Trà Ôn: Manh nha phát triển du lịch cộng đồng

Cập nhật, 13:44, Thứ Tư, 18/01/2017 (GMT+7)

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Trà Ôn bắt đầu hình thành một số mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với những điều kiện tự nhiên sẵn có. Đây có thể xem là hướng đi mới để phát triển thêm một ngành kinh tế, giúp đóng góp vào phát triển địa phương…

Ông Tám Trong dẫn chúng tôi đi một vòng điểm du lịch sinh thái của ông nằm trong “Làng du lịch cộng đồng cù lao Mây”.
Ông Tám Trong dẫn chúng tôi đi một vòng điểm du lịch sinh thái của ông nằm trong “Làng du lịch cộng đồng cù lao Mây”.

Hình thành điểm mới du lịch miệt vườn

Chúng tôi đến cồn Công (xã Phú Thành- Trà Ôn) tìm hiểu một số mô hình được người dân tự phát triển, học tập và triển khai ở loại hình du lịch sinh thái. Với vẻ hoang sơ vốn có, du khách nếu đi bằng đường bộ phải “luồn” qua từng mảnh vườn bưởi hàng chục năm tuổi, những bờ đê gắn liền với sông nước miền Tây.

Điểm du lịch Tư Dô (ấp Phú Xuân, xã Phú Thành) là điểm mới được thành lập từ tháng 9/2016 với nhiều nét còn sơ khai.

Ông Lê Văn Dô- chủ điểm du lịch này- cho biết, tuy mới hoạt động nhưng lượng khách đến tham quan, tham gia dịch vụ cũng tương đối ổn định, hàng tháng có trên dưới 100 khách đến và cũng có khách nước ngoài.

Ông Dô cho biết, tận dụng lợi thế vườn chôm chôm đang cho trái, một vài loại cây ăn trái trồng xen kết hợp với cảnh quan thiên nhiên đặc trưng vùng sông nước Nam Bộ nên du khách rất thích. “Sắp đến, tôi sẽ kết hợp với một số hộ dân xung quanh để tạo ra nhiều loại hình dịch vụ khác nhau, từ đó đẩy mạnh loại hình du lịch sinh thái ở đầu cồn Công này”.

Trong khi đó, đưa vào khai thác sớm hơn là điểm du lịch sinh thái Tám Trong (ấp Phú Xuân) cũng nằm ở đầu cồn Công. Lượng du khách ở đây ổn định hơn, việc quảng bá cũng chủ động và chuyên nghiệp hơn. Điểm du lịch này cũng có cây trái quanh năm, ao nuôi cá và các trại lán ẩm thực rất “bài bản” dân dã.

Ông Nguyễn Văn Trong- chủ điểm du lịch Tám Trong- cho biết mô hình được mở từ tháng 6/2016 và cũng đã chủ động liên kết với một số công ty du lịch. Tuy lượng khách lúc ít, lúc nhiều, nhưng nhìn chung, điều kiện để phát triển du lịch sinh thái ở đây là thuận lợi.

“Du khách đến đây đều rất thích cảnh quan của cồn Công do còn vẻ hoang sơ, cách tiếp đón cũng mộc mạc, gần gũi và không bị thương mại hóa. Nếu được nhiều hộ mở dịch vụ này, có thể nói nơi đây sẽ trở thành một làng du lịch sinh thái, cộng đồng không thua gì các nơi khác đã có tiếng... ”- ông Trong chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Phú Thành Hồ Nhật Thế, cho biết: Một số hộ gia đình tự phát làm du lịch sinh thái và từ bước đầu cũng đã có lượng khách nhất định.

“Loại hình này phát triển sẽ giúp tiêu thụ tại chỗ sản phẩm nông nghiệp, giải quyết việc làm nông nhàn, tăng thu nhập hộ gia đình, đặc biệt là quảng bá thế mạnh, hình ảnh của địa phương”- ông Thế phân tích về một số thuận lợi ban đầu.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND xã- Ngô Công Khanh, phát triển mô hình này hiện nay địa phương còn khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng.

Đồng thời, người dân cũng chưa biết làm du lịch nên thời gian tới, cần có sự quan tâm nhiều từ các ngành chức năng, đặc biệt là sự hỗ trợ để phát triển cơ sở hạ tầng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ du lịch,...

 

Ông Lê Văn Dô: Chúng tôi muốn xây phòng ốc để làm du lịch cộng đồng nhưng vẫn chưa thể làm. Chúng tôi cần sự quan tâm đầu tư từ cơ quan chức năng, làm sao để tận dụng địa thế, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển mô hình, tăng nguồn thu nhập hộ gia đình nói riêng, địa phương nói chung...

Gắn các loại hình du lịch... phát triển du lịch

Báo cáo 1 năm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-TU (ngày 6/11/2015) của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển du lịch giai đoạn 2015- 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Ban Thường vụ Huyện ủy Trà Ôn cho biết, hiện nay du lịch sinh thái sông nước miệt vườn tập trung ở các xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành, ấp Tích Khánh (xã Tích Thiện) có diện tích tự nhiên gần 4.700ha.

Vùng cù lao nổi tiếng với “cây lành trái ngọt” có nhiều loại trái cây đặc sản truyền thống của Nam Bộ: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nhãn, bưởi,... gắn làng nghề “trứ danh” bánh tráng cù lao Mây, đã sơ khởi cho ra các loại hình lưu trú du lịch homestay, du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp ẩm thực và đờn ca tài tử, du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp du lịch tâm linh,...

Theo thống kê năm qua, du lịch sinh thái miệt vườn gắn với làng nghề thu hút hơn 2.300 lượt khách, tăng gần 1.600 lượt khách so năm 2015.

Một con số không lớn, nhưng bước đầu- như sự manh nha các điểm, làng du lịch sinh thái nơi đây- đã là dấu hiệu dự báo những bước phát triển kế tiếp của những làng, điểm du lịch này, cả chất lượng lẫn số lượng, cả cung lẫn cầu.

Về phát triển du lịch, bà Trương Thị Xuân Hòa- Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Trà Ôn cho biết, đơn vị sẽ cụ thể hóa đề án phát triển du lịch địa phương theo lộ trình. Sẽ phối hợp cơ quan cấp trên và có liên quan xây dựng các đề án phát triển du lịch tùy điều kiện thực tế và tài nguyên du lịch địa phương sẵn có.

Làng du lịch cộng đồng Cù Lao Mây.
Làng du lịch cộng đồng Cù Lao Mây.

Nói về du lịch sinh thái mới bắt đầu, bà cho rằng với tiềm năng: nguồn tài nguyên thiên nhiên có (sông nước miệt vườn, cây trái), thêm nữa là gần trung tâm TP Cần Thơ nên có điều kiện tiếp xúc, thu hút và phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Triều- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trà Ôn- trao đổi với phóng viên hồi cuối năm rồi đã khái quát: phát triển du lịch theo đề án, lộ trình của tỉnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp vào phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Trong đó, chú trọng vào các điểm đặc thù huyện sẵn có, để phát triển du lịch sinh thái gắn với làng nghề; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và phát triển cộng đồng; phát triển và kết hợp hài hòa các loại hình du lịch trên phục vụ đa dạng nhu cầu du khách...

 

Địa bàn huyện Trà Ôn có 6 di tích cấp tỉnh (đình, chùa) và 1 di tích cấp quốc gia (Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát), ngoài ra có 81 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng dân gian. Kết hợp cùng với điều kiện sông nước miệt vườn, vườn cây ăn trái, làng nghề,... sẽ tạo cơ hội hình thành và phát triển nhiều loại hình du lịch.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI- KHÁNH DUY