"Bắt mạch" cho du lịch Vĩnh Long

Cập nhật, 07:15, Thứ Ba, 08/12/2015 (GMT+7)

Thực ra thì những yếu kém đã được chỉ rõ từ lâu, nhưng “bắt mạch” lần này là sự thể hiện quyết tâm đến cùng của lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương, để “bổ toa” một cách hữu hiệu nhất.

Với việc lần đầu tiên Tỉnh ủy ban hành nghị quyết riêng cho du lịch, được xem là sự kiện đáng mừng của ngành; đồng thời là “cú hích” mạnh mẽ cho những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể hơn, quyết liệt hơn.

Du lịch sông nước cần chú trọng phát triển.
Du lịch sông nước cần chú trọng phát triển.

 “Gỡ rối” cho du lịch cộng đồng

Những chuyến đi “con thoi” gần đây của các đơn vị quản lý, của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) tỉnh Vĩnh Long, cho thấy động thái có sự “dịch chuyển” trong tư duy quản lý ở tầm chiến lược phát triển, lẫn những chương trình hành động cụ thể.

Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Long, vừa mang “đặc sản” sông nước cùng với Cụm du lịch phía Đông, tham gia Tuần văn hóa- Du lịch ĐBSCL tại Hà Nội, với rất nhiều hoạt động giới thiệu quảng bá, cùng các cuộc hội thảo quan trọng, đây là bước chạy đà cho Năm du lịch 2016 diễn ra tại Kiên Giang.

Gần đây là tham gia giao lưu, giới thiệu sản phẩm cùng các đối tác du lịch đến từ Kansai (Nhật Bản). Cùng với rất nhiều hoạch định chuẩn bị triển khai trong năm 2016, nhiều người cảm nhận rằng “guồng máy” du lịch đã bắt đầu chuyển động thực sự.

Mới đây, một cuộc tọa đàm vừa tổ chức tại Khu du lịch Vinh Sang, đã có hầu như đầy đủ lãnh đạo ngành, để lắng nghe những phản ánh về khó khăn, đề xuất kiến nghị, cả những thắc mắc nhỏ nhặt nhất như cái bàn, cái tủ đến cả cái... mắc áo.

Cao hơn mục đích nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm ra giải pháp phát triển dịch vụ homestay; chính là để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, các cơ sở tham gia dịch vụ du lịch trên địa bàn, rằng họ “không cô độc” trong sân chơi này, như phát biểu của ông Lê Thanh Tuấn- Giám đốc Sở VH, TT và DL.

Qua cuộc tọa đàm, mọi người vỡ lẽ nhiều điều, trong đó vấn đề thủ tục vẫn chưa có sự tương thông giữa chủ cơ sở và các cơ quan hữu quan như công an, chính quyền cấp xã, vô tình làm khó khăn cho cả hai phía.

Nếu ngành chủ quản không quan tâm gỡ rối cho những chuyện tưởng nhỏ như thế này, thì khó mà mong cả “guồng máy” du lịch có thể vận hành trơn tru, nói chi đến việc chạm đến những mục tiêu xa hơn.

Ông Nguyễn Trí Nghiệp- đại diện cho Homestay Tám Hổ- đề xuất một số giải pháp, trong đó có việc cần đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, ở cái xứ cù lao mà “phía trước là sông, bên hông là rạch, sau hè là ao vũng, việc đi lại khó khăn”.

Ông cho biết trong 2 năm tới dự định đầu tư, mở rộng dịch vụ trên diện tích 1,7ha; tuy nhiên vẫn còn khá băn khoăn về hiệu quả do tiềm lực tài chính, một phần lo lắng tình trạng cạnh tranh không lành mạnh hiện nay. Đó cũng là ý kiến của homestay Út Trinh, thay vì liên kết để phát triển thì vẫn phổ biến tư tưởng “ghen ăn, tức ở” của các nhà vườn, đã làm giảm giá trị của các dịch vụ.

Cần có sự khơi thông, kết nối giữa các doanh nghiệp, các chủ cơ sở, nếu không sẽ khó lòng triển khai hiệu quả những chương trình quảng bá, thu hút ở tầm vĩ mô; bởi đây chính là những con người trực tiếp tham gia và cung cấp dịch vụ cho du khách.

Những câu chuyện tưởng nhỏ vậy, nhưng là nguyên nhân “trì níu” đối với chuyến tàu du lịch và chúng ta vẫn mãi giữ cái cách “ra biển lớn bằng xuồng ba lá”.

Nét đẹp nhà xưa.
Nét đẹp nhà xưa.

Tầm nhìn rộng

Cần nhắc lại xưa xưa một chút, chính người làm du lịch Vĩnh Long đã mở “cửa ngõ” du lịch này, và cũng là những người đầu tiên qua đây khảo sát các ngôi nhà cổ rồi thiết kế tour ở đây. Đến khi lãnh đạo địa phương ủng hộ mạnh mẽ cho người dân làm du lịch bằng rất nhiều quyết sách, sự hỗ trợ, thì hầu như mọi thứ cũng đã được... dọn sẵn rồi.

Một câu chuyện nữa mà chúng ta cần rút tỉa kinh nghiệm, là cách làm du lịch cộng đồng và thái độ ứng xử của người Nhật đối với di sản nhà cổ.

Để có sản phẩm làng du lịch nhà cổ Đông Hòa Hiệp ngày nay, người Nhật đã theo đuổi và nghiên cứu hơn 10 năm trời với những chuyên gia hàng đầu về nhà cổ, mà cụ thể là GS Hiromichi đã “ăn cơm ký” hàng chục năm nay. Xa hơn, là họ đã dành ra hơn 20 năm để nghiên cứu các làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Phước Tích (Huế) và Hội An (Quảng Nam).

Tại cuộc tọa đàm về homestay, ông Phan Văn Giàu- Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL, chia sẻ rằng: Sắp tới, sở sẽ mời một số nhà nghiên cứu hàng đầu về du lịch, các doanh nghiệp lớn ở TP Hồ Chí Minh, cùng ngồi lại nghiên cứu thật kỹ nghị quyết du lịch, từ đó có những đóng góp cụ thể và đề ra kế hoạch, chiến lược phát triển phù hợp cho du lịch Vĩnh Long.

Đó là ở tầm nhìn rộng, thuộc về định hướng của cơ quan quản lý; còn ở khâu dịch vụ, phục vụ trực tiếp, là những chủ cơ sở, chính quyền địa phương cũng cần được thường xuyên nâng cao nhận thức, được mở rộng tầm nhìn bằng các cuộc tham quan học tập.

Thời gian qua, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch đã có những lớp tập huấn homestay rất hữu ích. Giám đốc Lê Thanh Tuấn cũng cho biết sắp tới cần có những chuyến đi “mắt thấy, tai nghe” cho các nhà vườn, có thể bằng kinh phí hỗ trợ, có thể bằng xã hội hóa.

Những tác phẩm từ trái cây như thế này chưa được quan tâm để hướng đến dịch vụ homestay chất lượng cao.
Những tác phẩm từ trái cây như thế này chưa được quan tâm để hướng đến dịch vụ homestay chất lượng cao.

Tại Lễ hội du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp vừa qua, GS Hiromichi cho biết, phía Nhật Bản đã tổ chức nhiều chuyến tham quan các làng cổ ở Nhật, cho lãnh đạo địa phương, các chủ nhà cổ tham gia du lịch; ngược lại cũng đã mời các chuyên gia, doanh nghiệp phía Nhật Bản đến đây xây dựng và có những góp ý thiết thực. Đó là những cách làm cẩn trọng, khoa học và Vĩnh Long cũng cần “lôi kéo” những cầu nối hiệu quả như thế này.

Chúng ta mong mỏi và tin rằng, với việc ra đời nghị quyết về du lịch và sự quan tâm, tâm huyết của lãnh đạo ngành, sẽ tạo nên sức bật mạnh mẽ, mang tính đột phá, sớm đưa du lịch Vĩnh Long trở lại “quỹ đạo” phát triển trong những năm sắp tới. Cụ thể, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai.

 

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tầm nhìn 2030, cùng với cả nước, du lịch Vĩnh Long cơ bản từ ngành kinh tế quan trọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa lúa nước, văn minh miệt vườn, thân thiện môi trường.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG