Để em thêm yêu trường em

Cập nhật, 13:34, Thứ Tư, 31/10/2012 (GMT+7)


Vở kịch “Đáng đời sâu răng” của khối 3 vừa vui vừa có tính giáo dục.

Tạo môi trường cho học sinh (HS) có học lực trung bình, yếu biết vui học tập, có cơ hội phấn đấu, tự tin hơn là những gì mà mô hình “Em yêu trường em” của cô Nguyễn Tuyết Hạnh- chuyên viên Sở GD- ĐT Vĩnh Long đã và đang làm. Hơn thế, mô hình này còn giúp học sinh khá giỏi hỗ trợ bạn, tăng tình đoàn kết. Từ đó, rèn luyện kỹ năng sống, sinh hoạt tập thể để HS thêm “yêu trường hơn”, cảm nhận được sự tích cực trong ngôi trường thân thiện.

Mô hình được triển khai thí điểm tại Trường Tiểu học Hựu Thành B (Trà Ôn). Ngôi trường có khoảng 50% HS thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều HS có học lực trung bình, yếu. 217 HS trong trường đều được tham gia dưới hình thức tập trung vận động ngoài sân trường. Cô Nguyễn Tuyết Hạnh cho biết: “Mục đích là giúp HS gần gũi với ngôi trường mình hơn, yêu trường hơn và vì thế mà không bỏ học và học tốt hơn. Đặc biệt là HS trung bình, yếu tham gia để các em vận động và học tập nhiều hơn”.

Không bị bó hẹp bởi không gian lớp học, mô hình đưa HS đến học tập tại sân trường. Mở đầu là bài hát múa toàn trường “Em yêu trường em”, khơi mào cho sự phấn khởi và nhẹ nhàng: “Em yêu trường em với bao bạn thân cùng cô giáo hiền như yêu quê hương em cắp sách đến trường trong muôn vàn yêu thương”. Dù mới vào lớp 1 được mấy tháng nhưng bé Nguyễn Ngọc Băng Tâm múa và hát rất hay. Băng Tâm cười khoe mấy chiếc răng sún: “Có nhiều bạn múa chung, con không mắc cỡ và rất vui”.

Những khối lớp khác nhau sẽ có những phần việc khác “tùy theo sức mà làm”. Khối 2 tuyên truyền giao thông bằng những bài thơ có vần, có điệu được diễn lại sinh động trên nền nhạc cho dễ nhớ “Trời mưa đường trơn, em ơi đừng chạy…”. Thậm chí, giáo viên trong trường còn chế bài “Áo mới Cà Mau” thành “Áo mới Trà Ôn” với “Trà Ôn đường đi thông thoáng… người Trà Ôn là dễ thương vô cùng” nội dung xoay quanh việc tuyên truyền luật lệ giao thông cho mọi người. Khối 3 thì diễn cả một vở kịch về sâu răng và tác dụng của việc vệ sinh răng miệng cho các bạn cùng biết. HS Nguyễn Tấn Lộc- lớp 3A2 cười hớn hở: “Con được đóng vai con sâu lính nên đội cái nón này nè!” Lộc chỉ cái nón ngộ nghĩnh trên đầu rồi nhí nhảnh khoe: “Vì con nói cho các bạn biết tác dụng của việc đánh răng nên con phải đánh răng hàng ngày, chứ không thì các bạn không tin con nữa!”

Sau những giờ sinh hoạt chung, HS được chia ra thành nhiều khối lớp và được học tập theo những bài khác nhau: nghe kể chuyện, giải toán bằng nhiều cách, viết thiệp tặng bạn, sửa lỗi chính tả hay chơi Rung chuông vàng. Thầy Võ Hồng Dũng đang bận rộn với những câu chính tả cho học trò của mình cho biết: “Việc sửa lỗi chính tả này cho các em trung bình, yếu làm, riêng những em giỏi sẽ xem lại cùng thầy”. Thầy nói thêm: “Nhiều HS của trường do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có đủ điều kiện và thời gian học tập như bạn bè”. Với Nguyễn Ngọc Bảo Trân- HS lớp 5A2- thì “được chơi ngoài sân cùng bạn bè là em rất thích”.

“Điểm thuận lợi của mô hình chính là lồng ghép các chương trình lại với nhau để làm sao vừa đạt được hiệu quả vừa tiết kiệm thời gian”- cô Lâm Thị Nghiệp- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Mỹ B (Trà Ôn) nhận xét khi tham quan mô hình. Dự định của cô Lâm Thị Nghiệp là sẽ đem mô hình này ứng dụng ở trường mình và có cải tiến cho phù hợp với tình hình “làm sao cho HS thấy mỗi ngày đi học là một niềm vui”- cô Nghiệp cười.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hựu Thành B, cô Nguyễn Ngọc Thùy cho rằng: “Ngày hội đã giúp cho tất cả HS của trường có thể chơi mà học, học mà chơi. Đánh giá kiểm tra kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho HS, giúp trường có chuyển biến trong hoạt động và sinh hoạt”.

Theo thầy Trần Hoàng Túy- Phó Chánh Văn phòng Sở GD- ĐT Vĩnh Long, thành công nhất của mô hình là năng lực quản lý trong việc huy động cộng đồng tham gia của giáo viên. Mô hình “đã mang những gì trong lớp ra sân trường, từ những hoạt động đơn lẻ thành cao điểm”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN