Về Tây Bắc

"Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu"

Cập nhật, 13:41, Thứ Ba, 08/05/2018 (GMT+7)

Những ngày tháng 5 lịch sử, nhiều đoàn du khách lên vùng Tây Bắc tham quan hệ thống di tích chiến trường Điện Biên Phủ.

64 năm về trước, tại mảnh đất hào hùng ở “lòng chảo Điện Biên” này, quân và dân Việt Nam làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” gắn với cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp lừng danh thế giới.

Du khách chụp hình lưu niệm tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Du khách chụp hình lưu niệm tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Du khách đến với Điện Biên hôm nay có thể lật giở từng trang sử hào hùng của chiến dịch năm xưa bằng chuyến tham quan quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ.

Đây là nơi đã từng diễn ra cuộc chiến Điện Biên Phủ vào năm 1954, tái hiện lại chiến công hiển hách của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược.

Và đó chính là sức hút khó cưỡng với du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan và chiêm nghiệm nhiều câu chuyện gắn với những bài học lịch sử từng “chấn động địa cầu”.

Bảo tàng Chiến thắng nằm đối diện với Nghĩa trang Liệt sĩ trên đồi A1, nơi tái hiện rất sinh động trận chiến Điện Biên Phủ oai hùng năm nào.

Hơn 1.000 tài liệu, hiện vật, ảnh, mô hình,… đã khái quát một phần sinh động, rõ nét của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta mà cao trào là 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”.

Làm sao tránh khỏi xúc động khi bắt gặp nghĩa quân dân, tình đồng đội, đồng chí và cao hơn hết là tình yêu Tổ quốc, yêu hòa bình của các chiến sĩ Điện Biên?

Từng đoàn du khách đến thắp hương, không khỏi xúc động trước sự hy sinh quả cảm của những chiến sĩ vì độc lập, tự do của Tổ quốc trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nghĩa trang có 644 ngôi mộ, song hầu hết đều vô danh, chỉ có 4 ngôi mộ là có bia khắc đủ họ tên là của các anh hùng: Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót và Trần Can.

Du khách nghe thuyết minh về Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Du khách nghe thuyết minh về Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Những anh hùng ngã xuống cho hòa bình hôm nay có thể đến từ nhiều vùng quê, nhiều dân tộc khác nhau rồi nằm lại đất này đều có chung một lý tưởng: vì Tổ quốc Việt Nam.

Điểm nhấn quan trọng trong quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ chính là đồi A1- là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi.

Tại đây, quân Pháp đã bố trí công sự kiên cố, vững chắc với vũ khí tối tân, hiện đại. Trận tiến công cứ điểm đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Qua 39 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, sáng 7/5/1954, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1, mở đường cho đợt tổng công kích cuối cùng vào sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp để giành thắng lợi hoàn toàn.

Cách đồi A1 khoảng 700m về phía Đông là hầm De Castries. Hầm dài 20m, rộng 8m, bao gồm 4 gian được xây dựng hết sức kiên cố với vòm sắt, ván gỗ, bao cát, hàng rào dây thép gai dày đặc.

Tại căn hầm này vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954, Tạ Quốc Luật- Chỉ huy trưởng Đại đội 360 (Trung đoàn 209, Sư đoàn 312) đã bắt sống tướng De Castries tại bàn làm việc.

Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân ta đã được cắm trên nóc hầm De Castries, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên cứ điểm đồi D1, được xây dựng trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử. 

Tượng có chiều cao 16,6m, chất liệu bằng đồng, gồm 3 bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến, quyết thắng.

Bức phù điêu được đặt ngay dưới chân tượng đài chiến thắng, với các hình ảnh: hình Bộ Chính trị họp quyết định tiến hành chiến cuộc Đông Xuân và chiến dịch Điên Biên Phủ, cảnh dân công tải gạo phục vụ chiến dịch, cuộc kéo pháo lịch sử và trận đánh trên đồi A1…

Cuối cùng là hình ảnh những chiến sĩ phất cao lá cờ chiến thắng trên hầm tướng De Castries. Đây là công trình văn hóa, nghệ thuật mang đậm giá trị lịch sử, tính nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa to lớn, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trải qua 64 năm, song Tượng đài Chiến thắng vẫn sừng sững giữa đất trời Điện Biên lịch sử và cùng với các di tích khác của chiến trường năm xưa như:

Đồi A1, cầu Mường Thanh, Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Mường Phăng,... đã trở thành những địa danh trường tồn cùng đất nước.

Những di tích lịch sử cách mạng này mãi mãi là minh chứng cho sự tồn tại và phát triển bền vững của mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.

Tuy nằm ở ngoại ô nhưng Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là một điểm du lịch không thể tách rời trong quần thể di tích. Sở Chỉ huy nằm trong khu rừng nguyên sinh thuộc xã Mường Phăng (huyện Điện Biên), cách TP Điện Biên Phủ 25km về phía Đông.

Tại đây, Đại tướng- Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, mà đỉnh cao là  lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày 7/5/1954, làm nên Chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” (thơ Tố Hữu).

Về Tây Bắc, về với Điện Biên, thăm lại chiến trường xưa, để hồi tưởng, tri ân những con người đã làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc, để yêu hơn đất nước, con người Việt Nam bất khuất, kiên cường.

Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể di tích này hiện có 45 điểm di tích thành phần; trong đó có 8 điểm được đưa vào phục vụ khách tham quan, gồm: Nhà trưng bày Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hầm De Castries, Ðồi A1, Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại Mường Phăng, tượng đài Chiến thắng tại TP Ðiện Biên Phủ, tượng đài Kéo pháo tại di tích đường kéo pháo bằng tay xã Nà Nhạn, di tích Him Lam và bãi duyệt binh mừng chiến thắng tại xã Mường Phăng.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG