Du lịch: cần "sạch sẽ" và "tôn trọng khách"

Cập nhật, 14:19, Thứ Ba, 19/04/2016 (GMT+7)

Năm Du lịch quốc gia 2016- Phú Quốc- ĐBSCL với chủ đề “Khám phá đất phương Nam” đã chính thức khai mạc vào tối 10/4 tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Đây không chỉ là sự kiện quan trọng đối với Phú Quốc, mà còn là cơ hội để các tỉnh trong khu vực ĐBSCL giới thiệu, quảng bá những nét đẹp về phong cảnh, văn hóa và vùng đất của những con người miền Tây rất đỗi nhân hậu và nghĩa tình.

Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc được trình diễn tại lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2016.
Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc được trình diễn tại lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2016.

Phú Quốc- Điểm sáng về du lịch

Phát biểu tại lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận những kết quả của ngành du lịch đạt được thời gian qua và không ngừng lớn mạnh. Từ đầu thập niên 1990 đến nay, lượng du khách quốc tế đã tăng hơn 30 lần, du khách nội địa tăng gần 60 lần và doanh thu từ du lịch tăng hơn 240 lần.

Du lịch không chỉ đóng góp hơn 6,3% vào tổng sản phẩm kinh tế quốc dân, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, mà còn là nhịp cầu giao lưu văn hóa, tăng cường hợp tác hữu nghị với các dân tộc, các quốc gia.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của Phú Quốc và khẳng định: “Du lịch không chỉ liên quan đến phong cảnh, tới văn hóa mà còn đòi hỏi về hệ thống hạ tầng, cơ sở tiện dụng từ giao thông đến cơ sở lưu trú.

Do đó, chúng ta cần tạo ra môi trường đầu tư thật sự thuận lợi, để phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch là điều kiện cần thiết hàng đầu, Phú Quốc là một minh chứng sống động”.

Vẫn những người dân Phú Quốc ấy, vẫn những người Nam Bộ trung trực, can trường, nghĩa tình, chịu thương, chịu khó ấy, vẫn biển ấy, rừng ấy, nhưng khi có sân bay mới, có điện lưới, có các dự án đầu tư du lịch quy mô lớn của những nhà đầu tư uy tín, đủ tiềm lực thì hòn đảo này vụt chuyển mình, hướng tới một thiên đường du lịch
tiềm năng.

Hãy nhìn lại những năm 2000, hòn đảo này mỗi năm chỉ đón khoảng 100.000 lượt du khách, hơn 10 năm phát triển liên tục tới năm 2013 cũng mới đạt 600.000 lượt du khách. Nhưng đến năm 2014, số du khách tăng vọt lên 1.050.000 lượt người và năm 2015 Phú Quốc đã đón 1.630.000 lượt du khách, mang lại doanh thu gần 100 triệu USD.

Bước phát triển ngoạn mục của Phú Quốc trong những năm gần đây và trở thành một điểm sáng, một biểu tượng về sự bứt phá của kinh tế- xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Thành công của Phú Quốc là kinh nghiệm và cũng tạo niềm tin cho du lịch Việt Nam.

Làm tốt 2 điều: “sạch sẽ” và “tôn trọng khách”

Năm 2015, ngành du lịch có nhiều dấu mốc đáng nhớ, không chỉ tăng trưởng ấn tượng với 43% về doanh thu, 48% về du khách nội địa, du lịch còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền và toàn xã hội trong việc xác định những vướng mắc, tồn tại đi liền với những giải pháp tháo gỡ, khắc phục, thúc đẩy phát triển.

Đất nước đang đứng trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ để phát huy mọi nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng. Có thể nói, du lịch là một trong những tiềm năng lớn, một lợi thế so sánh của nước ta, không chỉ ở điều kiện tự nhiên, mà còn ở kho tàng văn hóa giàu và đậm bản sắc dân tộc.

Đó là những bãi biển đẹp chạy dài, những khu rừng nguyên sơ, những hang động kỳ thú được hình thành từ hàng triệu năm. Đó là những những mái đình, mái chùa, truyền thống đạo đức tốt đẹp được trao truyền lại qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước rất đỗi hào hùng và nhân văn của dân tộc.

Trên thế giới, ngành công nghiệp không khói này ngày càng được chú trọng nhưng cạnh tranh cũng ngày càng cao.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng du lịch của ta vẫn còn thua kém với không ít nước có lợi thế về thiên nhiên, văn hóa tương tự. Nói cách khác, du lịch Việt Nam giống như nền kinh tế Việt Nam vẫn còn chưa thật sự có sức cạnh tranh cao.

Để du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Du lịch không thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nếu không có một hệ thống cơ sở hạ tầng đủ tốt.

Chúng ta cần tập trung xử lý rốt ráo những vướng mắc, tồn tại đã được nhận diện, đó là những thủ tục hành chính liên quan tới xuất nhập cảnh, đi lại, lưu trú, đầu tư, kinh doanh…

Cần được cải cách để tạo thuận lợi nhất cho du khách và người kinh doanh du lịch. Chung tay thực hiện những giải pháp đồng bộ để không còn nạn trộm cắp, ăn xin, bắt chẹt, mất vệ sinh, mất lịch sự,… vẫn còn ở không ít nơi.

Tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, sửa đổi, từ bỏ những việc làm, thói quen không tốt, ảnh hưởng xấu đến du lịch. Chính quyền phải thật sự vào cuộc với đầy đủ trách nhiệm và kỷ cương hành chính. Những việc này thật sự không cần nhiều vốn đầu tư, nhưng lại có ý nghĩa và tác dụng lớn.

Nguồn nhân lực cũng là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch, nhưng rút kinh nghiệm từ bài học thành công ở nhiều nước, chúng ta chỉ cần làm tốt 2 điều là cũng làm cho du khách hài lòng hơn nhiều. 2 điều này không cần trường lớp lớn, cũng chưa cần giỏi ngoại ngữ, đó là “sạch sẽ” và “thái độ tôn trọng khách”.

Tất cả mọi nơi, tất cả mọi thứ từ to tới nhỏ đều phải thật sạch sẽ, tất cả mọi lời nói, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười đều phải khởi phát từ tấm lòng tôn trọng khách.

Mọi người hy vọng và tin rằng, bằng hành động thiết thực của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, du lịch vùng ĐBSCL nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung sẽ có bước phát triển ấn tượng trong năm 2016, tạo đà cho một thời kỳ phát triển nhanh và bền vững hơn.

 

“Nét đẹp của cảnh, của người như trong “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh” không chỉ là niềm tự hào của Kiên Giang mà của cả ĐBSCL- vùng đất với những cánh đồng lúa bời bời, những vườn cây trĩu quả, vùng đất của những con người hiền lành mà anh hùng, nhân hậu và rất mực nghĩa tình...

 

Nét đẹp đó không thể lột tả hết bằng một vài lời, ấy là tiềm năng to lớn mà ngành du lịch cùng các địa phương cần khơi dậy, cần phát huy”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN- MINH TÂM