Về miền Tây nhớ ghé thăm chợ nổi

Cập nhật, 14:30, Thứ Ba, 21/03/2017 (GMT+7)

 

Du khách thích thú chọn món của “quán ăn” trên sông này.
Du khách thích thú chọn món của “quán ăn” trên sông này.

Miền Tây được mệnh danh là xứ sở của sông nước. Từ yếu tố này, cùng hệ thống hàng trăm chợ nổi tỏa khắp Nam Bộ đã tạo nét riêng không lẫn vào đâu được của vùng đất Chín Rồng.

Từ Sài Gòn xuôi về Đất Mũi, bạn sẽ gặp chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), chợ nổi Cái Nước, chợ nổi Thới Bình (Cà Mau)...

Từ sáng sớm, các khu chợ nổi trở nên nhộn nhịp tàu ghe cùng tiếng rao ngọt ngào của mấy cô, chú “bạn hàng”. Những chiếc ghe chở đầy các loại nông sản: mít, chuối, các loại bầu bí, khoai,… được treo lủng lẳng trên các cây bẹo để “quảng cáo”. Ai bán thứ gì thì cứ việc treo hết lên cây bẹo để người mua dễ dàng tìm mua thứ mình cần.

Cây bẹo là hình tượng độc đáo nhất ở chợ nổi, một cách bẹo hàng khá ấn tượng chỉ có ở chợ nổi. Ở những chợ vùng trên như Cái Răng, Cái Bè hay Ngã Năm, Phụng Hiệp, cây bẹo được bà con sử dụng cây tầm vông dài và thẳng đứng, cắm bên ghe và treo lên đó đủ thứ mà ghe mình có bán.

Còn đối với các chợ nổi vùng dưới như Gành Hào, U Minh, Thới Bình, Tắc Cậu cũng có cây tầm vông như chợ nổi vùng trên, nhưng nhiều ghe thương hồ còn chọn cây đước, cây vẹt, được làm cho sạch bóng và giữ nguyên nhiều nhánh làm dụng cụ bẹo hàng.

Bà con lý giải vì miền dưới còn nhiều cầu khỉ, cây đước nhỏ, thấp nên có thể đi qua được, còn tầm vông quá cao nên nhiều nơi đi qua chẳng lọt.

Nếu như trước đây chợ nổi chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa người bản địa với dân thương hồ từ các nơi khác tới thì giờ đây chợ nổi lại trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách thập phương.

Chúng tôi tìm đến chợ nổi Cái Răng vào một sáng tinh sương. Để ra được tận nơi khu chợ nằm giữa sông chúng tôi thuê xuồng của một người dân gần đó với giá 200.000đ.

Anh Nguyễn Văn Chín- người lái xuồng kiêm hướng dẫn viên bất đắc dĩ hôm đó- cho chúng tôi hay: anh vốn làm nông, chiếc xuồng này là phương tiện chở hàng của gia đình nhưng hễ rảnh anh lại nhận chở khách tham quan chợ nổi kiếm thêm thu nhập. Theo anh Chín, chợ nổi Cái Răng đông đúc nhất là vào khoảng từ 6- 8 giờ sáng.

Các sản phẩm nông sản chủ lực của chợ này được tập trung từ những tỉnh lân cận và cả nông sản đặc trưng.

Đến đây, ngoài được tận mắt mục sở thị đời sống thương hồ, du khách còn được thưởng thức khá nhiều đặc sản, từ ly cà phê sáng thơm tho mùi sương sớm, tô bún riêu chan chứa vị đồng bằng, hay những loại bánh dân gian được các chị, các mẹ chuẩn bị sẵn trên những chiếc ghe tam bản tỏa khắp chợ để phục vụ du khách.

“Ai bún riêu, cà phê hông? Cà phê, ăn sáng gì hông cưng?”- tiếng cô Bé Hai vui vẻ chào mời. Anh bạn tôi vốn là dân Sài Gòn, lâu lắm mới có dịp về miền Tây, nghe tiếng mời chào ngọt lịm đặc chất miền Tây, liền thích thú gọi tô bún.

Vừa nhận lấy tô bún riêu từ tay cô Bé Hai, anh đã vội kêu thêm ly cà phê đá. Tô bún nóng hổi thơm lừng. Vừa ăn vừa hít hà, anh bạn cứ tấm tắc khen “ngon ơi là ngon”.

Chốc chốc chiếc xuồng lại chòng chành lắc lư, “đây là lần đầu tiên anh được ăn trên mặt nước như vậy đó!” Chính mùi thơm quyến rũ cùng cung cách phục vụ chân chất nhà quê khiến ai có dịp đến đây đều nhủ lòng quay trở lại.

Rời chợ nổi Cái Răng khi buổi chợ bắt đầu tan, xe chúng tôi lại bon bon tiến thẳng về Phụng Hiệp. Được hình thành những năm đầu của thế kỷ trước, chợ nổi Phụng Hiệp là đầu mối giao thông thủy lớn nhất Nam Kỳ lúc bấy giờ, tác động mạnh đến thị trường nông sản miền Tây.

“Ngôi sao Phụng Hiệp”- như người Pháp thường gọi- còn được dự kiến lập thành thương cảng cho cả vùng Hậu Giang mênh mông ngày trước. Với hệ thống hàng trăm chợ nổi lớn nhỏ đang tồn tại ở ĐBSCL hiện nay thì Phụng Hiệp được xem là chợ nổi độc đáo và lớn nhất.

Chú Hương- một cư dân sống ở chợ nổi này trên 30 năm- chia sẻ: “Ở chợ này, mùa nào cũng có những nhiếp ảnh gia đến để chụp ảnh, có thể là hình chợ nổi quê tôi đã có mặt khắp thế giới rồi!” Chúng tôi là những lữ khách, nghe mà mừng cho hình ảnh chợ nổi miền Tây.

Du khách tới đây sẽ cảm thấy bạt ngàn màu sắc của trái cây, rau, các đồ dùng sinh hoạt miền sông nước. Nhìn từ trên cao, chợ nổi Phụng Hiệp như bức tranh sơn dầu mà ở đó, vị họa sĩ tài ba đã vẽ nên cái hồn, cái cốt của một miền đất có trầm tích văn hóa lâu đời thông qua những nét sinh hoạt nên thơ ở một ngôi chợ.

Ở đây, mỗi phương tiện chỉ bán một loại trái cây, hay một loại sản phẩm nào đó. Và, sản phẩm đó sẽ được treo lên một cây sào cao, để bẹo hàng, tượng trưng như để thông báo rằng: “tôi là nhãn”, “còn tôi là xoài”, mời anh chị ghé mua.

Những cô gái điều khiển tắc ráng chở đầy rau củ quả từ những con rạch nhỏ đi ra tập trung nơi chợ nổi, không chỉ chào bán các loại nông sản nhà trồng thơm tho đẹp mắt, mà nụ cười lúng liếng của những cô gái miền Tây cũng tạo nên nét thiện cảm chân tình cho những khách lãng du.

Đến đây nhất định phải mua cho được những đặc sản cây trái về làm quà. Chúng tôi vội tấp ghe vào hàng quýt, trái to bóng bẩy.

“Anh chị mua quýt đi, quýt vườn nhà em trồng, đảm bảo ngon ngọt à nghen”- tiếng Út Lành mời mọc, rồi cô bé tách trái quýt mời chúng tôi dùng thử y như kiểu “cây nhà lá vườn” miệt miền Tây. Anh bạn cứ ngây ngất khen cô bé xinh, quýt thì ngọt. Vậy là mua hơn chục ký về để làm quà.

“Lần sau về nhớ ghé mua quýt ủng hộ em nghen”- Lành mời như thế. Còn đối với tôi cũng như anh bạn thành phố của mình, dù không nói, nhưng ai cũng có suy nghĩ là nhất định sẽ trở lại.

Chúng tôi chào tạm biệt những mái chèo khua trên mặt nước, chào tạm biệt lời hỏi han í ới của các bạn hàng, tạm biệt ly cà phê sáng mai cùng tô bún riêu còn vương mùi chất phác. Và, tạm biệt nụ cười cô bé bán trái cây để rồi mai đây thôi chúng tôi sẽ trở lại, như trở về mái nhà chợ nổi gợi chút thân thương, ấm áp, nghĩa tình.

Bài, ảnh: TRẦN NGỌC