Giao thông- Điểm nghẽn trong phát triển du lịch ĐBSCL

Cập nhật, 12:54, Chủ Nhật, 16/09/2018 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong bảy vùng du lịch trọng điểm cả nước, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, có núi rừng và biển đảo.

Tuy nhiều năm qua ĐBSCL nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch, mời gọi du khách; nhưng tốc độ tăng trưởng du lịch so với các vùng khác còn chậm. Một trong những điểm nghẽn trong phát triển du lịch ĐBSCL chính là giao thông.

Du khách đi bộ trên đường làng cù lao An Bình
Du khách đi bộ trên đường làng cù lao An Bình

Hai mươi năm trước theo nhóm du khách Mỹ tham gia Cantho City Tour bằng du thuyền theo tuyến bến Ninh Kiều - chợ nổi Cái Răng - rạch Cái Sơn Hàng Bàng - rạch Khai Luông - bến Ninh Kiều ai cũng thấy thích thú.

Đây là cung đường du lịch đường sông rất đẹp và hấp dẫn, bởi không chỉ có nét độc đáo của chợ nổi Cái Răng (1 trong 10 chợ nổi điểm đến thế giới), mà du khách còn được len lỏi vào những con rạch nhỏ với hai bên bờ rợp mát bóng cây vườn cây ăn trái.

Những vườn mận chín đỏ hay những vườn xoài cát Hòa Lộc trĩu quả khiến du khách trầm trồ. Bây giờ, du khách tìm lại cõi xưa thì không còn nữa, sông rạch lâu ngày không được nạo vét, ghe xuồng khó đi lại; dân cư hai bờ đông đúc, vứt rác bừa bãi, môi trường ô nhiễm. Không ít du khách nước ngoài nuối tiếc tour này.

Cần Thơ có nhiều điểm đến hấp dẫn du khách nhưng hầu hết nằm ở miệt vườn nên giao thông đường bộ còn nhiều bất cập.

Du khách muốn trải nghiệm Pizza hủ tiếu Sáu Hoài, không đi ô tô đến nơi được, mà phải đi thuyền; hay đến trải nghiệm vườn ca cao Mười Cương phải đi bộ một đoạn mới đến nơi. 

Không chỉ riêng ở TP Cần Thơ mà hầu hết các tỉnh, thành ĐBSCL đang trong tình trạng như vậy. Trước đây, về Mũi Cà Mau không có đường bộ, đò giang cách trở, du khách rất hạn chế.

Sau khi đầu tư đường nối liền Quốc lộ 1 về Mũi Cà Mau thì du khách tăng nhanh. Tuy nhiên, hiện nay Cà Mau vẫn còn có điểm nghẽn đến rừng U Minh Hạ.

Do hạn chế về giao thông nên đến rừng U Minh Hạ chủ yếu bằng ô tô 16 chỗ. Tuy vậy cũng vẫn chưa vào tận nơi được mà phải đi bộ cả cây số mới đến điểm tham quan.

Những địa danh du lịch nổi tiếng của Đồng Tháp như Gáo Giồng, Tràm Chim Tam Nông… đường giao thông vẫn chật hẹp.

Cù lao An Bình nổi tiếng là điểm đến miệt vườn sông nước Vĩnh Long có lợi thế về giao thông thủy, nhưng sông rạch nơi đây phù sa bồi lắng, thuyền ghe thường mắc cạn.

Khi chúng tôi theo đoàn Famtrip TP Hồ Chí Minh tham quan trải nghiệm cù lao An Bình, không ít lần mắc cạn phải lên xuống thuyền.

ĐBSCL được đánh giá là vùng đất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, được nhiều tổ chức du lịch nước ngoài bình chọn là điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Tuy nhiên nơi đây chưa có tuyến hàng không quốc tế. Giao thông đường bộ với trục chính vẫn là Quốc lộ 1 nhưng hiện chỉ có khoảng 50km đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (Tiền Giang).

Điều đó cũng là điểm nghẽn du lịch, bởi hiện nay du khách quốc tế hay nội địa đến TP Cần Thơ hay nơi khác trong vùng ĐBSCL phải đi bằng đường bộ rất mất nhiều thời gian.

Tại Hội thảo “Quản lý và phát triển du lịch ĐBSCL” do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa tổ chức, ông Trần Minh Triết, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, cho rằng: “Áp lực giao thông cũng là một trong những khó khăn trong phát triển du lịch của vùng, việc di chuyển tốn nhiều thời gian hơn thời gian tham quan, trải nghiệm.

Thế mạnh du lịch ĐBSCL là giao thông thủy phục vụ du lịch, song lại không chú trọng đầu tư khai thông luồng lạch, cảnh quan môi trường, phương tiện đường thủy đặc trưng và an toàn, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt là khách quốc tế”.

PGS.TS Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh, đã có nhiều nghiên cứu về du lịch ĐBSCL, nhận định: “So với 10 năm trước, hệ thống cầu đường toàn khu vực hiện được xây dựng tương đối đồng bộ nhưng vẫn chưa đảm bảo tính kết nối vùng như mong đợi.

Cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch ĐBSCL chưa phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại”. Đối với hệ thống giao thông thủy, toàn vùng có bờ biển dài hơn 700km, hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt với chiều dài hơn 28.000km (trong đó có 13.000km có khả năng khai thác vận tải, chiếm 73% chiều dài đường sông cả nước).

Thế nhưng, giao thông đường thủy chưa được khai thác tốt, gây nhiều khó khăn, thách thức cho phát triển du lịch vùng ĐBSCL.

Theo HUỲNH BIỂN (Báo Cần Thơ Online)