Hiện thực hóa ý tưởng sản phẩm du lịch Mang Thít

Cập nhật, 11:39, Thứ Hai, 28/09/2020 (GMT+7)

 

Du khách thích thú với cảnh đẹp và những trải nghiệm làm ra viên gạch.
Du khách thích thú với cảnh đẹp và những trải nghiệm làm ra viên gạch.

Để làng nghề gạch gốm Mang Thít sớm trở thành sản phẩm du lịch, thì việc tổ chức các đoàn famtrip, nhận các đóng góp nghiêm túc về chuyên môn của những chuyên gia du lịch, các hãng lữ hành, những người phải trực tiếp làm nghề du lịch… là điều vô cùng quan trọng.

Ghi nhận những ý kiến sau đoàn khảo sát đầu tiên về làng nghề Mang Thít, cho thấy nhiều đánh giá rất cao, khả quan; nhưng tiếp tục những bước triển khai sẽ vẫn còn nhiều điều kiện cần thiết.

Nguyện vọng, tâm tư người trong cuộc

Ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- cho biết: “Đề án Di sản đương đại, rất quan trọng để tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù của Vĩnh Long, độc nhất vô nhị của Việt Nam.

Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã cho chủ trương thành lập dự án và quy hoạch 3.000ha trải rộng 4 xã lấy kinh Thầy Cai làm đường chủ đạo. Hiện nay chúng tôi đã mời một số nhóm tư vấn, có cả đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng hoàn toàn ủng hộ.

Bước đầu quy hoạch phân khu chức năng, bảo tồn, trưng bày, giáo dục, sản xuất, chợ xưa, đêm biểu diễn nghệ thuật ở cánh đồng, sẽ xây đài cao 7- 8 tầng, là nơi ăn uống, có thể ngắm toàn bộ khung cảnh hơn 1.500 lò gạch, có nhà hàng, nơi trưng bày, homestay…

Chúng tôi đã họp dân trình bày ý tưởng, tất cả đều ủng hộ. Chủ trương chung các lò gạch tạm dừng sản xuất theo kiểu truyền thống vì gây ô nhiễm môi trường, phải chuyển sang lò nung liên hoàn”.

Làng nghề trăm tuổi được quy hoạch thành điểm du lịch đặc thù độc nhất vô nhị của cả nước.
Làng nghề trăm tuổi được quy hoạch thành điểm du lịch đặc thù độc nhất vô nhị của cả nước.

Đây là một ý tưởng sáng tạo, độc đáo cần sự ủng hộ của xã hội, đặc biệt là những người dân trong khu vực quy hoạch đề án. Bởi lẽ, việc giữ lại làng nghề qua hàng trăm năm hết sức có ý nghĩa vì bên trong chứa đựng tư duy, chất xám của người dân, cha truyền con nối, không cần cây sắt, không có thiết kế mà xây nên công trình độc đáo…

Được biết, Vĩnh Long đang đẩy nhanh tiến độ, cố gắng trong năm 2021 sẽ khởi động và bắt đầu kêu gọi đầu tư. Đẩy nhanh hóa trình hiện thực hóa ý tưởng đề án là một tín hiệu đáng mừng.

Ông Huỳnh Hữu Đức (61 tuổi, ở xã Mỹ Phước- Mang Thít) là người gắn bó có sự am hiểu đặc biệt về quá trình phát triển “thịnh suy” của làng nghề. Ông rất tâm huyết, nhiệt tình ủng hộ, có nhiều ý kiến sâu sắc.

Ông Đức chia sẻ: “Ngành nghề này phát triển tạo công ăn việc làm cho địa phương, đóng góp thuế cho Nhà nước, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương như cầu đường, thủy lợi, trạm xá, đặc biệt là đóng góp xây dựng trường học.

Hiện nay thì làng nghề đang lâm vào thế khó, đi đoạn đường 2km lò gạch san sát nhưng chỉ có vài lò lên khói vì sản phẩm làm ra hiện nay giá thành ngày càng đội lên do giá trấu cao, gạch mộc càng ngày càng khan hiếm”.

Trước khó khăn đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo xây dựng đề án di sản văn hóa đương đại phục hồi, duy trì và phát triển làng nghề có từ lâu đời 3.000ha nằm ở Mỹ An, Mỹ Phước, Hòa Tịnh, Nhơn Phú và một số vùng lân cận.

Làng nghề cha ông truyền lại mang giá trị văn hóa truyền thống, gắn với tâm hồn, quyết tâm, yêu mến của nhân dân địa phương. Để rồi trong cơn khó khăn có thể giữ được làng nghề, tạo nét mới trong du lịch, bà con mừng vì giữ được làng nghề, bà con sống được với nó, làm những dịch vụ đi cùng.

Ông Huỳnh Hữu Đức chân tình chia sẻ: “Tui là người ở địa phương sống từ nhỏ đến lớn thì rất mê, rất thích và tâm huyết với dự án này, cũng mong dự án sẽ hoàn thành, có nhiều người đến tìm hiểu đầu tư và quê hương mình sẽ ngày càng có nhiều người biết đến hơn nữa…”.

Làng nghề đã từng một thời thịnh vượng, đưa đời sống người dân Mang Thít khá giàu lên trong thời gian hoàng kim khá dài, để lại trong lòng bao người dân nhiều kỷ niệm và sự luyến tiếc trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Bửu (ấp Mỹ Điền, xã Mỹ Phước- Mang Thít) cho biết: “Làm lò gạch được 30 năm, nhờ nó mà nuôi 3 đứa con học đại học xong hết. Gần nửa đời người làm gạch, nếu nghỉ cũng buồn lắm chứ, làm từ thời cha mẹ nữa là 60 năm rồi. Nhưng nếu tiếp tục sản xuất thì ảnh hưởng môi trường, còn làm du lịch thì tụi tui hoàn toàn ủng hộ”.

Góc nhìn những người làm chuyên môn

Bà Tạ Thị Tú Uyên- Phó Giám đốc Ban Sản phẩm dịch vụ Công ty Du lịch Viet Travel mạnh dạn chia sẻ cảm xúc và khẳng định: “Trong 2 ngày đi khảo sát, tôi thật sự rất ngỡ ngàng, Vĩnh Long là vùng đất có quá nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch và tôi tin rằng sẽ có những điểm đến mới thu hút trong tương lai. Đặc biệt là lò gạch Mang Thít, tôi rất mong làng nghề được bảo tồn và phát huy, nhân rộng để giới thiệu. Nếu chưa đưa điểm du lịch này giới thiệu cho du khách thì quả là một thiếu sót lớn”.

Bà Phan Yến Ly- Trưởng Phòng Phát triển sản phẩm khối du lịch quốc tế Saigon Tourist- chia sẻ: “Saigon Tourist đã có nhiều lần khảo sát tại Vĩnh Long, chúng tôi đã được biết những bức ảnh tuyệt đẹp của những nhiếp ảnh gia và rất mong Mang Thít sẽ tạo thành tour du lịch trong tương lai”.

Tuy nhiên, bà Phan Yến Ly cũng trăn trở, nếu cho khách Việt Nam đến thăm thì có 2 hộ còn sản xuất để khách trải nghiệm là được, còn cho khách quốc tế thì đó phải là làng nghề sống chứ không phải một bảo tàng. Tour đến thăm làng gạch gốm này nếu hình thành cũng phải quan tâm hơn đến cầu tàu đảm bảo an toàn cho du khách.

Đoàn Famtrip của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và các công ty lữ hành vừa đến thăm lò gạch Mang Thít.
Đoàn Famtrip của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và các công ty lữ hành vừa đến thăm lò gạch Mang Thít.

Là người có thực tiễn làm nghề và công tác quản lý du lịch lâu năm, có sự am hiểu sâu sắc về văn hóa du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ- Giám đốc Công ty TNHH Lửa Việt, không giấu được cảm xúc về làng nghề Mang Thít: “Nhiều năm làm hướng dẫn viên, tôi đã đi khắp các nước Đông Nam Á và có thể khẳng định làng gốm ở Mang Thít là điểm độc nhất chỉ có ở Vĩnh Long.

Những nơi khác có vài chục lò gạch trong khi Vĩnh Long có hàng ngàn cái, tài sản này quá lớn, chỉ cần làm tốt du lịch ở điểm này thì Vĩnh Long đủ sức đặc biệt hơn tất cả các tỉnh khác.

Nhưng cái khó là phải quy hoạch thế nào, hiện anh em muốn vô chụp hình thì ở phía trước nhà dân kín hết trong khi làm du lịch hiện nay phải có chỗ để du khách chụp hình check- in. Có thể nghiên cứu cho khách trải nghiệm ngắm toàn cảnh lò gạch, con sông… trên khinh khí cầu. Đây là trải nghiệm độc đáo, ở Việt Nam không nơi nào có”.

Ông Nguyễn Văn Mỹ cũng đặc biệt lưu ý vấn đề quan trọng nữa là hướng dẫn viên phải thổi hồn cho các điểm đến, hệ thống phần thuyết minh sao cho hấp dẫn, truyền cảm hứng, đặc biệt là phải nói thực tế, để khách đến phải vỡ òa vì hơn những gì tưởng tượng chứ không phải thất vọng vì hướng dẫn viên đã quá ca ngợi điểm đến. 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THƯ