Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng ĐBSCL: Tạo sức bật mối liên kết

Cập nhật, 15:06, Chủ Nhật, 28/02/2021 (GMT+7)

 

Gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch của các thành viên Hội đồng Vùng tại Tuần lễ Văn hóa Du lịch tỉnh Đồng Tháp 2021.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch của các thành viên Hội đồng Vùng tại Tuần lễ Văn hóa Du lịch tỉnh Đồng Tháp 2021.

Ngay trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong năm 2020, 13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh đã có quyết sách mạnh mẽ nhằm thay đổi bản chất mối liên kết trong phát triển du lịch. Thay vì mối liên kết giữa các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp du lịch, thì đây là mối liên kết giữa các UBND tỉnh- thành gọi là Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL (gọi tắt là Hội đồng vùng).

Hội đồng vùng sẽ tạo sức mạnh liên kết mới, giúp cho du lịch khu vực phát huy thế mạnh tiềm năng và ứng phó tốt với tình hình dịch bệnh.

Thay đổi bản chất liên kết

Ngay sau khi thỏa thuận được ký kết hồi tháng 5/2020, Hội đồng vùng đã thống nhất phân công Chủ tịch Hội đồng vùng là Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng vùng là Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh. Còn lại, chủ tịch, phó chủ tịch UBND 13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL là phó chủ tịch và thành viên của Hội đồng vùng.

Ngay sau khi được thành lập, với vai trò là đầu tàu, TP Hồ Chí Minh đã phối hợp triển khai các nội dung đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa đến 13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL trong 6 tháng cuối năm 2020 với 3 chương trình du lịch: Những nẻo đường phù sa; Sắc màu vùng biên; Non nước hữu tình.

Theo đó, cùng triển khai các nội dung chủ yếu như: vận động các cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các khu- điểm tham quan du lịch xây dựng các chính sách kích cầu kép (vừa giảm chi phí ăn uống vừa miễn phí vé tham quan),…

Các tỉnh- thành đã gửi danh sách các điểm vận động tham gia kích cầu về TP Hồ Chí Minh với mức giảm phổ biến là từ 10- 20%. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp lữ hành của TP Hồ Chí Minh đã xây dựng hơn 50 chương trình du lịch kích cầu từ TP Hồ Chí Minh đi đến các tỉnh- thành vùng ĐBSCL. Toàn bộ các chương trình này đều được chào bán và giới thiệu trên website kích cầu du lịch của TP Hồ Chí Minh.

Đồng thời, các đơn vị thành viên của Hội đồng vùng đã tổ chức các chuyến khảo sát và xây dựng sản phẩm, kết nối khai thác đến các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre trên tuyến du lịch “Non nước hữu tình”. Đối với 2 tuyến còn lại là “Những nẻo đường phù sa”; “Sắc màu vùng biên”. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên các chuyến khảo sát đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

Trên cơ sở định hướng từ 3 tuyến du lịch này, các doanh nghiệp du lịch như Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) đã tiến hành khảo sát 126 tuyến điểm, 31 khách sạn, resort, homestay, farmstay, 15 nhà hàng và 11 cửa hàng quà lưu niệm và 5 chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho du khách.

Qua đó đã xây dựng và chào bán 3 sản phẩm liên tuyến với các tên gọi cho phù hợp bản sắc của mỗi sản phẩm và đặc trưng khu vực sông Mekong. Những tháng trong năm 2020 không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19, hệ thống các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu của TP Hồ Chíu Minh đã đưa hơn 152.000 khách du lịch về ĐBSCL.

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu du lịch vùng

Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch vùng đã được giới thiệu trên website, mạng xã hội, các báo đài, các quầy giao dịch của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp tại 14 địa phương.

Trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh lần thứ 16 năm 2020, lần đầu tiên đã xây dựng gian hàng chung quảng bá giới thiệu sản phẩm, điểm đến, dịch vụ du lịch của TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh- thành ĐBSCL, đã thu hút hơn 2.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu và giao thương.

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã chủ trì phối hợp với 13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL và các đơn vị liên quan xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung quảng bá giới thiệu du lịch của vùng.

Qua hơn 3 đợt thiết kế và chỉnh sửa, tổ chức tọa đàm đóng góp ý kiến, đến nay đã thống nhất phương án tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, giá trị bản sắc thương hiệu du lịch liên kết vùng, thiết kế biểu tượng (logo) và tiêu đề thương hiệu (slogan).

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn và 13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL đã tổ chức 2 lớp chuyên đề đào tạo về du lịch, về “Quản lý các mô hình khách sạn nhỏ và homestay” và “Quản lý điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch tại
địa phương”.

Tại cuộc hội thảo tổng kết nhân Tuần lễ Văn hóa Du lịch tỉnh Đồng Tháp năm 2021, đại diện Hội đồng vùng đánh giá công tác triển khai các nội dung hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với 13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL trong năm 2020 luôn được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo Thành ủy; UBND TP Hồ Chí Minh và lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy; UBND 13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL.

Làng hoa Sa Đéc được Hội đồng Vùng đánh giá cao trong xây dựng thương hiệu du lịch địa phương.
Làng hoa Sa Đéc được Hội đồng Vùng đánh giá cao trong xây dựng thương hiệu du lịch địa phương.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp triển khai các nội dung hợp tác phát triển du lịch giữa các cơ quan quản lý du lịch trực thuộc 14 địa phương luôn thuận lợi, nhiều nội dung cụ thể trong thỏa thuận hợp tác đa phương đã được phối hợp triển khai thực hiện.

Việc phối hợp này góp phần thúc đẩy du lịch vùng chuyển biến tích cực, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch và người dân của 14 địa phương trong liên kết.

Công tác truyền thông, tuyên truyền về các nội dung liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa 14 địa phương trong liên kết rất hiệu quả bằng nhiều hình thức cách làm từ việc quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến việc xây dựng gian hàng chung và hình thành thương hiệu du lịch vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa đến cộng đồng làm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch đến các thị trường trong nước và quốc tế.

Đáng tiếc, trong năm 2020, do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên một số nội dung dự kiến triển khai phải tạm ngưng, hoặc chỉ triển khai trong phạm vi nhỏ, với các hoạt động theo phương thức thông tin, họp trực tuyến… đã gây ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả của một số hoạt động liên kết vùng theo kế hoạch đã đề ra.

Tất cả thành viên Hội đồng Vùng cam kết sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nội dung thỏa thuận, phát huy thế mạnh từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát triển du lịch tại các tỉnh- thành liên kết, trong năm 2021.

Hy vọng Hội đồng vùng sẽ thay đổi mạnh mẽ bản chất liên kết du lịch, giúp cho tiềm năng lợi thế du lịch trong khu vực phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn, năng động nhất cả nước.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG