Giáo dục nghề nghiệp Vĩnh Long vươn tầm cao mới

Cập nhật, 08:20, Thứ Tư, 23/09/2020 (GMT+7)

 

Phòng thí nghiệm do Siemens (CHLB Đức) đầu tư đào tạo kỹ sư công nghệ cao tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.
Phòng thí nghiệm do Siemens (CHLB Đức) đầu tư đào tạo kỹ sư công nghệ cao tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.

Đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao là điều kiện quan trọng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã chú trọng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các trường CĐ, ĐH trong tỉnh đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình, trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng nhân lực có tay nghề cao cho địa phương, khu vực và cả nước.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp

Vĩnh Long luôn quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có tay nghề cao. Các cơ sở giáo dục CĐ, ĐH và dạy nghề được đầu tư cơ bản về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo, tạo điều kiện về quỹ đất để các trường mở rộng quy mô, thành lập phân hiệu nâng cao chất lượng đào tạo.

Đến nay, Vĩnh Long có 3 trường ĐH, 1 phân hiệu ĐH và 3 trường CĐ. Nếu xét về số lượng các trường ĐH, CĐ trong vùng ĐBSCL thì Vĩnh Long chỉ đứng sau TP Cần Thơ.

Trong thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của các trường CĐ, ĐH, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục này đã đóng vai trò rất quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho tỉnh nhà mà còn cả các tỉnh lân cận trong vùng ĐBSCL.

Qua gần 7 năm được nâng cấp thành trường ĐH (2013-2020), với bề dày lịch sử dạy và học gần 60 năm, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã xây dựng được thương hiệu về chất lượng đào tạo của một trường kỹ thuật cung cấp lực lượng giáo viên dạy nghề và kỹ sư kỹ thuật có tay nghề cao cho vùng ĐBSCL và cả nước trong những năm qua.

PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- cho rằng: “Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm hơn 92% đó là một trong những minh chứng về hiệu quả từ mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Bên cạnh các đối tác truyền thống, nhà trường còn liên tục mở rộng các mối liên kết với các đối tác trong và ngoài nước”.

Thời gian qua, công tác phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh luôn được các cấp chính quyền, địa phương quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, nguồn lực kinh phí... đáp ứng kịp thời yêu cầu đào tạo nghề và nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nhà.

Ông Trần Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long- cho rằng: “Chúng tôi luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và chủ trương chính sách để phát triển, chỉ đạo để xây dựng đề án phát triển Trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long từ đó trường được nâng cấp thành Trường CĐ Vĩnh Long như ngày nay. Từ 5 giảng viên có trình độ thạc sĩ năm 2014 đến nay, chúng tôi đã có 31 giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên”.

Gắn với nhu cầu doanh nghiệp

Học viên không chỉ được đào tạo kỹ năng nghề, tiếp cận và thực tập tại các doanh nghiệp mà còn được học các kỹ năng mềm về tin học, ngoại ngữ, ý thức kỷ luật lao động, tác phong giao tiếp... nên tay nghề được nâng cao, chất lượng nguồn nhân lực bảo đảm, được nhiều doanh nghiệp tin tưởng.

Các trường CĐ, ĐH trên địa bàn tỉnh đã tập trung đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực và năng lực người học, kết hợp với các cơ sở thực hành, thực tập, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo.

Thanh niên sinh viên Vĩnh Long sang Nhật Bản làm việc.
Thanh niên sinh viên Vĩnh Long sang Nhật Bản làm việc.

Học viên Huỳnh Thanh Nhã- năm 2 ngành Cắt gọt kim loại, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long- cho biết: “Thầy cô dạy dễ hiểu, chương trình thực hành nhiều nên em mau chóng biết nghề. Ra trường em sẽ đi làm thêm ít năm sau đó về quê tự mở một tiệm sắt nho nhỏ”.

Để phát huy hơn nữa những thế mạnh và thành tựu trong việc đẩy mạnh liên kết giữa Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long và doanh nghiệp trong thời gian tới, PGS.TS. Cao Hùng Phi cho rằng: “Chúng tôi đã xác định đào tạo theo hướng tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chương trình và tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực của nhà trường. Từ đó xây dựng chiến lược, kế hoạch thực hiện chương trình và hướng đến thực hiện mục tiêu đào tạo”.

Dạy nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, giúp học sinh- sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường.
Dạy nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, giúp học sinh- sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường.

Song song đó, trường này thiết lập bộ phận chuyên trách thực hiện hoạt động liên kết, hợp tác với doanh nghiệp. Các hình thức và chiến lược liên kết như: ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo và chuyển giao công nghệ hoặc trở thành cổ đông của những doanh nghiệp.

Cũng từ cách thức liên kết này, nhà trường có thể thâm nhập sâu vào doanh nghiệp để nắm được yêu cầu về nhân lực chất lượng cao, nhu cầu chuyển giao công nghệ... Đây cũng là điều kiện để nhà trường ĐH quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực và hiệu quả đầu tư tài chính trước xu thế “tự chủ ĐH”.

Các trường CĐ, ĐH Vĩnh Long thường xuyên cập nhật nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp. Định kỳ tiếp xúc, tìm hiểu nhu cầu nhân lực của DN để góp phần xây dựng chuẩn đầu ra cho quá trình đào tạo.

Trường CĐ Nghề Vĩnh Long đã tăng cường quan hệ, ký kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Kết quả đã quan hệ hợp tác với hơn 60 doanh nghiệp, tổ chức ký kết ghi nhớ hợp tác đào tạo cung ứng nguồn lao động có tay nghề với 16 doanh nghiệp.

Đào tạo gắn kết với doanh nghiệp đã giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Vĩnh Long xây dựng thương hiệu với doanh nghiệp, uy tín với phụ huynh học sinh, sinh viên. Nhờ đó, nhiều năm liền các trường này tuyển sinh đạt chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ học sinh- sinh viên ra trường có việc làm trên 90%.

Giai đoạn 2020- 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Long xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa hàng đầu, trong đó ưu tiên tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp của hệ thống chính trị, từng bước chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho biết trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào các nội dung sau: chủ động trong công tác đào tạo, nhất là những ngành nghề phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Làm tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực, có chiến lược và lộ trình cụ thể trong tương lai gần và xa hơn. Sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội và nhu cầu của thị trường lao động địa phương và khu vực. Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ và giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực của địa phương, nhất là đào tạo nghề.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN