Nghề và việc với người nông thôn

Cập nhật, 15:25, Thứ Ba, 12/01/2021 (GMT+7)

Có thể khái quát 3 thực thể này đối với hoạt động triển khai và hiệu quả đã đạt được của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long trong 10 năm qua.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đặt hàng của doanh nghiệp với các nghề: may công nghiệp, cơ khí- hàn nở rộ trong năm qua.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đặt hàng của doanh nghiệp với các nghề: may công nghiệp, cơ khí- hàn nở rộ trong năm qua.

Nghề, việc và người lao động

10 năm trước, khi cụ thể hóa đề án này theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011- 2020, Vĩnh Long lập BCĐ tỉnh và BCĐ các cấp, đồng thời đưa các nhóm mục tiêu, nhiệm vụ cho từng giai đoạn trong 10 năm. Và ở đó, các hoạt động của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã cơ bản đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ ấy.

Anh Hoài Hận làm công việc lắp ráp tại một cơ sở đóng và sửa chữa tàu ở xã Tân Mỹ (Trà Ôn) đã 5 năm nay. Cùng 17 học viên khác làm các công việc tại cơ sở này, anh đăng ký học lớp nghề hàn do Trung tâm Dịch vụ việc làm, phòng chức năng huyện và cơ sở trên phối hợp tổ chức. Trường học là ụ tàu, học liệu là các con tàu được sửa chữa, làm mới... Anh chân thật: Học chuyên môn từ thầy sẽ giúp mình có kiến thức căn bản hơn và làm tốt hơn công việc đang làm!

Cũng trong định mức 18 học viên mỗi lớp, Thùy Trang cùng các bạn bắt đầu khóa học nghề điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi, người bệnh trong 3 tháng trước khi sang Nhật Bản làm việc có thời hạn theo hợp đồng (còn gọi xuất khẩu lao động). Dịch COVID-19 trong năm qua đã ảnh hưởng rất lớn đến các khóa đào tạo nghề nông thôn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Việc mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với tạo nguồn xuất khẩu lao động trên, dẫu gần cuối năm, nhưng vẫn là một tín hiệu rất đáng mừng, về sự phục hồi của công tác lao động, việc làm, hoạt động đưa người lao động tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Anh Thạch Day (ngụ xã Tân Mỹ) làm thầu công trình và tham gia học lớp nghề xây dựng dân dụng mở ở xã. Như anh em, ngày tổng kết lớp anh Thạch Day nói đã biết thêm kiến thức, quy chuẩn sắt thép, bê tông, nền móng, an toàn thiết bị và an toàn lao động: Anh em học viên lớp nghề xây dựng đã hiểu theo tầm hiểu của mình để làm việc hiệu quả hơn”.

Xây dựng dân dụng cũng là một nghề nông thôn có nhu cầu lớn. Trong ảnh: Ngày lễ tổng kết lớp nghề xây dựng dân dụng ở xã Tân Mỹ.
Xây dựng dân dụng cũng là một nghề nông thôn có nhu cầu lớn. Trong ảnh: Ngày lễ tổng kết lớp nghề xây dựng dân dụng ở xã Tân Mỹ.

Các chị phụ nữ học nghề may công nghiệp tiếp xúc với tôi đã hồ hởi về bản thân rằng: sẽ làm tốt hơn để ổn định và nâng thu nhập. Còn chị em học nghề pha chế nói: sẽ biết làm các loại thức uống trong các dịp lễ lạt của gia đình hay thậm chí mở quán nho nhỏ để làm nghề, tham gia vào dịch vụ du lịch...

Trong giai đoạn 2010- 2020, toàn tỉnh đã tổ chức 4.503 lớp đào tạo nghề cho 100.267 lao động nông thôn. Cụ thể 2010- 2015, tổ chức được 3.214 lớp đào tạo nghề/67.495 lao động nông thôn; 2016- 2020, tương ứng 1.289 lớp/32.772 lao động nông thôn (trong đó năm 2020 đào tạo hơn 5.800 người).

Trên 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 60 ngành nghề (25 nghề nông nghiệp, 35 nghề phi nông nghiệp) được người lao động nông thôn đăng ký tham gia học. Đáng chú ý có hàng trăm lớp đào tạo nghề cho hàng ngàn lao động nông thôn các xã điểm nông thôn mới phục vụ xây dựng nông thôn mới.

 

Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm với người nông thôn

Thật ra, anh Hoài Hận, Thạch Vay hay chị em phụ nữ trong các lớp nghề may công nghiệp, các anh, các chú học lớp nghề hàn đều đã biết và làm tốt công việc của mình. Từ nhu cầu doanh nghiệp, yêu cầu thị trường, yếu tố chính sách và ý thức người học đã hình thành các lớp dạy nghề, hình thức việc làm đa dạng và rộn tiếng cười như vậy.

Công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được quan tâm chú trọng: đào tạo nghề theo địa chỉ, đơn đặt hàng; doanh nghiệp tuyển dụng, bao tiêu sản phẩm; được tư vấn tự tạo việc làm, vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh; đào tạo nghề gắn tạo nguồn lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... Trong cả giai đoạn, 87.863 người (87,63%) lao động nông thôn sau đào tạo nghề có việc làm ổn định.

Theo ông Trần Văn Khái- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, 10 năm qua, Đề án 1956 được hầu hết các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hàng năm.

Qua đó, giải quyết các nhóm mục tiêu: đào tạo ngành nghề theo chủ trương định hướng phát triển kinh tế- xã hội các địa phương; đào tạo nghề gắn với tự tạo việc làm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực, cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề và tạo nguồn xuất khẩu lao động...

Các làng nghề văn hóa truyền thống cũng góp phần thu hút khách du lịch. Ảnh chụp tại Cocohome Vĩnh Long vào tháng 11/2020.
Các làng nghề văn hóa truyền thống cũng góp phần thu hút khách du lịch. Ảnh chụp tại Cocohome Vĩnh Long vào tháng 11/2020.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng BCĐ thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của tỉnh- tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án này đã biểu dương BCĐ các cấp.

Bà cho rằng nguồn lực đầu tư cho đề án là rất lớn, kết quả đem lại là đã đào tạo được ngành nghề, gắn với tạo được việc làm cho lao động nông thôn, giúp người lao động nông thôn nâng cao thu nhập, thoát nghèo...

Ông Nguyễn Minh Dũng- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long- dự và phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Ông cho rằng: Công tác tuyên truyền về đề án đã đi sâu sát, kết quả thu hút người lao động nông thôn tham gia học nghề đạt cao. Đề án đã đạt được các kết quả rất quan trọng và đi vào cuộc sống!

Đại diện lãnh đạo tỉnh gợi mở, trong khi chờ các chính sách tiếp theo đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thì ngành chức năng cần tham mưu để tỉnh có bước đi cụ thể, phù hợp ở địa phương trong hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng lao động nông thôn như đề án trong 10 năm qua.

Cần gắn kết chặt chẽ giữa các nhu cầu: học viên lao động nông thôn, doanh nghiệp, điều kiện của từng địa phương... để phát huy cao nhất hiệu quả khi triển khai các chính sách dành cho lực lượng này.

Đào tạo nghề cho 50.000 lao động nông thôn trong 10 năm tới

Giai đoạn 2021- 2030, tỉnh Vĩnh Long dự kiến tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho 356.500 người, trong đó: cao đẳng 5.500 người, trung cấp 16.000 người, sơ cấp 130.000 người, đào tạo thường xuyên 205.000 người (trong đó hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, ngắn hạn cho 50.000 lao động nông thôn và các đối tượng lao động yếu thế trên địa bàn). Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của tỉnh đến cuối 2030 đạt 75%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50%. Giai đoạn 10 năm được chia ra 2 giai đoạn mỗi 5 năm.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI