Bệnh trĩ kéo dài dẫn đến thiếu máu

Cập nhật, 14:24, Thứ Sáu, 04/06/2021 (GMT+7)

(VLO) Gần đây, tôi đi vệ sinh thấy ra máu đỏ tươi và thường nhỏ thành giọt hoặc bắn thành tia. Có phải tôi bị bệnh trĩ không? Làm thế nào để phòng ngừa bệnh trĩ?

Nguyễn Trần Hồng Tân (Quới An- Vũng Liêm)

Trả lời: Trĩ là bệnh lý của đường tiêu hóa phổ biến ở người lớn tuổi, thường gặp trong độ tuổi từ 35- 65 và giảm dần sau đó.

Người mới mắc bệnh trĩ thường không có triệu chứng hoặc chỉ có cảm giác khó chịu vùng hậu môn khi đi ngoài, lâu dần sẽ đi ngoài ra máu và đau rát nhiều hơn.

Bệnh trĩ ngoại thường được phát hiện sớm, do người bệnh có thể sờ thấy khi vệ sinh. Với bệnh trĩ nội, người bệnh chỉ nhận biết khi đi ngoài ra máu đỏ tươi biểu hiện bằng cách thấy máu dính trên giấy vệ sinh, máu nhỏ giọt… 

Ở giai đoạn nặng, búi trĩ sa hẳn bên ngoài hậu môn dẫn đến viêm sưng, nhiễm trùng gây triệu chứng đau, biểu hiện rõ khi bệnh nhân ở tư thế ngồi trên ghế. Nếu bệnh kéo dài sẽ dẫn đến thiếu máu.

Đề phòng mắc bệnh trĩ, điều quan trọng nhất là không để bị táo bón. Khi đi ngoài, không nên rặn quá nhiều. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ để tăng nhu động ruột. Hạn chế dùng nhiều chất kích thích, không ăn nhiều thực phẩm cay, nóng, chiên xào.

Thường xuyên vận động, chăm chỉ luyện tập thể thao, tránh ngồi một chỗ quá lâu. Tập thói quen đi đại tiện đúng giờ và không nên nhịn đại tiện quá lâu. Vệ sinh cơ thể và vùng hậu môn sạch sẽ mỗi ngày.

Khi có các dấu hiệu mắc bệnh trĩ, người bệnh nên đến trung tâm y tế huyện hoặc bệnh viện tỉnh để bác sĩ thăm khám và có hướng dẫn cụ thể.

BS PHAN GIA HOÀNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)