Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân số

Cập nhật, 11:03, Thứ Ba, 30/03/2021 (GMT+7)

(VLO) Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số (DS) trong tình hình mới, tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách DS từ kế hoạch hóa gia đình sang DS và phát triển, ngành DS tỉnh triển khai đồng loạt nhiều giải pháp và đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác DS vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Làm tốt công tác dân số giúp trẻ em có điều kiện được chăm sóc, học tập tốt hơn.
Làm tốt công tác dân số giúp trẻ em có điều kiện được chăm sóc, học tập tốt hơn.

Những kết quả tích cực

Thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương khóa XII về công tác DS trong tình hình mới, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã luôn quan tâm chỉ đạo, kịp thời triển khai thực hiện.

Các ban ngành, đoàn thể địa phương đã phối kết hợp chặt chẽ với đội ngũ cán bộ, cộng tác viên DS- kế hoạch hóa gia đình nỗ lực trong thực hiện về công tác DS trong tình hình mới.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh từ 108,9 bé trai/100 bé gái năm 2017 giảm xuống còn 106,7 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh từ 40,4% tăng lên 75%; tỷ lệ trẻ được sàng lọc sơ sinh từ 25,7% tăng lên 85,3%.

Các đề án, mô hình, giải pháp can thiệp nhằm nâng cao chất lượng DS được triển khai duy trì và mở rộng mang lại kết quả tích cực.

Nổi bật, để thực hiện chính sách thích ứng với già hóa DS, ngành y tế đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) giai đoạn 2018- 2025.

Nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe NCT đã được xây dựng và triển khai có hiệu quả; đặc biệt là sự quan tâm đầu tư ngân sách để tổ chức triển khai công tác chăm sóc sức khỏe NCT tại 27 xã thuộc 8 huyện- thị- thành.

Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ NCT được khám sức khỏe định kỳ hàng năm từ 7- 10%; tỷ lệ NCT được quản lý và chăm sóc sức khỏe năm 2020 là 56,5%.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn Nguyễn Chí Hiếu cho biết, thông qua thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe NCT, tỷ lệ người cao tuổi ở huyện được khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe tăng lên hàng năm, tỷ lệ NCT có BHYT hiện nay là 92,47%.

Huyện thành lập và duy trì sinh hoạt hàng tháng các CLB; lồng ghép, hỗ trợ các hoạt động chăm sóc NCT.

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác DS vẫn còn gặp những khó khăn và thách thức. Theo Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, Vĩnh Long thuộc nhóm tỉnh có mức sinh thấp, tỷ số giới tính khi sinh chưa được kiểm soát ổn định, tốc độ già hóa DS đang diễn ra nhanh, tình trạng di dân tăng nhanh đa số là người trẻ tuổi, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư tại các khu công nghiệp còn gặp nhiều hạn chế.

Một trong những trọng tâm của công tác DS tỉnh nhà là phấn đấu đưa mức sinh tiến dần đến mức sinh thay thế.
Một trong những trọng tâm của công tác DS tỉnh nhà là phấn đấu đưa mức sinh tiến dần đến mức sinh thay thế.

Mức sinh có xu hướng giảm thấp từ 1,9 con/phụ nữ năm 2017 xuống còn 1,82 con/phụ nữ năm 2020. “Hiện còn một số xã trên 113 bé trai/100 bé gái; mặt khác, việc lạm dụng khoa học, công nghệ trong việc lựa chọn giới tính thai nhi,… cũng là thách thức của tỉnh”- Phó Giám đốc Sở Y tế- Hồ Thị Thu Hằng cho biết thêm.

Một khó khăn khác là cộng tác viên DS đa phần kiêm nhiệm thêm nhiều chương trình y tế khác, trình độ học vấn không đồng đều. Đội ngũ cộng tác viên DS- kế hoạch hóa gia đình cấp huyện thường xuyên biến động, thù lao còn thấp (¼ mức lương tối thiểu), khiến các cộng tác viên không quá mặn mà với công tác DS.

Mặt khác, một số sản phẩm truyền thông, phương tiện truyền thông chưa đáp ứng nhu cầu cả về chất lượng lẫn số lượng, chưa phân nhỏ nhóm đối tượng…

Là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer, UBND xã Tân Mỹ (Trà Ôn) kiến nghị “hỗ trợ tuyên truyền thêm bằng hình thức gắn bảng hình ảnh, tài liệu tuyên truyền bằng tiếng dân tộc về công tác DS ở những ấp có đông đồng bào dân tộc và định kỳ hàng năm có kinh phí tuyên truyền đặc thù”- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Ngô Vĩnh Tuân nói.

Đồng bộ giải pháp, kết hợp nguồn lực

Theo Nghị quyết 21-NQ/TW, công tác DS không chỉ chú trọng tới mục tiêu kế hoạch hóa gia đình như trước mà cần phải gắn liền với các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh- các yếu tố liên quan đến phát triển nhanh, bền vững đất nước để nâng cao vị thế con người Việt Nam góp phần phát triển đất nước phồn vinh.

Theo Giám đốc Sở Y tế- Văn Công Minh, để thực hiện mục tiêu dân số trong tình hình mới, cần đề cao tính tiên phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu trong việc thực hiện chính sách DS.

Phát huy lợi thế của thời kỳ DS vàng, chú trọng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ DS toàn diện.

Công tác tuyên truyền cho người dân đóng vai trò quan trọng.
Công tác tuyên truyền cho người dân đóng vai trò quan trọng.

Đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đưa mức sinh tiến dần đến mức sinh thay thế, cụ thể tăng 4% tổng tỷ suất sinh bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến năm 2025 là 1,88 con/phụ nữ và tăng 6% đến năm 2030 là 1,99 con/ phụ nữ.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe NCT (từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với giai đoạn già hóa DS …

Bên cạnh đó, để thực hiện được các mục tiêu nâng cao chất lượng DS còn là trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương và toàn xã hội.

Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh- Huỳnh Minh Đức kiến nghị cần bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác DS; thực hiện phân bổ kinh phí tập trung cho cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, địa bàn có mức sinh thấp. Đặc biệt, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên DS.

Trong buổi giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 137/NQ- CP về thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 25/10/2017 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về công tác DS trong tình hình mới tại Sở Y tế, ông Trần Văn Ý- Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh lưu ý cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đưa công tác DS là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác lãnh- chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; đẩy mạnh phối hợp liên ngành, phát huy mạnh mẽ vai trò của BCĐ công tác DS; phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể từng ngành, từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện mục tiêu DS.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận đa dạng, đi vào chiều sâu; kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác DS theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến năm 2020, DS tỉnh Vĩnh Long hơn 1 triệu người; tổng tỷ suất sinh bình quân của một phụ nữ là 1,82 con; tuổi thọ bình quân đạt 75,5 tuổi; trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 15,9%. Mặt khác, Vĩnh Long đứng thứ 2 của vùng và đứng hàng thứ 4 cả nước về tốc độ già hóa DS; đứng thứ 6 cả nước về tỷ suất xuất cư.

Bài, ảnh: TUYẾT NGA