Đưa du lịch Mang Thít thành ngành kinh tế quan trọng, là điểm đến hấp dẫn

Cập nhật, 06:04, Thứ Ba, 05/12/2017 (GMT+7)

Được 2 nhánh sông Cổ Chiên và sông Măng bao bọc, cùng hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt, phân bố khá đồng đều; đồng thời, sông Măng nối liền sông Tiền với sông Hậu, huyện Mang Thít được cho là có nhiều thuận lợi phát triển du lịch đường sông và du lịch sinh thái sông nước miệt vườn.

Làng nghề sản xuất gạch, gốm dọc theo sông Cổ Chiên, kinh Thầy Cai là một trong những thế mạnh để Mang Thít phát triển du lịch. Ảnh: Thanh Bình (TP Vĩnh Long)
Làng nghề sản xuất gạch, gốm dọc theo sông Cổ Chiên, kinh Thầy Cai là một trong những thế mạnh để Mang Thít phát triển du lịch. Ảnh: Thanh Bình (TP Vĩnh Long)

Nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Về đường bộ, huyện Mang Thít có QL53 đi qua và các Đường tỉnh: 902, 903, 907, 909 nên thuận tiện liên kết giao thương với các địa phương khác trong tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh lân cận.

Tại đây, 2 điểm dừng chân (xã Chánh Hội và xã Tân An Hội) thường xuyên thu hút được lượng khách du lịch nhất định đến tham quan.

Đến với Mang Thít, du khách sẽ tận hưởng những làn gió man mát mang theo mùi hương lúa mới, thưởng thức trái cây;

đặc biệt là môi trường sinh thái còn lưu giữ nét tự nhiên của thiên nhiên ban tặng và tính cách mộc mạc, chất phác, giàu lòng hiếu khách của con người nơi đây chắc chắn sẽ mang lại cho du khách những cảm giác an bình, thân thiện.

Du khách cũng có thể đến tham quan, chiêm ngưỡng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang và các di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh:

đình Bình Phước, đình Long Mỹ, đình Tân Thắng để hiểu rõ hơn về truyền thống đấu tranh của quân và dân Mang Thít nói riêng, tỉnh Vĩnh Long nói chung trong quá trình khai hoang, mở đất và trong kháng chiến chống quân xâm lược.

Bên cạnh đó, những làng nghề sản xuất gạch, gốm dọc theo sông Cổ Chiên và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đang phát triển mạnh, cũng là những điểm nhấn quan trọng để thu hút khách du lịch, nhất là du khách quốc tế đến với Mang Thít.

Theo thống kê, huyện Mang Thít có 1 khách sạn, 1 nhà hàng, 100% xã- thị trấn được phủ sóng điện thoại và có kết nối Internet tạo thuận lợi cho du khách liên lạc, trao đổi thông tin xuyên suốt, liên tục mọi lúc, mọi nơi.

Hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe phát triển đều khắp, các dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí: bể bơi, sân tennis, sân cầu lông, sân bóng đá mini, cơ sở thể dục thẩm mỹ, võ thuật, CLB bida, cơ sở massage… cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đây được xem là những yếu tố cơ bản, để huyện tiếp tục đầu tư, nâng cấp các dịch vụ phục vụ du lịch trong thời gian tới.

Đề cập đến vấn đề này, đầu năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Mang Thít đã ban hành Kế hoạch số 16-KH/HU về phát triển du lịch giai đoạn 2015- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nhằm định hướng và tạo hành lang pháp lý cho người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Đưa Mang Thít thành điểm đến hấp dẫn

Tiềm năng đã có, tuy nhiên theo nhận định du lịch Mang Thít hiện chưa có cơ sở du lịch trọng điểm để làm vệ tinh kết nối với các mô hình du lịch làng nghề, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái sông nước miệt vườn; sản phẩm du lịch địa phương chưa tạo được thương hiệu đặc trưng và còn trùng lắp với nhiều địa phương trong vùng.

Để thúc đẩy du lịch Mang Thít phát triển mạnh và bền vững, vừa qua Chủ tịch UBND huyện Mang Thít đã quyết định ban hành Kế hoạch phát triển du lịch huyện giai đoạn 2015- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa du lịch Mang Thít cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, hiện đại.

Mang Thít còn có những vườn cây trĩu quả là điểm đến tham quan lý tưởng của khách du lịch miệt vườn. Ảnh: VINH HIỂN
Mang Thít còn có những vườn cây trĩu quả là điểm đến tham quan lý tưởng của khách du lịch miệt vườn. Ảnh: VINH HIỂN

Sản phẩm du lịch đạt chất lượng cao, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa lúa nước, văn minh miệt vườn, thân thiện với môi trường và là điểm đến hấp dẫn với du khách.

Huyện cũng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch địa phương theo hướng du lịch sinh thái sông nước kết hợp với văn hóa, trang trại, làng nghề, mua sắm, vui chơi giải trí, trải nghiệm đời sống không gian lúa nước ĐBSCL.

Trong đó, lấy thị trấn Cái Nhum làm khu vực trung tâm để quy hoạch và phát triển dịch vụ du lịch trọng điểm như xây dựng từ 1- 2 khách sạn đạt chuẩn 1- 2 sao, cùng nhiều nhà nghỉ, khu nhà hàng ẩm thực và phát triển làng nghề gạch, ngói truyền thống để giới thiệu, phục vụ khách tham quan.

Với lợi thế sông nước bao quanh, đặc biệt khu nuôi trồng thủy sản thuộc xã Chánh An có nhiều loài tôm, cá nước ngọt cư ngụ là điều kiện thuận lợi cho huyện tạo nên sản phẩm ẩm thực đặc trưng, nhằm tạo sự khác biệt so với những địa phương khác.

Huyện cũng tổ chức phát động, hướng dẫn người dân cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái có thế mạnh: bưởi da xanh, măng cụt, chôm chôm, thanh long, hoa màu, cây cảnh;

hỗ trợ nông dân làm du lịch, tạo điều kiện cho du khách được tham quan, trải nghiệm trong việc trồng rau, màu trên rẫy, sạ lúa trên đồng ruộng, tát mương bắt cá cùng nông dân.

Đối với loại hình du lịch tâm linh, huyện từng bước lập kế hoạch tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, đưa vào khai thác di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang và giới thiệu với du khách hoạt động của các lễ hội truyền thống:

lễ Thượng điền, Hạ điền ở các đình; định kỳ tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch, các giải thể thao gắn với lễ kỷ niệm quan trọng trong năm: đua xuồng truyền thống, trò chơi dân gian… để tạo không khí vui tươi, sôi động, hấp dẫn đối với du khách khi đến du lịch tại huyện Mang Thít.

Từ những cách làm thiết thực, hiệu quả huyện sẽ phát triển được nhiều loại hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo, nâng cao vị thế du lịch của địa phương trên bản đồ du lịch khu vực và tạo ra nhiều việc làm, tăng nguồn thu, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Cơ bản đến năm 2020, huyện xây dựng hình ảnh du lịch Mang Thít là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, tin cậy và là điểm đến tiêu biểu với loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp.

MINH TRIẾT