật chất, tài chính cho giáo dục mầm non; kế hoạch, giải pháp và kinh phí thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; chương trình sách giáo khoa phổ thông; chế độ chính sách cho giáo viên.

Còn thiếu nhiều giáo viên

Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non (GDMN) và bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Vũ Luận nêu: Trong 3 năm (từ 2009 đến 2012), Bộ GD và ĐT đã chủ trì soạn thảo trình bày các cơ quan thẩm quyền ban hành 25 văn bản quy phạm pháp luật về chính sách phát triển GDMN, chế độ chính sách giáo viên, điều lệ tổ chức và hoạt động, thủ tục thành lập, chia tách trường mầm non; chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non (GVMN) mới…

Tỷ lệ GVMN có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên đạt 96,2% (tăng 2%), trong đó trên chuẩn là 47% (tăng 7,8%). Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp là 91, 9%. Đội ngũ GV cơ bản đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ, tuy nhiên còn thiếu nhiều (22.800 giáo viên), chưa đáp ứng yêu cầu tăng số trẻ ra lớp.

Về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, GVMV tại các địa phương, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ: Ngoài nhiệm vụ giảng dạy chính ở trên lớp, giáo viên khi thực hiện những hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác theo sự phân công được quy đổi những hoạt động này ra giờ dạy để tính số giờ dạy cho từng giáo viên.

Việc chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập, từ năm 2009 đến nay đã có 53.295 GVMN được tuyển vào biên chế, nâng tổng số GVMN trong biên chế nhà nước lên 135.744 giáo viên. GVMN hợp đồng trong các trường công lập, dân lập được Nhà nước hỗ trợ để hưởng lương theo ngạch, bậc. 60% GVNM hiện nay được hưởng lương theo ngạch, bậc; giáo viên vùng kinh tế - xã hội khó khăn còn được hưởng phụ cấp theo nghị định của Chính phủ…

Tuy vậy, Bộ trưởng thừa nhận việc thực hiện chính sách đối với GVMN không đồng đều ở từng địa phương do điều kiện kinh tế - xã hội; thu nhập của GVMN ngoài biên chế còn thấp, đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn. Hiện tại, GVMN đang phải nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trên 8 giờ/ngày (trung bình thời gian làm việc là 10-12 giờ/ngày).

Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Vũ Luận trả lời câu hỏi của các đại biểu

 

Nội dung SGK nặng nề với phần đông học sinh

Đánh giá về chất lượng, chương trình sách giáo khoa (SGK) phổ thông hiện nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng nội dung, chương trình SGK đã kế thừa và phát huy những ưu điểm cơ bản của các chương trình trước đây, phù hợp với xu hướng quốc tế về phát triển. Nội dung đảm bảo tính khoa học, cơ bản, hiện đại và tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực… phù hợp với năng lực nhận thức của học sinh.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu những hạn chế, bất cập về chương trình SGK. Đó là chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT và không có tổng chủ biên chương trình, SGK môn học từ lớp 1 đến lớp 12; chưa phát huy được hiệu quả của chuẩn kiến thức; chưa xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá một cách đầy đủ, ngay từ đầu; có những nội dung còn ôm đồm, nặng nề với phần đông học sinh; dung lượng bài chưa phù hợp với thời lượng dạy; chương trình chưa tạo điều kiện tốt cho học sinh học tập độc lập…

Sẽ thay đổi phương thức đánh giá kiến thức học sinh

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thành Tâm (tỉnh Tây Ninh) về những giải pháp khắc phục việc thiếu GVMN, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, đây là vấn đề khó khăn, dù có quyết tâm cao nhưng nguồn lực chưa cho phép nên hiện nay mới chỉ giải quyết được phổ cập GDMN 5 tuổi.

Bộ GD và ĐT sẽ phối hợp cùng Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ cân đối tài chính và đẩy nhanh tiến độ soạn thảo thông tư liên tịch quy định về vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong cơ sở GDMN công lập; phối hợp với địa phương đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn hóa chất lượng; hoàn tất chuyển đổi các trường mầm non bán công theo quy định, bảo đảm chế độ chính sách cho giáo viên.

Liên quan đến Bộ GD và ĐT sẽ đưa ra giải pháp nào để giải quyết vấn đề chương trình, SGK phổ thông còn nặng tính hàn lâm và xa rời thực tế, gây nhiều khó khăn cho giáo viên và sự tiếp thu của học sinh mà đại biểu Lê Thị Tám (tỉnh Nghệ An) và đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP Hồ Chí Minh) nêu ra, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời: “Hiện nay, chúng ta chưa thay đổi phương pháp dạy, học và thi nên SGK vẫn là truyền thụ kiến thức... Do đó, chuyện xa rời thực tế, hàn lâm là khó tránh khỏi. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến cử tri và rút kinh nghiệm để thiết kế cân đối tổng thể giải quyết tất cả những bất cập, cũng như xây dựng số lượng giờ dạy phù hợp”.

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là hiện nay dư luận xã hội có nhiều bức xúc trong công tác thi và kiểm tra đánh giá kiến thức học sinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: Chỉ số tỷ lệ tốt nghiệp hiện đang được dùng để đánh giá kết quả học tập khiến thầy cô, học sinh và các tỉnh chịu sức ép.

“Chúng tôi có chủ trương sẽ tách việc kết quả thi tốt nghiệp của học sinh với việc đánh giá chất lượng dạy và học ở các địa phương thành hai khâu. Tham gia vào khung đánh giá Châu Âu (PISA), chúng ta sẽ đánh giá học sinh tương đối toàn diện từ kiến thức tới hiểu biết xã hội, sự tự tin, động cơ phấn đấu học tập, rèn luyện.

Theo kế hoạch, năm 2013, chúng ta sẽ tham gia đánh giá học sinh theo tiêu chuẩn này cùng những nước phát triển nhất thế giới, qua đó, sẽ biết được chất lượng giáo dục Việt Nam đang đứng ở vị trí nào trên thế giới”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Phiên giải trình còn bàn về tình trạng học lệch, chương trình học được thiết kế quá nhiều môn; cơ sở vật chất chưa đáp ứng mục tiêu học tập; những bất cập, yếu kém trong đội ngũ nhà giáo; chính sách thu hút thí sinh thi vào trường sư phạm và đời sống giáo viên… Bên cạnh những giải đáp từ Bộ GD và ĐT, còn có sự tham gia trả lời của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ.

Phát biểu tại phiên giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội, Tòng Thị Phóng cho rằng giáo dục không phải là trách nhiệm của riêng Bộ GD và ĐT, Chính phủ đặc biệt quan tâm và đã phê duyệt mức kinh phí hơn 14.000 tỷ đồng đối với GDMN.

Và đề xuất: “Cần tiếp tục xây dựng các văn bản pháp quy liên quan đến GD phổ thông và xây dựng SGK; đổi mới công tác quản lý trong bậc học phổ thông; tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đặc biệt quan tâm đến học sinh vùng khó khăn trong đánh giá chất lượng học sinh; sự phối hợp giữa Bộ GD và ĐT với các địa phương là yêu cầu cấp thiết trong đổi mới giáo dục”.

Theo QĐND Online