Du lịch Việt Nam tăng trưởng "thần kỳ"

Cập nhật, 09:56, Thứ Hai, 30/12/2019 (GMT+7)

Việt Nam là 1 trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN về thu hút lượng khách quốc tế

Du khách tham quan sông nước miền Tây. Ảnh: TẤN THẠNH
Du khách tham quan sông nước miền Tây. Ảnh: TẤN THẠNH

Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng trên 16% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng trên 6%).

Tổng thu từ du lịch ước đạt trên 720.000 tỉ đồng (tăng trên 16%). Tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm liên tiếp của ngành du lịch đạt 22%/năm. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Khách quốc tế tăng gấp đôi trong 3 năm

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng để có được "trái ngọt" hôm nay, ngành du lịch đã phải vượt qua những khó khăn, thăng trầm không thể đong đếm.

Đặc biệt, những tháng cuối năm 2019 cực kỳ căng thẳng để vươn đến mục tiêu đạt 18 triệu lượt khách quốc tế.

"Việc đạt được 1,8 triệu lượt khách quốc tế mỗi tháng trong 2 tháng liên tiếp là con số khủng khiếp. Đến hết tháng 9-2019, tôi vẫn không dám mong đạt được 18 triệu mà chỉ nghĩ tới con số 17,5 triệu lượt khách quốc tế cả năm 2019" - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng tốc độ tăng trưởng của du lịch Việt Nam thời gian qua là "câu chuyện thần kỳ". Chỉ trong 3 năm (từ 2016-2018), Việt Nam tăng gấp đôi lượng khách quốc tế, từ 8 triệu lên gần 16 triệu.

"Có được những thành tựu này, ngoài sự phấn đấu của ngành du lịch còn có sự đóng góp của các bộ, ngành, địa phương; của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và toàn thể xã hội" - Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL nhìn nhận.

Nhìn lại sự phát triển của du lịch Việt trong năm 2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng đây là một năm có nhiều bước phát triển đột phá.

Trong đó, đáng chú ý là Việt Nam nhận được nhiều danh hiệu danh giá do Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (WTA) trao tặng: Ðiểm đến Golf tốt nhất thế giới; Ðiểm đến Di sản hàng đầu thế giới; Ðiểm đến hàng đầu châu Á năm thứ 2 liên tiếp...

Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Trong 3 lần xếp hạng (2 năm/ lần), du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 75/141 nền kinh tế (năm 2015) lên vị trí 63/140 (năm 2019).

Ông Khánh cho rằng đây là những kết quả phải trải qua rất nhiều khó khăn mới đạt được trong hoàn cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại; cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng; tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, du khách đến từ Trung Quốc liên tục suy giảm.

Tuy nhiên, song song đó, việc tổ chức thành công nhiều sự kiện như Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2, Ðại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc Vesak 2019 đã tạo nhiều cơ hội thuận lợi để quảng bá du lịch Việt Nam.

Mục tiêu đón 20,5 triệu khách quốc tế

Năm 2020, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt trên 830.000 tỉ đồng.

Tổng cục Du lịch chỉ rõ 12 nhiệm vụ cụ thể để đạt được những mục tiêu trên, trong đó có việc phổ biến và triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 sau khi được Chính phủ phê duyệt; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 69 năm thành lập ngành du lịch; triển khai và đưa Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhân các sự kiện Năm Chủ tịch ASEAN 2020; điều tra tài nguyên và nguồn nhân lực du lịch Việt Nam...

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Quang Tùng cho biết Tổng cục Du lịch đang thực hiện nhiều vai, đó là cả quản lý nhà nước và xúc tiến du lịch, trong khi trên thế giới, những việc này phải có 2 cơ quan thực hiện.

Do vậy, Tổng cục Du lịch phải chỉ rõ đâu là nhiệm vụ ưu tiên và tập trung thực hiện; đồng thời công tác quản lý nhà nước cũng cần đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và dự báo được tình hình phát triển mới.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế quản lý liên kết vùng về phát triển du lịch; phát triển du lịch thông minh; tập trung được sức mạnh tổng hợp của khối nhà nước và tư nhân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đánh giá lại các quy hoạch… để đưa ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn.

Cải thiện ô nhiễm môi trường

Tổng cục Du lịch thừa nhận ngành du lịch đang đối diện với nhiều thách thức và thời gian tới phải tập trung khắc phục việc chưa tạo được sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia. 

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số thành phố lớn, vấn đề xử lý rác thải ở các khu du lịch biển, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập. 

Công tác quảng bá xúc tiến du lịch chưa bài bản, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy... Tất cả điều này cần được cải thiện để du khách tới Việt Nam nhiều hơn.

 

Theo NLĐO