Câu chuyện du lịch Việt Nam

Cập nhật, 09:49, Thứ Ba, 26/02/2019 (GMT+7)

Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới Zurab Pololikashvili cho rằng: “Có những con người đóng góp tích cực cho ngành du lịch, nhưng thường họ ở phía sau “hậu trường” và không nhận được sự công nhận xứng đáng”.

Do đó, thông qua 20 câu chuyện du lịch Việt Nam phiên bản tiếng Việt, là những bằng chứng trực tiếp về việc làm thế nào du lịch có thể tác động đến tất cả 17 mục tiêu phát triển du lịch bền vững của Tổ chức Du lịch thế giới. Xin giới thiệu 2 câu chuyện là “những người quen”.

Tour du khách tham gia làm lúa, làm rẫy cùng nông dân của Công ty Mekong travel.
Tour du khách tham gia làm lúa, làm rẫy cùng nông dân của Công ty Mekong travel.

Người thiết kế bản đồ du lịch Việt Nam

Câu chuyện giới thiệu về anh Trương Hoàng Phương. Vào đầu năm 1995, từ hướng dẫn viên (HDV) anh được Công ty Dịch vụ lữ hành Sài Gòn (Saigontourist) điều chuyển lên phòng sản phẩm chuyên thiết kế tour, tuyến mới phục vụ du khách quốc tế.

Còn nhớ, đây cũng là khoảng thời gian tôi từng cộng tác làm HDV tiếng Nhật tại Saigontourist. Đây là buổi đầu sơ khai chúng ta đón tiếp rất nhiều đoàn khách Nhật, nhưng đội ngũ HDV tiếng Nhật vừa yếu vừa thiếu cả ngoại ngữ lẫn kiến thức xã hội. Tại đây, chúng tôi đã có những buổi tọa đàm về thuyết minh, về kiến thức văn hóa, lịch sử…

Tôi nhớ có nhà văn Sơn Nam và anh Trương Hoàng Phương. Lần đầu chúng tôi có khái niệm về địa lý du lịch; bởi anh Phương vốn học Khoa Địa lý- Trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Kiến thức chuyên môn này quả thật hữu ích khi được ứng dụng vào việc thiết kế, xây dựng các chương trình tour. Rất hay và khoa học.

Ban đầu anh Phương được giao viết những ấn phẩm giới thiệu du lịch cho khách quốc tế, hàng năm làm cuốn “tour program” (chương trình tour) dày khoảng 200 trang để phục vụ cho các hãng lữ hành. Đến năm 1998, Trương Hoàng Phương cho ra sản phẩm bản đồ du lịch hoàn toàn khác biệt với những bản đồ thông thường trước đây.

Bản đồ du lịch hiển thị những tuyến đường nhanh nhất, an toàn nhất mà du khách có thể cảm nhận được từng cung đường trong bản đồ. Thí dụ đi đến ngã ba, bản đồ du lịch sẽ ghi tên gọi theo dân gian và chú ý một số điểm nhấn khách nên ghé lại tham quan.

Năm 2006, anh Phương nghỉ việc tại Saigontourist và thành lập Công ty Vietmart chuyên loại hình du lịch team building (loại du lịch nghỉ dưỡng theo nhóm với các hoạt động tập thể, huấn luyện ngoại khóa…).

Cùng thời gian này, anh thiết kế 2 loại bản đồ du lịch, loại cung cấp cho các hãng lữ hành; một phát cho khách lẻ dưới dạng tài liệu nghiên cứu của sinh viên. Cho đến nay, công ty của anh Phương là đơn vị duy nhất làm bản đồ du lịch.

Thời gian gần đây, anh Trương Hoàng Phương có nhiều chuyến đến Vĩnh Long thông qua các đoàn famtrip hoặc khảo sát cá nhân. Chúng ta hy vọng, trong những sản phẩm bản đồ du lịch đồng bằng sắp tới, sẽ xuất hiện nhiều địa danh, nhiều sản phẩm của du lịch Vĩnh Long. Đây sẽ là kênh quảng bá nhanh nhất, trực tiếp, hiệu quả và tiết kiệm nhất.

Cầu nối tấm lòng vàng với hoàn cảnh khó khăn

Câu chuyện thứ hai kể về nhân vật làm du lịch ở tỉnh Vĩnh Long chúng ta là chị Phạm Thị Ngọc Trinh (Út Trinh)- Công ty Mekong travel. Đây cũng là niềm vui khi Vĩnh Long được xuất hiện trong ấn phẩm uy tín, có sức lan tỏa mạnh trong lĩnh vực du lịch.

Từ năm 2005, chị cùng chồng là anh Nguyễn Văn Bình thành lập công ty riêng với vốn liếng là 5 chiếc tàu du lịch chở khách. Đến nay, công ty đã có đội tàu 32 chiếc có thể chở từ 14 khách đến 49 khách. Tàu lớn trị giá khoảng 500 triệu đồng/chiếc, tàu nhỏ khoảng trên 100 triệu đồng/chiếc.

Cụm Homestay Út Trinh ở cù lao An Bình (Long Hồ) được xây dựng từ năm 2008 đến nay đã thu hút đông đảo lượng khách quốc tế và không ngừng phát triển những ý tưởng, những sản phẩm mới. Và năm Homestay Út Trinh đạt giải ASEAN Standart (Việt Nam có 3 giải).

Tuy nhiên, lý do để Út Trinh được đưa vào câu chuyện du lịch Việt Nam chính là các chương trình tour lồng ghép các hoạt động từ thiện, kết nối cho du khách nước ngoài tiếp cận và hỗ trợ với những gia đình khó khăn ở nông thôn, thông qua nhiều hình thức; trong đó nổi bật là xây nhà từ thiện mà chính du khách là người tự tay xây nhà cho bà con ở nông thôn.

Tour du khách tham gia làm lúa, làm rẫy cùng nông dân của Công ty Mekong travel.
Tour du khách tham gia làm lúa, làm rẫy cùng nông dân của Công ty Mekong travel.

Trung bình, mỗi năm công ty thực hiện khoảng 10 căn nhà; trong hơn chục năm qua, chị đã kết nối cho du khách xây tặng người dân trên 100 căn nhà, mỗi căn nhà trị giá khoảng 40 triệu đồng. Sắp tới Công ty Mekong travel sẽ mở rộng hoạt động qua tỉnh Bến Tre, trước mắt sẽ xây 12 phòng tại cù lao Tam Hiệp.

Đánh giá về những câu chuyện du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng:

“Ngành du lịch Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân theo hướng tích cực, đặc biệt, những người sống ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo…Thành quả của du lịch Việt Nam không thể không nói đến những con người dung dị đang hàng ngày tham gia vào hoạt động du lịch với tinh thần trách nhiệm cao”. 

Những câu chuyện du lịch Việt Nam sẽ giúp nhiều người hoạt động thầm lặng trong lĩnh vực du lịch trở nên tỏa sáng; giúp cho du khách, thế giới có cái nhìn gần gũi hơn, thân thiện hơn với đất nước và con người, văn hóa Việt Nam.

Những câu chuyện du lịch Việt Nam, do Tổ chức Du lịch thế giới phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xây dựng ấn phẩm. Đây là phiên bản tiếng Việt, sau những phiên bản tiếng Trung Quốc, Thái Lan, Philippines,… nhằm giúp mọi người có cái nhìn sâu sắc hơn về những người làm trong ngành du lịch và những công việc của họ.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG